Chấn thương là bước ngoặt của thành công

01/01/2010 09:43 GMT+7

6 tháng chấn thương đầu năm 2009 tưởng chừng lấy đi của Hương tất cả nhưng cũng nhờ đó mà Vũ Thị Hương có thêm động lực đứng dậy để “chiến đấu” và điều cô làm được còn lớn hơn sự kỳ vọng của mọi người.

Vũ Thị Hương và 2 chiếc HCV SEA Games 25, “khóa sổ” năm 2009 trọn vẹn - Ảnh: B.Dương

6 tháng chấn thương đầu năm 2009 tưởng chừng lấy đi của Hương tất cả nhưng cũng nhờ đó mà Vũ Thị Hương có thêm động lực đứng dậy để “chiến đấu” và điều cô làm được còn lớn hơn sự kỳ vọng của mọi người.

Năm 2009 khép lại rất “có hậu” đối với cô gái 23 tuổi quê Thái Nguyên Vũ Thị Hương: 6 tháng đầu năm cô bị chấn thương cổ chân hành hạ nhưng lại bùng nổ ở 3 tháng cuối năm bằng những chiến tích lẫy lừng trên đường chạy cả trong lẫn ngoài nước để rồi được đền đáp xứng đáng bằng danh hiệu VĐV tiêu biểu Việt Nam 2009. 365 ngày của những buồn vui, của thất vọng và hy vọng, của những hoài bão tuổi trẻ giúp Vũ Thị Hương “lớn” lên rất nhiều. Cô gái vàng của thể thao Việt Nam Vũ Thị Hương đã giành cho TNTT&GT cuộc đối thoại cởi mở ngày đầu năm mới.

Những niềm vui

Chúc mừng Hương đã đoạt danh hiệu VĐV tiêu biểu Việt Nam năm 2009, đây hẳn là niềm vui lớn nhất của chị trong năm nay?

Với tôi, niềm vui lớn nhất chính là những nỗ lực của mình đã được mọi người ghi nhận. Tôi nghĩ, tất cả VĐV - những đồng nghiệp của tôi đều đã phấn đấu hết mình trong tập luyện để đạt thành tích cao nhất cho bản thân cũng như thể thao Việt  Nam và họ đều đáng được tôn vinh.

Giới chuyên môn nhận định năm 2009 được xem là năm “bùng nổ” về mặt thành tích trên đường chạy cự ly ngắn của Hương, những thành tích này có ý nghĩa thế nào với chị?

Mỗi thành tích mà tôi đạt được trong năm đều có ý nghĩa riêng. Ở lần đầu quay lại đường chạy tại giải VĐQG sau 6 tháng chấn thương dài đằng đẵng, tôi đã phá được KLQG ở cự ly 100m. Thành tích này rất quan trọng bởi nó đã xóa tan những áp lực do chính tôi, BHL cũng như dư luận tạo ra đồng thời giúp tôi tự tin bước ra tranh tài những giải đấu sau đó và có thành tích như mong muốn. Điển hình là tấm HCV cự ly 60m ở Giải điền kinh trong nhà châu Á lần thứ 3 (AIGs 3) trên sân nhà và sau đó là 2 chiếc HCV ở SEA Games 25 trên đất Lào.

Không ít người cho rằng chính những thành công trong cuộc sống đã giúp Hương tạo ra những cú đột phá mạnh mẽ trên đường chạy trong năm  2009 vừa qua…

Vâng, rõ ràng nhất là việc tôi rời Thái Nguyên về đầu quân thi đấu cho An Giang. Điều này giúp tôi giải quyết được những khó khăn về mặt tài chính. Nếu như ở Thái Nguyên, tôi sống với mức lương 600 ngàn đồng/tháng nên phải trông chờ vào tiền thưởng ở các giải đấu thì về An Giang, thu nhập của tôi được đảm bảo 15 triệu đồng/tháng cùng với những đãi ngộ khác. Đó là bước ngoặt trong sự nghiệp thi đấu của tôi, nó giúp tôi an tâm tập trung vào chuyên môn thay vì suốt ngày lo chuyện cơm, áo. Cuộc sống vợ chồng không gặp phải trắc trở trong năm qua cũng là thuận lợi lớn để tôi có được thành công.

Những nỗi buồn

“Ngồi ngẫm nghĩ đến thành công như bây giờ tôi lại nhớ về những tháng ngày chấn thương ở 6 tháng đầu năm. Đó là những ngày mà tôi nếm trọn nỗi buồn, nhiều khi rơi vào trạng thái tuyệt vọng, muốn buông xuôi…”, Vũ Thị Hương bùi ngùi tâm sự.

Nhiều người vẫn chưa hiểu vì sao Hương lại “dính” chấn thương cổ chân hết sức... vô duyên bởi khi đang tập chạy cô lại chuyển sang tập… nhảy rào?

Đó là sai lầm lớn nhất mà tôi đã giấu không cho ai biết. Vì muốn có thêm bài tập bổ trợ, tôi đã đi tập nội dung nhảy rào mà không thông báo cho HLV Nguyễn Đình Minh biết. Đây là bài tập không có trong giáo án huấn luyện của HLV nên khi xảy ra sự cố chấn thương cổ chân, tôi đã bị HLV Nguyễn Đình Minh “chửi” tơi bời.

Hậu quả của nó chắc Hương nắm rõ nhất?

Trong đời VĐV, nỗi sợ hãi lớn nhất chính là chấn thương đến với mình. Những ngày bó gối nhìn đồng đội luyện tập, những ngày ra sân, chân muốn chạy nhưng cổ chân lại nhói đau khiến mình bực bội vô cùng. Đó cũng là thời gian mà tôi nghĩ đến khả năng giải nghệ nếu chấn thương không khá hơn. Rất may là HLV Nguyễn Đình Minh, gia đình cùng đơn vị chủ quản An Giang đã bằng nhiều cách chạy chữa lành hẳn chấn thương cho tôi.

Và những mục tiêu mới

Những thành tích ấn tượng trong năm qua khiến nhiều người đặt hy vọng vào Hương làm nên thành công mới cho điền kinh VN trong tương lai. Hương tự đặt mục tiêu của mình trong năm mới ra sao?

3 tháng cuối năm vừa rồi chính là thời điểm mà tôi thấy mình sung sức nhất. Tôi hoàn toàn có khả năng nâng cao thành tích mà mình đạt được trong thời gian vừa qua. Mục tiêu lớn nhất của tôi là đoạt vé chính thức đến Olympic 2012. Trước khi làm điều đó, ngay trong năm 2010, tôi đặt mục tiêu phá các kỷ lục QG 100m, 200m mà mình đang nắm giữ. Còn ở các giải quốc tế trong năm 2010, trọng tâm của tôi là tập trung vào Asiad 2010 tại Trung Quốc. Ở giải đấu này, tôi phấn đấu có huy chương và đạt chuẩn A để giành vé đi Olympic.

Còn trong cuộc sống, liệu Hương sẽ có mục tiêu nào khác?

Tôi phấn đấu kiếm tiền từ lương, thưởng để mua nhà ở riêng. Hiện tôi đang bắt đầu học năm thứ nhất trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) với mục tiêu sẽ trở thành HLV điền kinh sau này. Ước muốn con người thì nhiều lắm, mong đầu năm “cầu được ước thấy”.

Hoàng Quỳnh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.