Có thể khiếu nại K+ lên Cục Quản lý cạnh tranh

23/07/2010 01:24 GMT+7

Trường hợp của K+ có dấu hiệu lạm dụng vị trí độc quyền. Luật sư - tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn (hãng luật LCT Lawyers) đã cho biết như vậy về việc K+ độc quyền phát sóng các giải bóng đá châu Âu tại VN.

K+ có dấu hiệu lạm dụng độc quyền để ép khách hàng  trả phí cao khi xem các giải đấu châu Âu như Ngoại hạng Anh - Ảnh: AFP

Trường hợp của K+ có dấu hiệu lạm dụng vị trí độc quyền. Luật sư - tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn (hãng luật LCT Lawyers) đã cho biết như vậy về việc K+ độc quyền phát sóng các giải bóng đá châu Âu tại VN.

Cũng theo ông Tuấn, chiếu theo Điều 32 của Nghị định 116 NĐ-CP giải thích Khoản 2, Điều 14 Luật Cạnh tranh cho thấy K+ có dấu hiệu vi phạm khi: Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng của doanh nghiệp có vị trí độc quyền là hành vi buộc khách hàng phải chấp nhận vô điều kiện những nghĩa vụ gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng. Ông Tuấn nói thêm: “Theo tôi, tốt nhất là Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) nên yêu cầu K+ giải trình những vấn đề liên quan như tại sao lại có mức giá như vậy? Mức giá đó có hợp lý hay không, có đem lại lợi nhuận quá mức bình thường hay không?... Trước mắt, chưa nhất thiết phải tiến hành điều tra. Nếu cần thiết, khách hàng - ở đây bao gồm cả khán giả truyền hình và một số đài truyền hình cạnh tranh - có thể nộp hồ sơ khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm”.

Điều 58 Luật Cạnh tranh quy định: tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của luật này có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh. Theo thủ tục, sau khi đủ hồ sơ, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ điều tra sơ bộ, sau 1 tháng nếu phát hiện vi phạm thì sẽ tiến hành điều tra chính thức. Đối với trường hợp K+, theo luật sư Tuấn, cơ sở chính để khách hàng khiếu nại nên dựa vào các chứng cứ liên quan đến giá cả có phù hợp hay không. Vấn đề này nên được so sánh với giá cùng sản phẩm ở các nước trong khu vực để làm giá tham chiếu. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như thu nhập bình quân đầu người so với mức giá này...

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều luật sư khác cũng đồng quan điểm khi cho rằng K+ có dấu hiệu của hành vi lạm dụng vị trí độc quyền. “Giả sử sau 3 năm hết hợp đồng với đối tác, K+ không còn tiếp tục cung cấp dịch vụ cho khán giả nữa thì những sản phẩm đã bán cho người tiêu dùng hiện nay có còn được nhà đầu tư mới chấp nhận hay không? Thêm nữa, trên lý thuyết, hợp đồng với đối tác của K+ có thể bị chấm dứt bất cứ lúc nào và K+ không được cung cấp dịch vụ nữa thì quyền lợi của khán giả sẽ được giải quyết ra sao? Điều này chưa từng nghe K+ công bố. Dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh của K+ còn thể hiện ở chỗ K+ áp đặt người mua ở một mức giá không đàm phán; đầu thu theo giá cả và tiêu chuẩn chất lượng không ai biết, đồng thời cũng chẳng có cam kết nào về sự đảm bảo chất lượng”, một luật sư phát biểu.

Về việc đưa đơn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh, các luật sư đều ủng hộ và cho rằng, người tiêu dùng cần bảo vệ quyền lợi của mình.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.