Chống doping trong hoạt động thể thao ở Việt Nam

06/09/2015 09:15 GMT+7

Sử dụng chất cấm nhằm đạt thành tích cao là vấn đề nhức nhối và ngày càng phổ biến trong thể thao hiện nay. Bởi vậy sắp tới đây thông tư quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao ở Việt Nam sẽ được Bộ VH-TT-DL ban hành.

Sử dụng chất cấm nhằm đạt thành tích cao là vấn đề nhức nhối và ngày càng phổ biến trong thể thao hiện nay. Bởi vậy sắp tới đây thông tư quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao ở Việt Nam sẽ được Bộ VH-TT-DL ban hành.

VĐV cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để tránh doping - Ảnh: tư liệu Bệnh viện thể thao VN
VĐV cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để tránh doping - Ảnh: tư liệu Bệnh viện thể thao VN
“Chơi” cả… ma túy đá, hormon giới tính nam
Hiện có khoảng 300 chất cấm, thuộc 6 nhóm chất và 3 phương pháp cấm sẽ được công bố. Các nhóm chất được sử dụng nhiều nhất là nhóm hormon steroid, trong đó có hormon nam, nhóm tăng cơ, hormon tăng trưởng, kích thích sản xuất hồng cầu, nhóm giảm đau, tăng hưng phấn thần kinh…
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Ninh, Phó giám đốc Trung tâm doping và y học thể thao Tổng cục TDTT, cho biết: “Gần đây ở VN hầu như năm nào cũng có VĐV vi phạm, do vô tình hoặc cố ý; theo luật năm 2009 họ bị phạt cấm thi đấu từ 2 - 4 năm, bị tước huy chương… Do số mẫu xét nghịêm hằng năm chưa nhiều nên con số này có vẻ còn ít. Trong những năm tới con số này có thể sẽ tăng lên do số mẫu xét nghiệm nhiều hơn. Các mẫu nước tiểu và máu của VĐV được lấy tại các giải đấu hoặc ngoài thời gian thi đấu, với những VĐV có huy chương, hoặc lấy ngẫu nhiên cả VĐV không có huy chương. Theo luật mới 2015, các lỗi vi phạm sẽ bị phạt nặng hơn so với luật cũ”.
Theo ông Ninh, những VĐV sử dụng chất thuộc nhóm gây nghiện như bột đá, heroin làm tăng hưng phấn thần kinh, hoặc tiêm hormon giới tính nam nhằm làm cho cơ bắp to khỏe hơn… thường sau 6 tháng đến 1 năm sử dụng cơ thể có những biến chứng khó lường. Thậm chí đã có VĐV nữ cũng tiêm loại hormon này và hậu quả vô cùng nặng nề như bị nam hóa: giọng ồm, mặt xuất hiện nhiều mụn trứng cá, nhiều lông, mọc râu, mất kinh nguyệt; hoặc trở thành những con nghiện phụ thuộc vào thuốc và mất hết sức khỏe sau vài năm.
Đa phần các VĐV chọn những loại doping khác nhau tùy thuộc vào tính chất của mỗi môn thể thao. Những môn cần sức bền, sức mạnh như đua xe đạp, đua thuyền, bóng đá, thể hình… có VĐV nguy cơ sử dụng cao. Thậm chí một số môn ít sức mạnh như bắn súng, bắn cung… cũng đã phát hiện VĐV dùng doping với mục đích ổn định tinh thần, ổn định nhịp tim khi thi đấu.
Sẽ tổ chức điều trần đối với VĐV vi phạm
Ở VN hiện chưa có văn bản dưới luật nào có tác dụng nhằm giáo dục, ngăn ngừa tình trạng sử dụng doping. Do đó, sự ra đời của thông tư quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao là cực kỳ cần thiết.
Trong dự thảo Thông tư phòng, chống doping sắp được ban hành quy định rất rõ: Sau khi phát hiện VĐV sử dụng chất cấm, hội đồng xử phạt sẽ tổ chức điều trần và VĐV sẽ phải giải trình về những vấn đề liên quan đến hành vi sử dụng doping. “Kể từ năm 2015, nếu bị phát hiện, VĐV sẽ bị đình chỉ thi đấu trong 4 năm thay vì 2 năm như trước đây. Ngoài mức phạt theo đề nghị của hội đồng xử phạt, các liên đoàn, hiệp hội thể thao, đơn vị chủ quản còn đưa ra những hình phạt bổ sung khác đối với VĐV”, ông Nguyễn Xuân Ninh nói.
Những HLV, bác sĩ, cán bộ quản lý và người hỗ trợ VĐV nếu có hành vi lừa dối, ép buộc VĐV sử dụng doping, tùy thuộc vào mức độ vi phạm, cũng bị xử phạt từ 4 năm đến vĩnh viễn không được hành nghề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.