Chuyện của 4 bông hoa đua thuyền: Không ruột rà nhưng tình cảm như người nhà

Lan Phương
Lan Phương
29/01/2019 10:19 GMT+7

Chị cả đã yên bề gia thất và có một cô con gái xinh xắn; chị hai, chị ba vừa lên xe hoa còn cô em út vẫn đang ở tuổi mộng mơ. 4 cô gái tài năng của đua thuyền Việt Nam, 4 nhà vô địch ASIAD 18 không ruột rà máu mủ nhưng luôn yêu thương, che chở cho nhau như thể các cô cùng sinh ra trong một gia đình.

Hồ Thị Lý đứng trước gương. Trong gương, một cô dâu xinh đẹp với chiếc áo cưới lộng lẫy đang mỉm cười với Lý. Chàng trai với khuôn mặt tuấn tú đứng bên cạnh cũng mỉm cười, họ cầm tay nhau rồi say đắm đặt vào môi nhau một nụ hôn, đó là “nội dung” bộ ảnh… trước cưới của Lý. “Đời người con gái, có gì hạnh phúc hơn khi sự nghiệp được xem là thành đạt và tìm được một nửa bên kia của mình. Em đi qua năm 2018 với hai niềm vui lớn như một giấc mơ. HCV ASIAD và lấy chồng”, Lý nói.
Có vinh quang nào không được đánh đổi bằng nước mắt, bằng sự hy sinh gian khổ đâu!
Phạm Thị Thảo
Cô là “chị hai” trong “gia đình” đua thuyền gồm 4 chị em gái. Nhà Lý ở Quảng Trị. Nghèo. Tuổi thơ gặt lúa, chăn trâu cắt cỏ đồng xa. Năm 2011, Lý vào Đà Nẵng học Trường cao đẳng Công nghệ. “Học về máy vi tính. Nghe chả liên quan tí gì đến nghề của em bây giờ nhỉ. Hè được nghỉ học, lại về quê làm phụ hồ giúp đỡ mẹ cha lấy tiền nuôi các em và tiền học cho chính mình. Em xúc cát, xúc sạn (sỏi), bưng bê gạch nhanh thoăn thoắt và khỏe như đàn ông. Cánh tay rắn chắc như gỗ lim. Có lẽ vậy mà khi các thầy vào trường tuyển quân cho đội đua thuyền, em trúng ngay vì “ôi, con bé ấy thật có tố chất chèo thuyền. Tay nó thế kia cơ mà”, Lý kể lại. Hôm thi đấu tại ASIAD, Lý ngồi thứ 2 trên thuyền, cánh tay rắn chắc như gỗ lim chèo nhanh thoăn thoắt.
“Chị ba” Tạ Thanh Huyền cũng vừa lên xe hoa về nhà chồng. Facebook của cô gái 24 tuổi, quê Thái Bình tràn ngập ảnh chàng và nàng cùng mặc áo dài truyền thống, đứng cầm tay nhau thật chặt. Huyền có nụ cười rất xinh và duyên. Cái hôm 4 chị em đoạt HCV ASIAD ở Indonesia, Huyền cũng rạng rỡ như thế. Dường như mọi chông gai, mọi bước đường khổ ải từng trải qua đã biến mất hẳn rồi. Mấy năm trước tập luyện ở Thủy Nguyên, Hải Phòng thật vất vả. Đông rét như cắt, vẫn vác thuyền ra sông, tập trong cái buốt như bị kim châm vào da thịt. Hè nắng như hất lửa vào người, hơi nước dưới sông phả vào mặt rát như phải bỏng. Về phòng lại không có máy điều hòa, mấy chị em nhủ nhau cắn răng chịu đựng. “Chả hiểu trời cho hay sao mà chị Lý cứ trắng nõn còn em làn da nâu cháy. Chỉ sợ ế thôi ý”, Huyền nói đùa.
Chuyện của 4 bông hoa  đua thuyền
Tạ Thanh Huyền và chồng Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô em út trong đội năm nay vừa tròn 20, Lường Thị Thảo - xinh xắn, dễ thương và có vẻ hơi nhút nhát. Năm học lớp 8, Thảo xin tập môn điền kinh tại Trung tâm TDTT Sơn La chỉ vì lý do đơn giản: “Nhà em nghèo, bố mẹ bảo con cố tập để lo cho tương lai sau này”. Nhưng Thảo không có duyên với điền kinh. Tập mãi không tiến bộ là mấy. Có lúc nản ghê lắm. Nhưng chẳng dám xin về vì xấu hổ và sợ bố mẹ buồn. Thế là vác đơn lại xin sang tập đua thuyền. Thảo có thể được coi là “ca lạ” của thể thao VN vì chỉ sau 3 năm gắn bó với sông nước, với mái chèo, Thảo đã có tấm HCV ASIAD, một kỳ tích phi thường.

Suýt mất một tài năng

“Lớn” nhất nhà là cô “chị cả” Phạm Thị Thảo, chủ lực của thê đội nữ đua thuyền. Thảo luôn chèo ở vị trí đầu tiên trên thuyền mà nói theo cách của các cụ ngày xưa: “Đứng mũi chịu sào”. Lúc nào cần đua tốc độ, lúc nào cần ghìm sức, lúc nào cần khoan thai, lúc nào cần bung sức để bứt tốc để về đích, Thảo là người cầm nhịp và điều tiết 3 tay chèo, 3 đứa em ngồi lần lượt sau mình.
Chuyện của 4 bông hoa đua thuyền
Phạm Thị Thảo cùng chồng và con Ảnh: Nhân vật cung cấp
Suýt nữa đua thuyền VN mất đi một tài năng nếu như cô gái sinh năm 1989 không quay lại đội tuyển sau khi sinh con. 2 lần thi đấu tại ASIAD và vô số lần đạt thành tích cao ở đấu trường châu Á lẫn khu vực, Thảo là nữ VĐV đua thuyền rowing giỏi nhất, kỹ thuật tốt nhất, dạn dày kinh nghiệm nhất VN. Nhưng lại dễ khóc, dễ bị tổn thương.
Năm 2018, Thảo và ông xã có cô con gái đầu lòng. Định dứt nghiệp từ ấy. Nhưng nỗi nhớ nghề quay quắt khiến Thảo không đành lòng chia tay và bế con từ Thái Bình lên Hà Nội rồi theo tuyển xuống Hải Phòng tập luyện. Bà mẹ “bỉm sữa” bị stress nặng vì vừa chăm lo chuyên môn ban ngày, vừa thức đêm hôm chăm con bú. Cả mẹ và con đều khủng hoảng về sức khỏe và tinh thần. Thảo đành mang con gái về quê nhờ bà nội chăm sóc. Rồi lại quày quả lên tuyển, lao vào cuộc chiến đấu chuẩn bị cho ASIAD.
4 tháng ròng phải cấm trại, 4 tháng không được gặp chồng con. Thảo đã khóc rất nhiều. Và bị đau dạ dày nặng vì quá nhớ con. Ngày tập cường độ nặng, tối về lại thao thức, gọi cho ông xã chỉ để nghe tiếng con bi bô qua điện thoại. Rồi nỗi nhớ thương đã được đổi đắp bằng sự vĩ đại là tấm HCV ASIAD. Thảo bảo: “Có vinh quang nào không được đánh đổi bằng nước mắt, bằng sự hy sinh gian khổ đâu!”.
Mấy hôm trước, gọi điện cho Thảo để hỏi 4 chị em chuẩn bị sắm tết đến đâu rồi. Thảo khoe là đã mua được mấy món quà rất xinh để tặng cho các em cũng là các đồng đội của mình. “Chúng tôi đã có một năm quá đáng nhớ bên nhau. Tết này mấy chị em lại hò hẹn gặp nhau một bữa. Chỉ để ôm nhau một cái”.
 
[VIDEO] NHÀ VÔ ĐỊCH NHẢY XA CHÂU Á BÁN CẢ TẤN KHOAI LANG GIÚP MẸ KIẾM TIỀN TIÊU TẾT
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.