Chính khách và bóng đá: Mubarak và ngày tàn của 'Những Pharaoh'

28/09/2015 09:09 GMT+7

Làn sóng cách mạng mang tên "Mùa xuân Ả Rập" quét đến Ai Cập vào tháng 1.2011 và chỉ trong thoáng chốc, phe nổi loạn hạ bệ Hosni Mubarak - nhân vật đã giữ ghế tổng thống Ai Cập suốt 30 năm liền (1981 - 2011), người đã có ảnh hưởng lớn đến bóng đá Ai Cập trước đó.

Làn sóng cách mạng mang tên "Mùa xuân Ả Rập" quét đến Ai Cập vào tháng 1.2011 và chỉ trong thoáng chốc, phe nổi loạn hạ bệ Hosni Mubarak - nhân vật đã giữ ghế tổng thống Ai Cập suốt 30 năm liền (1981 - 2011), người đã có ảnh hưởng lớn đến bóng đá Ai Cập trước đó.

Hosni Mubarak - người đã có ảnh hưởng lớn đến bóng đá Ai Cập - Ảnh: Reuters
Hosni Mubarak - người đã có ảnh hưởng lớn đến bóng đá Ai Cập - Ảnh: Reuters
Tất nhiên, khi một đất nước đang trải qua biến cố chính trị quan trọng như vậy, sẽ chẳng ai còn tâm trí chơi hoặc xem bóng đá nữa, và các trận đấu đỉnh cao dù muốn cũng không thể diễn ra trong hoàn cảnh như thế. Tuy nhiên, vấn đề ở đây lại khá đặc biệt.
Vì sao cường quốc bóng đá số 1 châu Phi bỗng chìm hẳn vào quên lãng suốt từ khi cuộc cách mạng 2011 bùng nổ ở Ai Cập - dù trên nguyên tắc thì cuộc cách mạng ấy chỉ diễn ra trong hơn 2 tuần? Vâng, có thể gọi Ai Cập là cường quốc bóng đá số 1 châu Phi, về rất nhiều phương diện.
Bóng đá Ai Cập giàu đến mức đấy có lẽ là nền bóng đá duy nhất ở châu Phi mà các hảo thủ không nhất thiết cứ phải tìm đường sang châu Âu đá thuê. Về thành tích chuyên môn, đội tuyển Ai Cập giữ kỷ lục 7 lần vô địch châu Phi - bỏ xa các đội kế tiếp là Cameroon và Ghana (đều chỉ vô địch 4 lần). Ngay trước chuỗi sự kiện "Mùa xuân Ả Rập", đội tuyển Ai Cập với biệt danh "Những Pharaoh" đã nâng cúp châu Phi 3 lần liên tiếp (2006, 2008, 2010) và đấy dĩ nhiên là một kỷ lục.
Bóng đá Ai Cập còn sôi động, hấp dẫn với trận derby nổi tiếng nhất châu Phi, luôn được xếp vào top 10 các trận derby nổi tiếng trên thế giới. Đó là sự kình địch giữa 2 CLB đều ở thủ đô Cairo: Al-Ahly và Zamalek. Đội Al-Ahly giữ kỷ lục 8 lần vô địch ở trận địa C1/Champions League châu Phi. Đứng ngay sau họ chính là Zamalek với 5 lần vô địch. Trận "siêu kinh điển" Barcelona - Real Madrid ở Tây Ban Nha, nếu không gặp lúc thích hợp, có khi cũng tẻ nhạt đi đôi chút. Al-Ahly gặp Zamalek thì dứt khoát không bao giờ tẻ nhạt. Vì đấy không còn là chuyện bóng đá thuần túy nữa, mà chính là liên quan đến nhân vật Hosni Mubarak trong "Mùa xuân Ả Rập".
Mubarak giàu đến mức nào khi ông giữ ghế tổng thống suốt 30 năm, chưa kể trước đó đã là thống chế không quân, rồi tiến lên ghế phó tổng thống? Cần lưu ý, ngay sau khi bị hạ bệ, ông đã bị truy tố về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Theo ABC News, giới chuyên môn ước tính Mubarak và gia đình có khoảng 40 - 70 tỉ USD. Theo tờ Guardian, con số ấy là khoảng 70 tỉ USD. Nhưng tóm lại, không ai biết được con số chính xác. Chỉ biết chắc một điều: Mubarak, giống như bao chính khách khác, luôn xem bóng đá là công cụ quan trọng trong sự nghiệp chính trị. Ông rất ưu ái HLV Hassan Shehata và các tuyển thủ Ai Cập. Ông cũng tự xem mình là fan ruột đồng thời là ông bầu không chính thức của CLB Zamalek. Người ta cho rằng chính Mubarak đã chỉ định Shehata dẫn dắt đội tuyển quốc gia và bổ nhiệm nhiều nhân vật quan trọng khác trong LĐBĐ Ai Cập, dù tất nhiên đấy chẳng bao giờ là việc làm chính thức (sai luật FIFA).
Vậy nên, chẳng có gì lạ khi các fan cuồng của Al-Ahly chính là lực lượng nòng cốt trong cuộc nổi dậy lật đổ Mubarak. Ban đầu, họ kéo tới sân với danh nghĩa hooligan hoặc CĐV cực đoan. Hàng ngàn hooligan trương biểu ngữ đả kích, xúc phạm, nhục mạ Tổng thống Mubarak. Sau đó mọi chuyện lan nhanh và tiến ngay đến mức độ các lực lượng của Mubarak không thể kiểm soát tình hình. Gọi đấy là "cách mạng Facebook" hay "cách mạng bóng đá" cũng được. Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng, HLV Shehata và khá nhiều tuyển thủ Ai Cập tuyên bố ủng hộ Mubarak.
Bây giờ, ai cũng biết rõ kết cục của biến cố chính trị 2011 ở Ai Cập. Làm sao Shehata có thể dẫn dắt đội tuyển quốc gia nữa! Ông và các "đồng minh" không bị thanh trừng đã là may mắn. Các quan chức "của Mubarak" trong LĐBĐ Ai Cập đều phải nhanh chóng ra đi. Các tuyển thủ trong "sổ bìa đen" cũng chịu số phận hẩm hiu.
Rắc rối ở chỗ, tuy Tổng thống Mubarak bị hạ bệ rất nhanh nhưng những gì diễn ra sau đó lại ngày càng trở nên phức tạp. Khi bóng đá được vãn hồi thì những cuộc đụng độ giữa các nhóm hooligan Zamalek và Al-Ahly càng trở nên ác liệt. Không phải vài người thiệt mạng, mà là vài chục người, mỗi khi có đụng độ lớn. Thế rồi, phong trào "Huynh đệ Hồi giáo", vốn được xem là thành công trong cuộc lật đổ Tổng thống Mubarak, lại phát triển theo chiều hướng khác và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngôi sao Mohamed Aboutrika bị phong tỏa tài sản vì cáo buộc tài trợ cho tổ chức này. Bóng đá Ai Cập cứ thế ngày càng chết gí trong vòng xoáy chính trị. Bạn đã thấy đội tuyển nào 3 lần liên tiếp vô địch châu lục nhưng không qua nổi vòng loại ở 3 lần giải tiếp theo? Ngày Tổng thống Mubarak bị lật đổ cũng chính là ngày tàn của "Những Pharaoh".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.