Các kiều nữ điền kinh bán hàng online: Nghi ngờ bị… hack nick và nỗi lo 'bom' hàng

07/08/2020 10:36 GMT+7

Các kiều nữ của đội tuyển điền kinh Việt Nam ngoài việc tận hiến trong sự nghiệp để mang về thành tích chói sáng cho thể thao Việt Nam còn tự tìm niềm vui cũng như kiếm thêm một khoản thu nhập cho mình khi bán hàng online.

Nguyễn Thị Huyền đã trở thành gương mặt quá quen thuộc trên đấu trường quốc tế với “vô vàn” những tấm HCV SEA Games hay giải vô địch châu Á Grand Prix. Đầu năm 2018, bạn bè và người hâm mộ vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi đọc trên trang cá nhân của cô những chia sẻ cũng liên quan môn điền kinh nhưng là các sản phẩm, trong đó Huyền đóng vai trò là người bán hàng online.
“Ngày đầu tiên rao bán giày chạy ở Facebook, có một khán giả vào chat riêng, không phải hỏi giá, mà hỏi: Có phải chị là chị Huyền nhà vô địch Đông Nam Á không ạ, em vẫn theo dõi chị thường xuyên nhưng hôm nay chỉ sợ chị bị… hack nick. À, đúng là chị rồi. Em chúc chị buôn may bán đắt ạ. Tôi cứ buồn cười mãi. Thực sự hồi đó mới sinh em bé, chưa quay lại đội tuyển nên tôi tự tìm thêm niềm vui”, Huyền vui vẻ kể lại kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp kinh doanh của mình.
Khác với Huyền, đồng đội của cô là Nguyễn Thị Oanh, nhà vô địch SEA Games 30 ở nội dung tiếp sức 4x400 m, lại “máu” kinh doanh từ bé. Oanh bảo: “Bán hàng với tôi là một đam mê bởi từ nhỏ tôi đã ở nhà phụ gia đình bán hoa quả, bán rau... Tôi thích kinh doanh lắm. Nói vui theo kiểu xu hướng bây giờ là bố mẹ muốn mình trở thành doanh nhân nhưng đời lại “bắt” mình trở thành VĐV điền kinh”. Oanh bán nhiều mặt hàng lắm. Chúng tôi đã từng mua của cô nàng xinh đẹp này ối món, bắp rang bơ, kim chi Hàn Quốc… Đại loại, Oanh bán hàng online từ thực phẩm đến vật gia dụng, mỹ phẩm, giày dép các loại.
Các kiều nữ điền kinh bán hàng online1

Đinh Thị Bích sắp xếp hàng trước khi ship cho khách

ẢNH: NVCC

Chủ nhân của tấm HCV SEA Games 30 nội dung 800 m nữ - Đinh Thị Bích cũng chọn nghề tay trái là bán hàng online với các sản phẩm giày, quần áo thể thao… Thi thoảng Bích còn lấy chính mình ra làm người mẫu quảng bá cho sản phẩm. Oanh, Huyền, Bích đều tâm sự rằng bán hàng qua mạng chưa thể trở thành nghề mưu sinh của các cô vì thời gian chủ yếu vẫn dành cho tập luyện, thi đấu. “Bán hàng để trang trải và thay thế thu nhập chính thì chưa đủ đâu. Công việc này chỉ giúp được chúng tôi có thêm ít tiền tiêu vặt. Quan trọng là tìm được niềm vui vì nhiều người biết mình hơn, có thêm được bạn bè và mở rộng hơn mối quan hệ”, Nguyễn Thị Huyền chia sẻ. Còn Bích nói: “Kiếm được khoản lãi nho nhỏ cũng làm mình vui lắm đấy. Tiền công của chúng tôi trên tuyển được khoảng 9 - 10 triệu đồng. Nghề tay trái thêm được tí nào hay tí nấy. Lãi ít thì tiêu ít, lãi nhiều tiêu nhiều hơn chút rồi dành dụm biếu bố mẹ”. 
Các kiều nữ điền kinh Việt Nam cũng ấp ủ sau này sẽ có cửa hàng riêng mà theo chia sẻ của Nguyễn Thị Oanh: “Ban đầu xác định bán nhỏ lẻ để sau vài năm tích cóp, tôi sẽ có một khoản vốn với mong muốn mở một cửa hàng đúng nghĩa. Điều này đã nằm trong dự định nhưng hiện tại thì chưa thể vì khi mở cửa hàng sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Nhưng mơ ước là có thật và chị em chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện trong tương lai không xa”.
Trước mắt, các cô gái xinh đẹp của chúng ta vẫn hằng ngày tranh thủ lúc không tập luyện lại nhận đơn hàng, tư vấn cho khách rồi nhờ người đi ship hàng. “Cũng phải theo quy trình. Mình tìm hiểu các link sản phẩm, chọn mặt hàng nào mà mình có cảm giác sẽ bán chạy hoặc phù hợp với xu thế tiêu dùng tại Việt Nam thì rao sản phẩm trên trang cá nhân. Mình là người bán, dù lãi lời thế nào cũng phải có tâm với khách. Nhiều khách dễ tính chỉ cần báo kích cỡ sản phẩm. Nhưng nhiều khách cũng cầu kỳ, nhờ mình tư vấn về kiểu dáng, màu sắc. Phải nói cho khách một cách tận tâm, chân thành thì lần sau khách còn nhớ mà đặt món khác”, Đinh Thị Bích chia sẻ.
Chúng tôi hỏi: “Trong 'sự nghiệp' bán hàng online, bạn có bao giờ bị “bom” hàng chưa, kiểu như bị khách dù đặt nhưng sau lại không lấy hàng ấy?”. Bích cười: “Cũng có chứ, nhưng ít thôi. Nếu rơi vào món mà mình phải ứng tiền ra trước thì cũng khá “đau đớn” đấy. Cũng có khách nói nặng lời với mình nếu như không may món hàng đó không đúng với suy nghĩ của họ khi đặt. Dù mình không sai nhưng cũng xin lỗi khách một câu. Khách không giận nữa và lại trở thành mối ruột của mình”. Còn Huyền kể lại tình huống “dở khóc dở cười”: “Tôi có bán giày cho một khách hàng, họ tố mình là lừa đảo vì bán hàng không chuẩn. Nhưng người ta không hiểu về đồ đặt bên Nhật sẽ không có hộp để giảm tải số cân khi chuyển về Việt Nam. Họ đòi đăng lên các diễn đàn, tố mình bán hàng giả… Lúc đó tức mà không làm gì được, nhưng rồi mình cũng giải thích mà họ đi tìm hiểu lại, đến nay vẫn đặt hàng của mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.