Cố đấm ăn xôi!

09/01/2010 09:02 GMT+7

Trong khi toàn thế giới, các VĐV và các liên đoàn bơi lội lục tục bỏ đồ bơi công nghệ cao theo lệnh cấm mới được áp dụng, thì ở Việt Nam, Hiệp hội thể thao dưới nước lại khiến người hâm mộ đi từ ngỡ ngàng đến phản đối kịch liệt với quyết định: tiếp tục cho phép sử dụng thiết bị này tại các giải đấu trong nước.

Nguyễn  Hữu Việt, kình ngư số 1 Việt Nam trong trang phục bơi công nghệ cao - Ảnh: B.Dương

Trong khi toàn thế giới, các VĐV và các liên đoàn bơi lội lục tục bỏ đồ bơi công nghệ cao theo lệnh cấm mới được áp dụng, thì ở Việt Nam, Hiệp hội thể thao dưới nước lại khiến người hâm mộ đi từ ngỡ ngàng đến phản đối kịch liệt với quyết định: tiếp tục cho phép sử dụng thiết bị này tại các giải đấu trong nước.

“Chống lệnh” vì “xót của”

Sau khi những bộ đồ bơi công nghệ cao do hãng Speedo phát minh với tên gọi LZR Racer xuất hiện, rất nhiều kình ngư hàng đầu của Việt Nam như Hữu Việt, Huy Long, Thái Nguyên, Thanh Hải... đều đã mua và sử dụng tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Tất nhiên, công nghệ cao cũng có nghĩa là... giá không rẻ. Theo TTK Đinh Việt Hùng (Hiệp hội thể thao dưới nước) thì mỗi bộ đồ bơi công nghệ cao hiện tại đều có giá cả ngàn USD, thậm chí có những bộ còn đắt hơn thế.

Giá mua đắt đỏ đến thế, nên hỏi chuyện nhiều “kình ngư” xài đồ bơi công nghệ cao, nhiều người bảo “mua nhưng nhiều lúc tập luyện cũng không dám dùng vì... sợ rách”. Bởi vậy, chuyện bỏ một đống tiền ra đầu tư, mà “xài” chưa được mấy thời gian đã bị cấm sử dụng, quả thực cũng không khó hiểu khi lãnh đạo Hiệp hội thể thao dưới nước... “xót của” giùm cho VĐV. Chắc tâm lý này chính là nguồn cơn, dẫn đến việc hiệp hội “lách luật”, “vin” ngay vào lệnh cấm chỉ áp dụng với các giải thi đấu quốc tế của Liên đoàn bơi lội quốc tế (FINA) để tiếp tục cho phép VĐV mình “cố đấm ăn xôi” tại các giải trong nước.

Phải sắm “hàng cấm” thôi, không thì thiệt thòi

Ông Đặng Đông Hải (GĐ trung tâm huấn luyện và đào tạo VĐV Đà Nẵng, đơn vị đào tạo ra tài năng trẻ Hoàng Quý Phước) cho biết: “Từ trước đến nay Hoàng Quý Phước không sử dụng đồ bơi công nghệ cao. Theo quan điểm riêng của tôi thì những gì thế giới đã quy định, chúng ta nên tuân thủ để tránh bỡ ngỡ cho các VĐV khi bước ra đấu trường quốc tế. Tuy nhiên nếu Việt Nam cho phép sử dụng đồ bơi công nghệ cao ở các giải đấu trong năm 2010 thì chúng tôi cũng tính tới phương án... mua đồ bơi công nghệ cao cho Hoàng Quý Phước. Đó là việc hiển nhiên bởi nếu không trang bị đồ bơi này, chúng tôi sẽ thua thiệt thành tích với các đoàn khác”.

Q.A

Các kình ngư Trung Quốc nói “không”

Ở Đại hội TDTT toàn quốc Trung Quốc diễn ra vào tháng 9.2009 – một giải đấu không nằm trong hệ thống thi đấu của FINA, do nắm bắt được thông tin FINA sẽ cấm sử dụng đồ bơi công nghệ cao từ năm 2010 nên Hiệp hội thể thao dưới nước Trung Quốc đã cấm tất cả VĐV bơi nước này sử dụng đồ bơi công nghệ cao ngay từ đại hội trong nước. Nên nhớ các VĐV Trung Quốc trước kia luôn đi đầu trong việc khai thác công nghệ bơi lội, họ cũng là những VĐV đầu tiên sử dụng đồ bơi công nghệ cao khi sản phẩm này ra đời.

Quỳnh Anh

Và lãnh đạo Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam nghĩ rằng, chúng ta chưa thể “chơi sang” như Malaysia, nước đã chi hàng chục ngàn USD để mua một loạt đồ bơi công nghệ cao cho VĐV chỉ để dùng thi đấu SEA Games 25 rồi bỏ luôn theo lệnh cấm. Nhưng quyết định lách luật vì “xót của” như Hiệp hội thể thao dưới nước vừa đưa ra lại không được cả dư luận, lẫn giới chuyên môn ủng hộ.

Tự làm hại mình

Năm 2009, lần đầu tiên đồ bơi công nghệ cao được đưa vào sử dụng, giải bơi lội VĐQG đã chứng kiến 26 kỷ lục quốc gia bị xô đổ chỉ trong vòng... 5 ngày. Một khi Hiệp hội thể thao dưới nước tiếp tục “bảo lưu” quyết định của mình, con số kỷ lục chắc chắn không dừng lại, bởi năm 2010, các “kình ngư” của chúng ta sẽ thi đấu hai giải trong nước là VĐQG và Đại hội TDTT toàn quốc. Sẽ có lãnh đạo nào của hiệp hội dám đứng ra khẳng định những kỷ lục quốc gia tiếp theo đây bị xô đổ là không nhờ đồ bơi công nghệ cao, là “bảo chứng” cho thấy sự phát triển của bơi lội VN (dù không thể phủ nhận, những thành công trong thời gian qua là đến từ nỗ lực quên mình của các VĐV, HLV suốt quá trình thi đấu, tập luyện).

Có lẽ, nên và không hề thừa, khi đặt ra sự nghi ngờ ngược lại. Việc tiếp tục sử dụng đồ bơi công nghệ cao có thể giúp các VĐV tiếp tục phá kỷ lục... trong nước. Nhưng khi không còn sự hỗ trợ ở các giải đấu quốc tế, như Asiad hay các giải khu vực, thế giới, chắc chắn các “kình ngư” của chúng ta không thể tránh khỏi bị tụt hậu. Bởi nói như tiến sĩ Đỗ Trọng Thịnh (nguyên trưởng môn bơi lội Tổng cục TDTT): “Việc thay đổi từ đồ bơi công nghệ cao sang đồ bơi truyền thống sẽ đòi hỏi VĐV phải có thời gian thích nghi trở lại”.

Như thế có nghĩa, việc thi đấu trong nước dùng đồ bơi công nghệ cao, thi quốc tế lại dùng đồ bơi truyền thống, chắc chắn không tránh khỏi gây ra những tác động tiêu cực trực tiếp lên thành tích chuyên môn của VĐV. Và dĩ nhiên, kéo theo đó là khả năng phát triển, cạnh tranh thứ hạng của “kình ngư” Việt Nam cũng bị hạn chế. Nhưng chẳng ai biết và cũng chẳng ai hiểu tại sao, lãnh đạo Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam lại “bỏ ngoài tai” những cảnh báo đã được các chuyên gia nhắc đi nhắc lại nhiều lần này. Nguyên nhân sâu xa, thì chỉ có họ mới hiểu...

Quy định của FINA về trang phục bơi

 

Michael Phelps đã từ giã trang phục này

Về chất liệu: Đồ bơi phải được làm từ sợi (textile). FINA định nghĩa rõ như sau: “Chất liệu bao gồm các loại sợi tự nhiên, hoặc tổng hợp được sử dụng để tạo nên một kết cấu bằng cách dệt, đan hay bện”.

Về kiểu dáng: Với trang phục dành cho nam, quần bơi không được cao quá rốn và dài quá đầu gối. Trang phục dành cho nữ, đồ bơi không được che cổ, vai và không dài quá gối. Ngoài ra, trang phục bơi không có khóa kéo hay bộ phận làm chặt.

Về thử nghiệm: Chỉ có những trang phục đã thử nghiệm mới được sử dụng khi thi đấu. Đồ bơi chỉ mỏng tối đa là 0,8mm, hỗ trợ nổi với lực không quá 0,5 Newton, độ thấm nước phải hơn 80l/m2/giây (độ thấm nước được thử nghiệm với chất liệu được giãn đa chiều 25%).

Tính đồng bộ: Các loại đồ bơi phải đồng bộ so với mẫu đã được đăng ký. Không vận động viên nào được thiết kế đồ bơi riêng biệt.

Áp dụng: Các quy định này có hiệu lực từ ngày 1.1.2010 tại các giải thi đấu trong hệ thống của FINA và tại Olympic. (FINA đã đưa ra danh mục hơn 100 loại đồ bơi được sử dụng. Có thể tham khảo danh mục trên tại: www.fina.org/project)

Thế giới tuân thủ triệt để

Michael Phelps: “Trong những năm qua, khoa học đã thay đổi rất nhiều trong thể thao. Bơi lội không còn giống như trước kia. Giờ đây, người ta chỉ quan tâm đến VĐV này mặc đồ bơi của hãng nào. FINA có quyền ra quyết định của họ. Tôi không thể tham dự và ra quyết định thay họ”.

Mark Schubert, HLV trưởng đội tuyển bơi lội Mỹ: “Tôi nghĩ quy định của FINA là một thông điệp cho thấy đã đến lúc cần phải đặt ra giới hạn cho sự phát triển của khoa học đối với thể thao nói chung và bơi lội nói riêng. Quy định của FINA có giá trị trong các giải vô địch thế giới và Olympic. Liên đoàn bơi lội các nước có thể đưa ra quy định của riêng mình. Với Liên đoàn bơi lội Mỹ, chúng tôi sẽ áp dụng các quy định của FINA”.

Alan Thompson, HLV trưởng đội tuyển bơi lội Úc: “Quy định của FINA chính là những gì chúng tôi mong đợi”.

Lam Hải

TTK Hiệp hội thể thao dưới nước Đinh Việt Hùng: FINA không thể phạt chúng ta

Trao đổi cùng TNTT&GT, ông Đinh Việt Hùng (TTK Hiệp hội thể thao dưới nước) phát biểu: “FINA chỉ thống nhất lại quy chuẩn. Bởi vậy, việc VĐV VN tiếp tục sử dụng đồ bơi không làm ảnh hưởng đến chuyên môn”.

Nhưng theo cái gọi là “thống nhất lại quy chuẩn của FINA”, thì trang phục công nghệ cao mà chúng ta sử dụng sẽ không được thi đấu tại các giải quốc tế nữa. Điều đó sẽ gây tác động lớn?

Chẳng sao cả. FINA chỉ thông báo không sử dụng loại trang phục này trong các giải do họ tổ chức như giải VĐTG hay Olympic. Còn các giải thi đấu của châu lục, khu vực hay quốc gia, thì FINA không tham gia và do đó, không thể phạt chúng ta.

Nhưng những tác động có thể xảy ra về chuyên môn thì sao?

Giá thành mỗi bộ đồ bơi rất đắt,  thực tế sử dụng có khi chỉ được 6 đến 10 lần là phải bỏ. Khi tập luyện, VĐV đều cởi trần chứ đâu có ai dám dùng. Thế nên lo lắng về khả năng chuyên môn bị ảnh hưởng là thừa. Nếu tham gia giải đấu nào đó mà bị cấm, thì chúng ta lại bơi cởi trần giống như lúc tập luyện. Vậy thôi.

Nhưng thành tích của VĐV VN đã tăng lên đáng kể kể từ khi sử dụng loại trang phục này?

Nếu nói rằng đồ bơi công nghệ cao giúp tăng thành tích thì tôi không tán thành. Trang phục, xét đến cùng, chỉ là một trong nhiều phương tiện hỗ trợ VĐV. Đã có nghiên cứu khoa học nào và chính FINA chứng minh được nó giúp tăng thành tích VĐV cụ thể bao nhiêu đâu. Quan trọng nhất để thành công vẫn là nỗ lực VĐV.

Năm 2010, bơi lội VN tham dự Asiad. Giải đấu này liệu có bị cấm trang phục công nghệ cao?

Trước mắt, chúng tôi chưa nhận được văn bản nào từ BTC nên chưa thể chắc chắn điều gì. Tuy nhiên, tôi cho rằng chuyện này cũng không quá quan trọng.

M.C

Bình Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.