Công trình thể thao biến thái: Tai nạn rình rập ở nhà thi đấu

15/12/2012 03:50 GMT+7

Bên cạnh các công trình thể thao bề thế, hoành tráng của một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn, như Sân vận động Pleiku, Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng của CLB Hoàng Anh Gia Lai; Nhà thi đấu Binh đoàn 15... thì các công trình thể thao của nhà nước, do ngành TDTT trực tiếp quản lý lại quá cũ kỹ, lạc hậu và xuống cấp.

Bên cạnh các công trình thể thao bề thế, hoành tráng của một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn, như Sân vận động Pleiku, Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng của CLB Hoàng Anh Gia Lai; Nhà thi đấu Binh đoàn 15... thì các công trình thể thao của nhà nước, do ngành TDTT trực tiếp quản lý lại quá cũ kỹ, lạc hậu và xuống cấp.  

Những cái bẫy

Vào tháng 8 vừa qua, thầy trò HLV Bùi Quang Ngọc của đội bóng chuyền Đức Long Gia Lai đang tập luyện tại Nhà thi đấu (NTĐ) Gia Lai đã gặp phải tai nạn nghiêm trọng.

Sau khi phụ công Nguyễn Trọng Linh thực hiện động tác nhảy lò cò phát bóng, lúc tiếp sàn, bỗng sàn gỗ sập thủng 40 cm cứa chân cầu thủ một vết sâu, máu chảy lênh láng, phải khâu 5 mũi, nghỉ tập 15 ngày.

Trọng Linh nhớ lại: “Chuyện mặt sàn NTĐ Gia Lai xuống cấp trầm trọng tôi đã biết từ lâu, và mặc dù đã đề cao cảnh giác, thực hiện động tác rón rén chạy đà phát bóng nhưng cũng bị dính đòn. Bây giờ mỗi lần nhớ lại chuyện đó người tôi rợn tóc gáy, lạnh sống lưng, nhưng dù sao vẫn còn may vì chưa gãy chân”.

 Công trình thể thao biến thái: Tai nạn rình rập ở nhà thi đấu
CLB TDTT TP.Pleiku xuống cấp thảm hại nhưng vẫn phải phục vụ người dân - Ảnh: Minh Vỹ

Trọng Linh không phải là người duy nhất bị sập sàn mà trước anh từng có đồng đội Nguyễn Văn Toại và một số người khác cũng đã bị tình huống tương tự. Vì vậy từ cuối năm 2010 đến nay, NTĐ Gia Lai không đăng cai bất cứ giải đấu bóng chuyền nào nữa. Nhưng một số môn khác vẫn có.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua Trung tâm huấn luyện, đào tạo và thi đấu thể thao Gia Lai tự chi tiền để khắc phục, nhưng chỉ làm cho có, hư đâu sửa đó, biến mặt sàn nơi đây chẳng khác gì “mặt trận” sau cuộc chiến, vá chằng vá đụp nhìn rất thảm thương, tạo nên những cái bẫy rất nguy hiểm. Thế nhưng hiện hằng ngày nơi đây vẫn đón cả trăm lượt người đến đánh cầu lông.

Ông Phạm Hồng Phong - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai, cho biết: “NTĐ Gia Lai được xây dựng đến nay đã gần 20 năm, nên mặt sàn gỗ đã xuống cấp trầm trọng. Để khắc phục tình trạng trên, sắp tới chúng tôi sẽ cày xới, loại bỏ sàn gỗ bị mục nát, mối mọt, thay vào đó làm bằng xi măng, sau đó trải thảm lên để phục vụ nhân dân đến đây tập luyện”.

Được biết, ngay tại địa điểm này, tỉnh Gia Lai đã lên kế hoạch sẽ xây mới lại NTĐ quy mô với kinh phí lên tới hàng trăm tỉ đồng, tuy nhiên đến nay dự án vẫn đang nằm trên giấy.  

Công trình thể thao biến thái: Tai nạn rình rập ở nhà thi đấu 1 
Mặt sàn Nhà thi đấu Gia Lai đã hư hại nhưng lại sửa chữa theo kiểu chắp vá - Ảnh: Minh Vỹ

30 năm vẫn như cũ 

“Trái tim” của ngành TDTT tỉnh Gia Lai đã thế, công trình do ngành TDTT TP.Pleiku quản lý cũng chẳng khá hơn, dù Pleiku đang phấn đấu tiến lên đô thị loại 1.

Nhìn bề ngoài và cả bên trong, CLB TDTT TP.Pleiku (tại 39 Đinh Tiên Hoàng, P.Diên Hồng), nơi được coi là khởi thủy của sự nghiệp TDTT TP.Pleiku nói riêng và điểm tựa của tỉnh Gia Lai nói chung, chẳng khác gì căn nhà “chị Dậu”, cóc cáy, xập xệ, gỉ sét, mất an toàn.

Một thành viên trong CLB bóng bàn đang sinh hoạt tại đây than thở: “Tôi đã sinh sống ở Pleiku 30 năm nay rồi. Trước khi tôi tới đây, CLB TDTT TP.Pleiku đã có, lúc đó anh Phạm Văn Tuấn còn là một cán bộ của Ban Y tế, Sở TDTT TP.Pleiku, nay đã là Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT. Thế nhưng suốt một thời gian dài mọi thứ chỗ này hầu như vẫn như cũ. Trụ và kèo làm bằng sắt tiền chế lâu ngày gỉ sét, tường mốc meo, mái tôn xộc xệch, trần nhà thấp đẹt... mùa nắng nóng như lò đốt, còn mùa mưa nước chảy lênh láng, chẳng ai muốn vào”.

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi... nhưng do CLB TDTT TP.Pleiku nằm ở vị trí đắc địa, mặt khác trong thời buổi người chơi thể thao thì nhiều, nhà tập thì ít nên hằng ngày vẫn có không ít người ra vào nơi đây chơi bóng bàn.

Ai cũng biết, công tác TDTT là sự nghiệp của toàn dân, trong đó ngành TDTT đóng vai trò cốt lõi. Thế nhưng hiện nay Phòng VH-TT-DL TP.Pleiku chỉ quản lý mỗi nhà tập cũ kỹ ở 39 Đinh Tiên Hoàng và nhà tập ở 07 Nguyễn Thái Học. Còn Sở VH-TT-DL Gia Lai cũng chỉ có NTĐ tỉnh; nhà tập, khu nhà ở và làm việc tại Khu liên hợp thể thao tỉnh Gia Lai (tại P.Tây Sơn). Còn SVĐ Pleiku, ngành TDTT Gia Lai sử dụng chung với CLB Hoàng Anh Gia Lai...

Công trình thể thao vừa thiếu lại vừa yếu kém, thử hỏi làm sao mà sự nghiệp TDTT Gia Lai tiếp tục khởi sắc hơn nữa. Nghe đâu tới đây Khu liên hợp thể thao tỉnh Gia Lai sẽ được quy hoạch mới tại huyện Đăk Đoa, cách trung tâm Pleiku lên tới 12 km... khiến không ít người hồ nghi về công năng sử dụng của chúng sau khi hoàn thành.

Đà Nẵng gia tăng tiến độ xây dựng các công trình phục vụ thể thao

Sau khi Báo Thanh Niên phản ảnh tình trạng sử dụng lãng phí các công trình thể thao tại Đà Nẵng, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL và các cơ quan chức năng có liên quan xem xét những vấn đề mà báo đã đề cập. Chiều qua, Giám đốc Sở VH-TT-DL Ngô Quang Vinh đã chủ trì cuộc họp với các bộ phận chức năng. Theo đó, UBND thành phố và Sở VH-TT-DL yêu cầu các nhà thầu gia tăng tiến độ thi công các công trình thể thao để sớm đưa vào phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo VĐV của thành phố. Ngoài ra, các công trình xuống cấp, nếu còn sử dụng phải gấp rút cải tạo, chỉnh sửa để không xảy ra tình trạng hư hại, nhơ nhuốc.

Đông Nghi

Minh Vỹ

>> Công trình thể thao biến thái
>> Công trình thể thao biến thái: Hoang tàn nhà thi đấu
>> Công trình thể thao biến thái: Xuống cấp trầm trọng
>> Công trình thể thao biến thái: Bệnh viện Thể thao “sống chung với lũ”
>> Công trình thể thao biến thái - Lãng phí ở Đà Nẵng 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.