Vĩnh biệt ông Nguyễn Văn Chiếu - người truyền lửa vovinam

Quang Tuyến
Quang Tuyến
04/02/2020 19:03 GMT+7

Tin võ sư Chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu, Phó chủ tich Liên đoàn Vovinam, từ trần sáng nay 4.2 ở tuổi 72 đã gây bất ngờ và xúc động cho nhiều người yêu võ thuật, đặc biệt là môn phái vovinam - Việt võ đạo.

Dạy võ không mệt mỏi

Tôi biết võ sư Nguyễn Văn Chiếu gần 30 năm nay từ khi ông còn mày mò dạy võ cho từng học trò và đêm đêm còn thắp đèn dầu do điện không đủ sáng để chấm thi, nhằm lựa ra từng VĐV tài năng cho bộ môn vovinam.
Những năm 80 và 90 của thế kỷ trước võ thuật khi đó rất được nhiều bạn trẻ yêu thích, nhưng có một thực tế là ai ai cũng đổ xô đi học taekwondo, judo hay quyền anh chứ ít người chú tấm rèn luyện môn quốc võ vovinam hay võ cổ truyền. Lúc đó, hàng loạt giải đấu xuất hiện rầm rộ được khán giả mong đợi mỗi cuối tuần nhưng không hề có một giải vovinam đúng nghĩa để truyền bá, phát triển môn võ dân tộc này.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên nhận được tin nhắn của võ sư NguyễnVăn Chiếu năm 1992, lúc đó đang là Phó phòng TDTT quận 8, mời sang xem biểu diễn vovinam. Tôi lập tức đạp xe qua cầu chữ Y đi mãi con đường Phạm Thế Hiển để tìm đến một võ đường, đúng hơn là một ngôi nhà xập xệ được sắp xếp làm nơi biểu diễn vovinam. Khi đó chỉ toàn là môn sinh của quận 8 chứ chưa hề có bất cứ đổ đệ nào từ đia phương hay qụân huyện lân cận đến học. Nhưng thầy Chiếu không hề lăn tăn.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu (phải) hướng dẫn một đòn thế vovinam

Gia đình nhân vật cung cấp

Ông cười hiền nói với tôi: “Tôi mời nhà báo đến để mọi người cùng thấy võ Việt Nam đâu hề thua kém các môn võ chính thống khác của thế giới. Hơn nữa võ Việt Nam lại đẹp và rất sáng tạo, động tác đầy thu hút và biểu cảm. Chỉ cần các anh viết cổ vũ thì cũng đã tiếp thêm sức mạnh và tinh thần cho chúng tôi phổ cập mạnh mẽ hơn”.
Hôm đó tôi đã chứng kiến nhũng pha bay lượn trên không, những đòn tấn và những bài thi quyền đẹp của võ sinh vovinam, ai cũng suýt xoa, trầm trồ và hy vọng một ngày không xa môn võ dân tộc này sẽ đủ sức đứng vững ở trong nước và vươn ra thế giới. Dù báo chí đã có nhiều bài viết động viên khi đó nhưng vovinam vẫn chỉ tồn tại một cách âm thầm, không nổi đình nổi đám như các môn võ khác. Một phần do không có thi đấu quốc tế và cũng chưa được vươn xa ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng với võ sư Nguyễn Văn Chiếu thì không có chuyện gì là không thể. Một mặt dốc hết tiền túi vốn liếng ra phối hợp với các võ sư khác mở ra nhiều lò luyện võ vovinam, mặt khác ông đi khắp các địa phương trong cả nước, đến đâu cũng khuyến khích thanh niên học sinh theo học võ.
Ông kiên trì phổ biến luật lệ, cả ngày chỉ dạy và dạy vovinam không mệt mỏi. Có lần có những môn sinh ở tận Châu Thành (An Giang) lặn lội đến xin học và chỉ xin học ban đêm vì ban ngày phải làm thêm kiếm sống, ông Chiếu vẫn tận tình chỉ bảo, đứng lớp đến tận 12 giờ khuya. Có hôm ông nhận lớp dù chỉ 1 ngưới từ nước ngoài về thọ giáo, ông cũng sẵn sàng đứng lớp dạy. Bởi mục đích cuối cùng như ông tâm sự là càng nhiều người biết đến vovinam thì môn võ này càng thẩm thấu và đi vào lòng nguời nhiều hơn.
Dạy vovinam cho học trò, ông không phải chỉ nói suông. Võ sư Chiếu luôn đưa ra nhiều bài tập để các võ sinh rèn luyện một cách thuần thục. Ông nói: “Vovinam không chỉ sử dụng các đòn ném ,quật, đấm, đá mà còn có thể phối hợp dùng vũ khí. Chiêu thức đặc trưng của môn võ là đòn khóa bằng chân có thể vô hiệu hóa đối thủ bằng việc kẹp một phần cơ thể, thường thấy nhất là cổ. Đây là chiêu thức có cả sự đẹp mắt và hiệu quả. Tuy sở hữu các chiêu thức đa dạng nhưng vovinam vẫn đề cao sự điềm tĩnh và ý chí của bản thân. Triết lý của môn võ là đào tạo một công dân tốt cho xã hội, có thể tự bảo vệ mình chứ không phải để ra ngoài đánh nhau”.

Thẩm thấu vovinam

Khi vovinam bắt đầu đứng vững ở trong nước thì cũng là lúc võ sư Nguyễn Văn Chiếu hướng ánh nhìn ra nước ngoài. Ông tham gia tổ chức các hoạt động biểu diễn võ thuật ở hơn 20 quốc gia, bắt đầu tại Belarus năm 1990. Đi đến đâu vovinam cũng được nhiều người thích thú, chú tâm học hỏi. Số môn sinh đông dần ở các lò luyện vovinam tại các nuớc châu Âu, trong đó có công không nhỏ của võ sư Chiếu. Đến nay có khoảng gần hai triệu người theo tập vovinam tại Việt Nam và gần 1 triệu người ở 55 quốc gia khác trên thế giới. Một con số phát triển vượt bậc chỉ sau chưa đến 20 năm.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu dạy vovinam ở bãi biển tại Tây Ban Nha

Gia đình nhân vật cung cấp

Ở tuổi 71 như người khác đã có thể vui nghỉ với con cháu, nhưng ông Chiếu vẫn đau đáu với vovinam. Ông vẫn miệt mài tham gia liên đoàn, tham gia tổ chức quản lý các hoạt động chuyên môn và vẫn dành thời gian bám sát các lò võ để tiếp tục chỉ dạy cho các học trò, vẫn đủ dẻo dai để thực hiện các bài tập.
Hơn 40 năm gắn bó với vovinam, ông tâm sự: "Tôi đã dành cả cuộc đời cho môn võ này dù nó không mang lại cho tôi sự giàu có. So với những người làm công việc khác thì tôi thậm chí còn nghèo hơn. Nhưng tôi làm bởi đam mê và tinh thần võ học của vovinam. Tôi đã theo học để rồi dạy lại mọi người như trả món ân huệ cho những người thầy của mình. Đây là số phận".
Mới đây, kênh truyền hình CNN đã có phóng sự về võ sư Nguyễn Văn Chiếu với tiêu đề chương trình "Human to Hero" (từ người thường thành người hùng), trong đó có đưa phát biểu của ông: “Giấc mơ của tôi là mở một học viện vovinam thật lớn cho tất cả mọi người trên thế giới có thể tới theo học và nghiên cứu môn võ này”. Chỉ tiếc là giấc mơ này đã dang dở vì ông đã rời bỏ cõi trần để ra đi mãi mãi.
Vĩnh biệt ông, để cảm ơn sự đóng góp của ông cho vovinam, những học trò của ông chắc chắn sẽ phải nỗ lực không ngừng để trong thời gian tới thực hiện cho bằng được giấc mơ thành lập nên học viện này. Một cây đại thụ, người truyền lửa tuyệt vời của vovinam đã ra đi, nhưng tất cả những ai yêu mến ông và theo học môn võ này mãi mãi vẫn sẽ không bao giờ quên “người hùng thầm lặng” Nguyễn Văn Chiếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.