Cử tạ thế giới rúng động với bê bối hối lộ và tệ nạn doping

06/01/2020 19:38 GMT+7

Theo một phim tài liệu của Đức được phát sóng ngày 5.1, Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) và vị chủ tịch lâu năm của tổ chức này là Tamas Ajan bị cáo buộc xây dựng “văn hóa hối lộ” và che đậy nạn doping trong nhiều thập niên qua.

Những VĐV cử tạ nổi bật hiếm khi bị gọi kiểm tra, trong khi một số chuyên viên kiểm tra doping bị cáo buộc nhận tiền mặt để chấp nhận những mẫu nước tiểu bị tráo đổi, là những nội dung được nêu trong phim tài liệu của các nhà báo làm việc tại đài truyền hình Đức ARD, trong đó có Hajo Seppelt - người từng phanh phui vụ bê bối doping quy mô lớn được nhà nước bảo trợ ở Nga.

Chủ tịch IWF Tamas Ajan bị cáo buộc thao túng doping

CHỤP MÀN HÌNH

Bằng camera bí mật, nhóm nhà báo đã ghi hình được lời giải thích ông Dorin Balmus - bác sĩ của đội tuyển cử tạ Moldova, về cách mà các mẫu nước tiểu được tráo đổi, trong đó có cả cách dùng những VĐV có ngoại hình tương tự để cung cấp mẫu thử. Đội ngũ quay phim bí mật này cũng ghi hình VĐV đoạt huy chương đồng Olympic người Thái Lan Rattikan Gulnoi thừa nhận từng sử dụng steroid năm cô 18 tuổi - đồng nghĩa với việc cô sẽ bị tước huy chương.
Ông Christian Baumgartner - Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ Đức, nói với phóng viên đài ARD rằng, người đứng đầu IWF phải chịu trách nhiệm về những vụ bê bối nói trên. “Ông Ajan là đại diện cho hệ thống đã đưa doping vào cử tạ trong những thập niên qua và đã đi chệch đường trong nhiều thập niên”, ông Baumgartner buộc tội chủ tịch IWF và nói thêm rằng “một nền văn hóa tham nhũng đã được lan rộng”.
Bên cạnh nạn doping, phim tài liệu của ARD cũng cung cấp những hồ sơ cho thấy có ít nhất 5 triệu USD mà Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tài trợ IWF đã được chuyển vào 2 tài khoản ở Thụy Sĩ mà chỉ riêng ông Ajan giám sát.
Ông Ajan (80 tuổi, quốc tịch Hungary) đã tham gia điều hành IWF từ năm 1970 và nắm quyền lãnh đạo tổ chức này từ năm 2000. Trong một tuyên bố gửi đến AFP vào cuối ngày 5.1, IWF cho biết họ đang xem xét những cáo buộc được đưa ra trong buổi phát sóng.

Nhà báo Hajo Seppelt của Đài ARD

AFP

Trong tuyên bố của mình, IWF nhấn mạnh: “Những cáo buộc rõ ràng là dối trá, vô căn cứ và những lời đồn thổi không được chứng minh từ tận những năm 2008, trong đó vẫn có một số thông tin có vẻ mới trong chương trình này có thể được dùng trong nỗ lực của IWF nhằm giúp cho bộ môn cử tạ trở nên trong sạch và bảo vệ sự trong sạch của thể thao. IWF sẽ nhanh chóng điều tra những vấn đề được nêu trong chương trình một cách nhanh nhất có thể, và đã đề nghị cung cấp kịch bản cùng những tài liệu nghiên cứu. IWF sẽ xem xét một cách nghiêm túc những cáo buộc này, và khi thích hợp sẽ xem xét đến sự hỗ trợ của bên thứ ba độc lập trong việc điều tra”.
Seppelt và đội ngũ phóng viên của ARD đứng sau bộ phim tài liệu năm 2014 từng dẫn đến một cuộc điều tra chính thức về doping quy mô quốc gia ở Nga, dẫn đến việc nước này bị cấm tham dự một số giải đấu thể thao thế giới. Mới nhất, Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) ngày 9.12 năm ngoái đã quyết định cấm Nga tham gia các sự kiện thể thao quốc tế lớn trong 4 năm, bao gồm Olympic 2020 và World Cup 2022.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.