Covid-19 'ngăn' cánh cửa đến Olympic của thể thao Việt Nam?

18/02/2020 07:54 GMT+7

Dịch bệnh Covid-19 khiến thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt trong chiến dịch chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 vào tháng 7 tới tại Nhật Bản.

Theo chỉ tiêu mà Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đặt ra, thể thao Việt Nam cố gắng giành được 20 suất dự Olympic 2020. Hiện tại, Việt Nam mới có 4 vé, là ở môn bơi của Nguyễn Huy Hoàng, thể dục dụng cụ của Lê Thanh Tùng và bắn cung của Nguyễn Hoàng Phi Vũ, Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Chỉ tiêu 20 vé khó thành hiện thực khi chúng ta đang bị “tấn công” bởi dịch bệnh Covid-19.

Thấp thỏm chờ báo “hoãn hoặc hủy”

Ngày 17.2, ông Hoàng Quốc Vinh - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) nói: “Dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, bao gồm cả lĩnh vực thể thao. Covid-19 thật sự như “đối thủ” quá nguy hiểm, tác động trực tiếp đến sự chuẩn bị của các đội tuyển cho sân chơi lớn nhất thế giới.
Mới đây, Ủy ban Olympic quốc tế đã chính thức chuyển đổi địa điểm tổ chức giải quyền anh châu Á vòng loại Olympic từ Vũ Hán, Trung Quốc sang Jordan và thay vì tháng 2 sẽ diễn ra vào tháng 3. VĐV Nguyễn Thị Tâm buộc phải đẩy lùi điểm rơi và tập huấn lại 1 tháng. Điều này có thể sẽ tác động đến phong độ VĐV”.
Ông Vinh cho biết, ở môn bắn súng, Xuân Vinh và Quốc Cường đang tập huấn tại Hàn Quốc chuẩn bị cho Cúp thế giới. Phía bạn khuyến cáo không nên di chuyển nhiều và hạn chế việc ra ngoài nơi tập huấn. Các sân bay tại Hàn Quốc kiểm tra y tế rất nghiêm ngặt nên đội bắn súng phải kéo dài thời gian tập sang đầu tháng 3. Một số giải vòng loại của vật vào tháng 4 cũng đang phải chờ BTC cân nhắc có hoãn hủy hay không? Vì sự an toàn chung nên các vòng loại Olympic đều đang ở chế độ “chờ” và có thể hoãn hủy bất kỳ lúc nào.
“Để tránh sự hoang mang, chúng tôi thường xuyên khích lệ các đội tuyển là cần bình tĩnh, luôn tập luyện với trạng thái tập trung cao nhất và chờ thông báo. Các HLV, VĐV tiếp tục chủ động hoàn thành giáo án đều đặn mỗi ngày, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi tình hình khả quan hơn”, ông Vinh chia sẻ.
Trong khi đó, các võ sĩ taekwondo cũng mất cơ hội cọ xát quý giá khi giải vô địch châu Á dự kiến vào tháng 3 tại Li Băng đã bị hoãn vô thời hạn. Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt NamVũ Xuân Thành cho biết: “Đội đang tập huấn tại Hàn Quốc và cũng đang phải chờ thông báo về địa điểm tổ chức vòng loại Olympic vào tháng 4.
Theo kế hoạch vòng loại diễn ra tại Trung Quốc nhưng hiện tại đang chờ bỏ phiếu để chọn hoặc chuyển đến Jordan hoặc Iran. Nói chung là khá bị động. Nhưng dù thế nào thì taekwondo cũng rất quyết tâm vào hạng 49 kg nữ, có 2 VĐV có tiềm năng là Trương Thị Kim Tuyền và Hồ Thị Kim Ngân. Ngoài ra còn có Nguyễn Thị Anh Tuyết - HCV SEA Games 30, được kỳ vọng ở hạng 57 kg nữ hay Bạc Thị Khiêm hạng 57 - 63 kg nữ”.

Có thể mất suất Olympic bởi Covid-19

Hôm qua, Trưởng bộ môn cử tạ Đỗ Đình Kháng “than vắn thở dài” khi BTC giải cử tạ vô địch châu Á dự kiến diễn ra ở Kazakhstan từ ngày 16 - 25.4 phát thông báo giải đấu sẽ tạm hoãn chờ theo dõi diễn biến dịch bệnh Covid-19.
“Đây là giải cuối cùng để tuyển chọn VĐV tham dự Olympic 2020, cử tạ Việt Nam hiện có Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên nằm trong tốp đủ điều kiện dự Olympic nhưng còn cơ hội thêm suất của Vương Thị Huyền nếu thi đấu thành công ở giải vô địch châu Á. Nhưng giải tạm hoãn, chưa xác định thời gian thi đấu khiến cử tạ Việt Nam cũng bị động theo, chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ”, ông Kháng nói.
Covid-19 “ngăn” cánh cửa đến Olympic của thể thao Việt Nam ?1

Niềm hy vọng Ánh Viên vừa tập vừa thấp thỏm chờ đợi

Ảnh: Khả Hòa

Hiện Kim Tuấn xếp hạng 5/8 VĐV đạt chuẩn hạng cân 61 kg nam, Hoàng Thị Duyên xếp hạng 7/8 hạng cân 59 kg nữ trong khi Vương Thị Huyền đang xếp hạng 12 ở hạng cân 49 kg. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng Vương Thị Huyền, Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên không được lơ là trong luyện tập cũng như phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Các VĐV này được BHL giám sát chặt chẽ, đưa ra giáo án tập luyện phù hợp nhằm sẵn sàng cho giải vô địch châu Á nhiều khả năng dời sang tháng 6.
Cán bộ của bộ môn bơi Tổng cục TDTT Lê Thanh Huyền cũng trong tâm trạng rối bời khi các kế hoạch của môn bơi phải thay đổi liên tục. Đến hôm qua, chuyên gia Trung Quốc Hoàng Quốc Huy vẫn chưa thể sang Việt Nam để huấn luyện cho niềm hy vọng số 1 Nguyễn Huy Hoàng và cũng chưa biết khi nào vị chuyên gia giỏi quê Quảng Tây này mới có mặt ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ được. Giải pháp tạm thời vẫn là các HLV nội nhận giáo án từ chuyên gia Quốc Huy sau đó đưa cho Huy Hoàng tập luyện nhưng chắc chắn không thể bằng làm việc trực tiếp. Cũng vì thế Huy Hoàng khó tạo đột phá ở Olympic 2020, nơi anh đã đạt 2 chuẩn A cự ly 800 m, 1.500 m tự do.
Cuộc chiến giành vé Olympic của Ánh Viên cam go hơn bởi đến nay Tổng cục TDTT vẫn chưa tìm được chuyên gia cho cô. Chưa hết, hàng loạt giải đấu có tính chuẩn Olympic mà Viên dự định thi đấu trong thời gian tầm tháng 3, tháng 4 cũng tạm hoãn. Nhiều khả năng nữ kình ngư số 1 Việt Nam sẽ đấu giải quốc tế ở Singapore hoặc Nhật Bản trong tháng 6 tìm kiếm cơ hội cuối lấy chuẩn A dự Olympic, nếu không Viên sẽ trông chờ ở chuẩn B cự ly 800 m tự do hoặc suất đặc cách.
Đánh bại nỗi sợ dịch bệnh
Đội điền kinh có số lượng VĐV trọng điểm đông nhất với 14 người nhưng hy vọng đạt chuẩn Olympic có lẽ chỉ trông chờ vào Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan ở cả hai nội dung 400 m rào và 400 m. Để phòng chống dịch bệnh, đội sẽ chỉ tập huấn trong nước nhằm chuẩn bị cho một loạt các cuộc thi đấu vòng loại Olympic, bao gồm giải vô địch châu Á môn đi bộ tại Nomi, Nhật Bản vào tháng 3, giải marathon tại Boston, Mỹ vào cuối tháng 4, sau đó là hai giải vòng loại khác vào tháng 5 và tháng 6.
VĐV Phạm Thị Hồng Lệ - từng giành HCĐ nội dung marathon tại SEA Games 30 và khi về đích đã bị ngất xỉu do kiệt sức, chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch bệnh, tất cả chúng tôi vẫn tập luyện chăm chỉ và giữ gìn sức khỏe thật tốt. Covid-19 đáng sợ thật đấy nhưng phải cùng nhau vượt qua nỗi sợ. Bản thân tôi chưa ra đấu trường lớn bao giờ nên mục tiêu của tôi là làm hết khả năng tại giải Boston và để đạt chuẩn Olympic thì tôi phải cố gắng tối đa”.
Trong trường hợp không VĐV điền kinh nào có vé đi Olympic theo cửa chính, Việt Nam vẫn có 2 vé đi bằng “cửa phụ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.