Công trình thể thao biến thái: Ngành TDTT chưa nhìn nhận trách nhiệm

19/12/2012 03:10 GMT+7

Loạt bài Công trình thể thao biến thái của Thanh Niên thời gian qua đã được bạn đọc cả nước quan tâm, phản ánh một thực tế là nhiều cấp có trách nhiệm đã xây dựng hàng loạt các công trình thể thao bằng tiền ngân sách nhà nước để phục vụ các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, nhưng cách quản lý yếu kém và sai công năng đã khiến những công trình đó bị biến tướng.

Loạt bài Công trình thể thao biến thái của Thanh Niên thời gian qua đã được bạn đọc cả nước quan tâm, phản ánh một thực tế là nhiều cấp có trách nhiệm đã xây dựng hàng loạt các công trình thể thao bằng tiền ngân sách nhà nước để phục vụ các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, nhưng cách quản lý yếu kém và sai công năng đã khiến những công trình đó bị biến tướng.

Khi thực hiện loạt bài, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một vấn đề bức thiết hiện nay là chúng ta không thiếu những cơ sở vật chất hiện đại, khang trang dành cho thể thao. Nhất là khi được đăng cai SEA Games 22 năm 2003 và Đại hội thể thao trong nhà châu Á (AIG) năm 2009 hay các hoạt động thể thao lớn khác như Đại hội TDTT toàn quốc và Hội khỏe Phù Đổng, thì hàng loạt các công trình ở thủ đô Hà Nội, TP.HCM cũng như một số địa phương khác trong cả nước cũng mọc lên như nấm. Những công trình đó sau khi được sử dụng cho các ngày hội thể thao này, lẽ ra phải được bảo quản, bảo dưỡng để tiếp tục khai thác phục vụ cho các hoạt động TDTT lành mạnh của người dân và các giải thi đấu đỉnh cao khác, nhưng những cấp có trách nhiệm, những người được giao quản lý lại tìm cách “biến tướng” bằng những hoạt động ngoài thể thao, trái với tôn chỉ mục đích ban đầu. Họ viện lý do không có tiền để đầu tư tiếp, không được nhà nước chi ngân sách nên phải tìm cách chèo chống nuôi bộ máy bằng cách làm dịch vụ, cho thuê mặt bằng, bất chấp việc không đúng với công năng công trình. Từ đó nảy sinh ra chuyện khu liên hợp thể thao quốc gia nhưng quá nhếch nhác, công trình thi đấu tầm cỡ thì biến thành hội chợ, nhà tập bắn cung rút cuộc biến thành vũ trường...

Công trình thể thao biến thái: Ngành TDTT chưa nhìn nhận trách nhiệm 1
Nhà hàng thủy sản ở cung thể thao dưới nước Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình - Ảnh: Ngô Nguyễn

Công trình thể thao biến thái: Ngành TDTT chưa nhìn nhận trách nhiệm 2
Nhà thi đấu Phú Thọ biến thành Hội chợ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thế nhưng, trừ một vài nơi nhanh chóng tìm biện pháp tháo gỡ như UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo sát sao ngành TDTT, hay Sở VH-TT-DL TP.HCM cũng rà soát lại tình trạng ở Nhà thi đấu Phú Thọ để kịp thời có những điều chỉnh hợp lý hơn, thì rất tiếc ngành TDTT T.Ư lại chưa có sự nhìn nhận đúng mức, phản ứng theo kiểu không thừa nhận trách nhiệm, thậm chí còn lên công luận phản ứng lại những nội dung đã đặt ra của loạt bài trên Thanh Niên. Khi chúng tôi đề nghị có cuộc phỏng vấn trực tiếp với người lãnh đạo cao nhất của ngành TDTT thì vị này liền từ chối, lên đến cấp cao hơn là Bộ VH-TT-DL cũng bắt gặp cái lắc đầu.

Sắp tới đây, với việc đăng cai ASIAD 2019, khi kinh phí đổ ra sẽ nhiều hơn con số 150 triệu USD, chắc chắn sẽ có một loạt công trình nữa được xây dựng mới. Từ thực tế của việc quản lý những cơ sở vật chất yếu kém này cũng như thái độ bất hợp tác của các quan chức có trách nhiệm của ngành TDTT T.Ư, liệu nguồn tiền đổ vào những công trình mới này có thực sự hiệu quả, hay tiếp tục lãng phí như những gì đã và đang diễn ra?

Xung quanh việc khai thác Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) chưa đúng công năng như Thanh Niên phản ánh trong bài Nhà thi đấu dành cho hội chợ, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM Nguyễn Hùng khẳng định: “Tất cả các cơ sở vật chất thể thao tại TP.HCM khi hoạt động phải ưu tiên hàng đầu cho các hoạt động thể thao, phục vụ cho quần chúng chơi thể thao. Cho dù được cho phép khai thác kinh doanh ở một số hạng mục nhằm có kinh phí tái đầu tư cho thể thao, nhưng mục tiêu lớn nhất của Nhà thi đấu Phú Thọ vẫn là phải tập trung cho sự nghiệp phát triển thể dục thể thao. Theo tôi, cái dở của Nhà thi đấu Phú Thọ chính là việc khi xây dựng (năm 2003) đã không tính đến việc thiết kế hợp lý để khai thác tốt công năng thời hậu SEA Games. Sắp tới Ban Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM sẽ họp và nghe các đơn vị trực thuộc báo cáo tình hình hoạt động trong năm cũng như giao nhiệm vụ cho năm mới. Nhất định chúng tôi sẽ bàn bạc và có giải pháp để Nhà thi đấu Phú Thọ thực sự là nơi phục vụ sinh hoạt thể thao cho người dân. (Hoàng Quỳnh)

Ban Thể Thao

>> Công trình thể thao biến thái
>> Công trình thể thao biến thái: Hoang tàn nhà thi đấu
>> Công trình thể thao biến thái: Xuống cấp trầm trọng
>> Công trình thể thao biến thái: Bệnh viện Thể thao “sống chung với lũ”
>> Công trình thể thao biến thái: Tai nạn rình rập ở nhà thi đấu
>> Công trình thể thao biến thái - Lãng phí ở Đà Nẵng
>> Công trình thể thao biến thái: Nhà thi đấu dành cho hội chợ
>> Công trình thể thao biến thái - Xây nhiều, khai thác kém
>> Công trình thể thao biến thái: Bỏ bê quản lý, điều hành 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.