Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 3: Người giữ lửa làng quyền An Vinh

09/06/2013 07:50 GMT+7

Lão võ sư Phan Thọ (88 tuổi, ở làng Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, H.Tây Sơn, Bình Định) là người thông thạo 18 ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định.

Lão võ sư Phan Thọ (88 tuổi, ở làng Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, H.Tây Sơn, Bình Định) là người thông thạo 18 ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định.

Danh tiếng làng quyền An Vinh (xã Tây Vinh, H.Tây Sơn) có từ hơn 200 năm trước, bắt nguồn từ những người mang họ Nguyễn. Theo võ sư Phan Thọ, ông Nguyễn Ngạc (tức Hương mục Ngạc) là sáng tổ của làng quyền An Vinh. Dân gian truyền lại rằng bà tổ cô của ông Ngạc là thầy dạy võ cho nữ tướng Bùi Thị Xuân. Ngay từ nhỏ, ông Ngạc đã học võ nghệ của gia đình và lớn lên theo học ông Khách Bút ở Kiến Hàng (thuộc TX.An Nhơn, Bình Định ngày nay). Ông Khách Bút nhận 2 học trò cùng ở làng An Vinh là ông Năm Nghĩa và ông Nguyễn Ngạc. Hai học trò có hai tư chất khác nhau nên ông Khách Bút chú tâm luyện cho mỗi người một chuyên biệt võ công. Trong khi ông Ngạc được thầy chuyên tâm hướng dẫn về quyền thì ông Năm Nghĩa được rèn luyện về roi.

  Võ sư Lê Công Hoàng biểu diễn lại chiêu dùng mông đánh ngã cột nhà của ông Hương Kiểm Mỹ
Võ sư Lê Công Hoàng biểu diễn lại chiêu dùng mông đánh ngã
cột nhà của ông Hương Kiểm Mỹ

Năm 1908, ông Ngạc và ông Năm Nghĩa tham gia yểm trợ cho đồng bào An Vinh, An Thái chống thuế. Ông Hương mục Ngạc lấy uy tín của mình tập hợp tất cả bằng hữu và môn sinh ở An Vinh, An Thái, kêu gọi họ “thi hành võ đạo, ủng hộ chính nghĩa” bằng cách tiêu diệt bọn ác ôn, bảo vệ đồng bào. Ông Ngạc sinh được tám người con nhưng chỉ có ông Bảy Lụt (tên thật là Nguyễn An), Chín Giác và bà Tám Cảng để lại nhiều giai thoại trong giới võ thuật. Các học trò của ông Ngạc cũng có nhiều người rất nổi tiếng là Sáu Hà, Hương Kiểm Mỹ, Tám Tự, Hai Tửu...

Võ sư Phan Thọ bắt đầu học quyền An Vinh từ năm 17 tuổi với thầy Bảy Lụt.

Sau đó, trong vòng 20 năm “cơm nhà, áo vợ”, ông lần lượt theo học các thầy Diệp Trường Phát (Tàu Sáu), Lê Hải (Sáu Hà), Đinh Hề (Hương Kiểm Mỹ), Hồ Ngạnh… Mỗi người thầy của võ sư Phan Thọ đại diện cho một môn phái, có thế mạnh riêng và tất cả đều là những cao thủ đương thời. Tuy nhiên, sở trường của võ sư Phan Thọ vẫn là quyền của phái An Vinh. Võ sư Phan Thọ từng hạ heo rừng, đánh bại nhiều cao thủ cùng thời nhưng ấn tượng nhất vẫn là hạ 3 võ sĩ Đại Hàn (Hàn Quốc ngày nay).

Tiếng lành đồn xa, võ đường của võ sư Phan Thọ có nhiều võ sinh từ các miền của đất nước đến trọ học. 18 môn binh khí của võ cổ truyền xuất phát từ thời phong trào nông dân Tây Sơn (thập bát ban binh khí), gồm: quyền, roi, siêu, kiếm, đao, độc tiên (tức khăn xéo), thương, kích, giảng, thủ, chùy, mỏ gẩy, xà mâu, côn, xích, thước, ba chĩa và trống thiên cung đều được võ sư Phan Thọ mang ra truyền lại cho các học trò. Hai người con của võ sư Phan Thọ, võ sư Phan Thanh Sơn dạy võ ở tỉnh Bình Dương, còn võ sư Phan Hữu Đức đang dạy võ tại Quy Nhơn. Các cháu của võ sư Phan Thọ cũng rất nhiều người theo nghiệp gia truyền và đang được ông truyền lại các chiêu thức của 18 môn binh khí.

  Võ sư Phan Thọ truyền dạy 18 môn binh khí cho học trò - 1
Võ sư Phan Thọ truyền dạy 18 môn binh khí cho học trò - Ảnh: Hoàng Trọng

Các thế hệ học trò của võ sư Phan Thọ, như: Đỗ Hượt, Lê Công Hoàng, Kim Dũng, Phan Trường Hận, Nguyễn Xuân Nam… đều thành danh trong nghiệp võ. Trong đó, Đỗ Hượt từng đánh nốc ao võ sĩ ngũ đẳng huyền đai người Đại Hàn trên sàn đấu Tây Sơn. Ông Hượt còn nổi tiếng trong trận giáp chiến tại cầu Đập Bộng (xã Bình Nghi), một mình ông đương đầu với một trung đội lính Đại Hàn trang bị lưỡi lê sáng quắc, giữa hai cuộn thép gai dã chiến. Bị chúng bao vây và tới tấp đâm lê vào người, Đỗ Hượt vừa đánh vừa tránh đòn rồi chui xuống cống Đập Bộng để thoát thân.  

Học võ không chỉ dùng lực mà phải dùng trí

Võ sư Lê Công Hoàng (70 tuổi, ở thôn 1, xã Bình Nghi) kể, ngày xưa học võ rất khó khăn, đến giờ người ta vẫn còn nhắc câu “giàu học võ, khó học văn”. Người học võ phải quyết tâm, kiên trì thì các thầy dạy võ mới nhận và chỉ dạy cho. Thầy Phan Thọ là người rất nghiêm khắc trong dạy bảo học trò.

Có lần, ông Hoàng đang ở nhà thầy Phan Thọ một mình thì ông Hương Kiểm Mỹ đến và nói: “Tao nghe Phan Thọ nói mày học võ tốt lắm, tao đố nếu mày trả lời được thì sẽ bày thêm cho vài đường. Cây cột ở giữa nhà này (ngày xưa cột nhà bằng gỗ dựng trên một tảng đá vuông), mày dùng thế võ nào để đánh nó bay ra khỏi cục đá?”. Ông Hoàng suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Trung bình tấn xuống thấp rồi dùng vai đánh vào cột”. Ông Hương Kiểm Mỹ bảo: “Cách đó được nhưng chưa hay”. Sau khi uống ly trà, ông Hương Kiểm Mỹ trụ người xuống tấn, dùng mông hất một cái, cây cột bay ra khỏi cục đá kê. Sau khi kê lại cây cột, ông Hoàng áp dụng thế của ông Hương Kiểm Mỹ, dùng hết lực hất một cái thật mạnh, cây cột cũng văng ra khỏi cục đá nhưng vài ngày sau cái mông của ông Hoàng vẫn còn ê ẩm.

“Cây cột giữa nhà gánh rất nhiều lực, càng lên cao thì lực gánh càng nhẹ đi nên đánh khó ngã, đánh dưới thấp thì cột dễ ngã hơn. Bài học đó, ông Hương Kiểm Mỹ muốn dạy tôi rằng học võ không chỉ dùng lực mà phải dùng trí, phải biết thế thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn”, võ sư Lê Công Hoàng nói.

Lò dạy võ của võ sư Lê Công Hoàng đang có nhiều gương mặt trẻ được đánh giá cao, như: Lê Văn Mười (29 tuổi), HLV võ thuật quốc gia cấp 16; Phan Ngọc Tiến (28 tuổi), HLV võ thuật quốc gia cấp 15; Trương Văn Phúc (24 tuổi) HLV võ thuật quốc gia cấp 15; Lê Quốc Tuấn (18 tuổi), HLV võ thuật quốc gia cấp 14…

Hoàng Trọng
>> Làng võ Phú Yên có hội cựu võ sinh
>> Dấu ấn Rémy Huỳnh trong làng võ Việt
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.