Công trình thể thao biến thái: Bỏ bê quản lý, điều hành

18/12/2012 03:30 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, hầu hết các công trình xây dựng lớn, đặc biệt phục vụ thể thao hiện nay chỉ tính tới chi phí đầu vào xây dựng, hoàn thành công trình mà bỏ đầu ra về quản lý, duy trì hoạt động một cách khoa học công trình ấy.

Trao đổi với Thanh Niên, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, hầu hết các công trình xây dựng lớn, đặc biệt phục vụ thể thao hiện nay chỉ tính tới chi phí đầu vào xây dựng, hoàn thành công trình mà bỏ đầu ra về quản lý, duy trì hoạt động một cách khoa học công trình ấy.

Nhìn vào các công trình được xây dựng để phục vụ SEA Games 22, đặc biệt là tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình đang hư hỏng, xuống cấp hoặc bị “xẻ thịt” để xây dựng các công trình khác, cho thuê làm địa điểm kinh doanh trông rất nhếch nhác,... ông nhận thấy điều gì?

Đó là hậu quả của việc chúng ta tách rời khâu đầu tư xây dựng và quản lý công trình. Tiền đầu tư được lấy từ ngân sách nhà nước, muốn bao nhiêu cứ được Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất và nhà nước duyệt thì được làm. Nhưng quản lý công trình lại phụ thuộc vào ngân sách của từng bộ hay chính quyền địa phương. Nguồn ngân sách của hai đơn vị này lúc nào cũng eo hẹp và luôn bị chia sẻ, kinh phí thường không đủ. Do đó anh em ở dưới bày biện ra sửa cái này, cho thuê cái kia. Có Bộ như Bộ VH-TT&DL còn đưa ra chủ trương xã hội hóa quản lý; không chỉ có Sân vận động Mỹ Đình mà Sân vận động Hàng Đẫy cũng được tận dụng nhiều vị trí để cho thuê kinh doanh.

 

Sân Mỹ Đình hết SEA Games thì cũng không được khai thác đúng công năng. Để có tiền hoạt động họ cho thuê đủ thứ dịch vụ kinh doanh, xây dựng tùm lum, chả ra cái dáng gì cả

Có thể khẳng định khâu quản lý hiện nay không khoa học, chuyên nghiệp; những nhà quản lý nhận thức không đầy đủ về khâu này, cứ nghĩ công trình làm bằng đất đá, gạch xi măng thì tồn tại mãi mãi. Nhìn rộng ra như việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội đấy, xây lên thì oai, uy nghi thế nhưng cũng không biết phải bày biện gì trong đó. Khâu quản lý đặt ra vấn đề cấp bách, giống như việc một tay làm ra, một tay nắm vứt đi. Như thế rõ ràng là không được. Việc quản lý công trình xưa nay cũng chưa đạt sự chuyên nghiệp. Người ta chỉ quan tâm tới đầu tư cho dự án. Dự án càng to càng hoan nghênh vì phết phẩy được nhiều. Nhưng khâu quản lý công trình thì có “ăn” được gì đâu nên chả ai ngó tới cả. Giao cho anh nào thì anh ấy lo bởi cấp trên chẳng còn lợi lộc gì, chẳng còn quan tâm tới nó nữa. Cái đó nằm trong tình hình tham nhũng hiện nay đấy.

Có một điều nữa là việc đầu tư cơ sở lớn, nhất là về thể thao, nhiều khi người ta chỉ chăm chú đến uy tín quốc gia, làm ra để tạo ra thương hiệu quốc gia còn hiệu quả của nó về sau thì ít quốc gia quan tâm. Điều này cũng xảy ra ở Trung Quốc khi họ xây dựng nhiều sân vận động lớn phục vụ Olympic Bắc Kinh nhưng do nằm ở rất xa trung tâm nên giờ cũng vắng tanh.

Nói như ông thì chúng ta đang tính toán chưa đúng, đủ về số tiền thực tế phải bỏ ra cho mỗi công trình xây dựng và số tiền thực tế cho Asiad 18 có thể lớn hơn 150 triệu USD rất nhiều?

 Khu liên hợp Mỹ Đình cho thuê làm dịch vụ bừa bãi rất nhiều
Khu liên hợp Mỹ Đình cho thuê làm dịch vụ bừa bãi rất nhiều - Ảnh: Ngô Nguyễn

Thế giới người ta không tính riêng chi phí xây dựng công trình như ở ta. Họ tính tổng chi phí vòng đời của công trình đó, bao gồm cả tiền xây dựng, sửa chữa, duy trì, kinh doanh cho tới khi khai thác hết hiệu quả kinh tế của nó. Căn cứ vào đó mới tính được đầu tư làm công trình đó hết bao nhiêu tiền và liệu có kham nổi hay không. Từ đó mới xét tới việc có dám đầu tư hay không.

Việc tách rời khâu xây dựng và quản lý, vận hành có phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc sau khi các sự kiện lớn kết thúc thì công trình nhanh xuống cấp, nhếch nhác, hoạt động kém hiệu quả?

Khi tới tham quan một sân vận động lớn ở Hàn Quốc, chúng tôi phải mất phí. Ở tiền sảnh, người ta để những ảnh rất lớn của mười mấy cầu thủ đội Hàn Quốc đoạt giải tư World Cup 2002 và du khách nào cũng đứng vào chụp ảnh. Ở ta thì sao, hồ bơi thì oai thật đấy nhưng lại để không thường xuyên, trong khi học sinh các cấp không biết bơi, chết đuối vì thiếu chỗ học bơi rất nhiều. Sân Mỹ Đình hết SEA Games thì cũng không được khai thác đúng công năng. Để có tiền hoạt động họ cho thuê đủ thứ dịch vụ kinh doanh, xây dựng tùm lum, chả ra cái dáng gì cả. Khâu quản lý thiếu chuyên nghiệp, phi khoa học, không kết nối với khâu đầu tư xây dựng đã khiến nó ra như thế. Để chống việc lãng phí các công trình sau mỗi sự kiện, ở nhiều nước đã kết hợp với trường đại học hoặc một nhóm trường đại học, cao đẳng có đông đảo sinh viên. Như ở Mỹ, các sân vận động, bóng rổ là của các trường đại học chứ đâu phải của Chính phủ. Các trường đại học có cả hàng vạn người, và có nhu cầu rất lớn về vui chơi, thể dục thể thao. Và chính từ các trường đó đã giúp Mỹ có rất nhiều vận động viên giỏi, vô địch thế giới nhiều môn thể thao. Tôi cho rằng quản lý các công trình này không thể khoán trắng cho ngành thể thao, Bộ VH-TT-DL được. Tầm nhìn của họ chỉ đến thế thôi, không thể nhìn rộng ra được. Việc này phải cần tầm nhìn tổng hợp, phải lấy ý kiến của xã hội để thay đổi tư duy xây dựng, quản lý công trình.

Thái Sơn - Thế Văn
(thực hiện)

>> Công trình thể thao biến thái - Xây nhiều, khai thác kém
>> Công trình thể thao biến thái: Nhà thi đấu dành cho hội chợ
>> Công trình thể thao biến thái: Tai nạn rình rập ở nhà thi đấu
>> Công trình thể thao biến thái - Lãng phí ở Đà Nẵng
>> Công trình thể thao biến thái: Bệnh viện Thể thao “sống chung với lũ”
>> Công trình thể thao biến thái: Xuống cấp trầm trọng
>> Công trình thể thao biến thái: Hoang tàn nhà thi đấu
>> Công trình thể thao biến thái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.