Cung đạo

06/04/2010 09:17 GMT+7

Võ cổ truyền có nhiều môn binh khí, khi gọi tên ứng dụng có dùng thêm chữ thuật hoặc chữ pháp, như thương thuật, thương pháp, côn thuật, côn pháp, đao thuật, đao pháp, kiếm thuật, kiếm pháp… Do tính cách và tinh thần cao nhã nên cung và kiếm có kèm theo chữ đạo như cung đạo, kiếm đạo và cũng được coi là biểu tượng chung của con nhà võ.

Võ cổ truyền có nhiều môn binh khí, khi gọi tên ứng dụng có dùng thêm chữ thuật hoặc chữ pháp, như thương thuật, thương pháp, côn thuật, côn pháp, đao thuật, đao pháp, kiếm thuật, kiếm pháp… Do tính cách và tinh thần cao nhã nên cung và kiếm có kèm theo chữ đạo như cung đạo, kiếm đạo và cũng được coi là biểu tượng chung của con nhà võ.

Cung đạo là đạo nghệ thuật dùng cung của người xưa, không phải chỉ cho chiến trận, cho tập luyện kỹ năng, hoặc thể thao tranh tài cao thấp mà là “học cách sống”, chủ đích rèn luyện tâm linh. Cung đạo dạy người học “nhắm chính mình” để vượt lên tự thắng. Làm chủ được cái tâm vọng động của mình, chính là người tài hoa tuyệt luân trong võ nghệ.

Cung tên là phương tiện, đạo là con đường đưa đến thế giới tâm linh vắng lặng, như cảnh giới của Thiền, bất khả tư nghị. Tinh túy của cung đạo là tu tập nội tâm, trở về chứ không phải đi ra trên tinh thần vô úy, phá chấp. Sự “trở về” là kết quả tất nhiên của “thức tỉnh”, người thức tỉnh là người tự do, không bị ràng buộc, nô lệ bởi những tối tăm, quên lãng của cuộc đời.

Sách Liệt Tử - Dương Tử chép: Cam Dăng là người giỏi tài bắn thời cổ, khi giương cung lên là thú lăn ra, chim rớt xuống. Đệ tử của ông tên là Phi Vệ, còn bắn giỏi hơn ông nữa. Kỷ Xương lại học nghệ thuật của Phi Vệ.

Phi Vệ bảo: “Trước hết anh phải tập đừng chớp mắt đã, rồi sau sẽ nói tới chuyện học bắn.” Kỷ Xương về nhà, nằm ngửa dưới khung cửi của vợ, đưa mắt nhìn theo con thoi. Hai năm sau, mũi nhọn của cái dùi có chạm vào mí mắt, Kỷ Xương cũng không chớp mắt. Lúc đó mới lại thưa với Phi Vệ.

Phi Vệ bảo: “Chưa, còn phải tập nhìn nữa, nhìn sao cho vật nhỏ mà thấy lớn, vật không thấy mà thấy rõ, rồi lại cho ta hay.” Kỷ Xương về dùng lông đuôi bò treo một con rận ở cửa sổ, quay mặt về phía nam mà nhìn, khoảng mươi ngày sau thấy con rận lần lần lớn ra, ba năm sau thấy nó lớn bằng bánh xe; nhìn  các vật khác đều thấy lớn như  núi cả. Lúc đó mới lấy cây cung bằng sừng nước Yên và mũi tên bằng cỏ bồng châu Sóc, bắn xuyên qua tim con rận mà sợi lông treo nó không đứt. Rồi lại thưa với Phi Vệ.

Phi Vệ nhảy lên vỗ ngực bảo: “Anh đã đạt được nghệ thuật bắn rồi.” Kỷ Xương khi đã học được thuật bắn của Phi Vệ, nghĩ rằng trong thiên hạ chỉ có mỗi một người địch nổi mình, lập tâm giết Phi Vệ. Họ gặp nhau ở đồng trống, giương cung bắn nhau, hai mũi tên đụng nhau ở giữa đường, rớt xuống đất mà bụi trên mặt đất không bay lên. Phi Vệ hết tên trước, Kỷ Xương còn lại một mũi tên, bắn nốt. Phi Vệ dùng mũi nhọn của một cái gai mà đỡ trúng. Thế là hai người cùng khóc, liệng cung, quỳ xuống đất vái nhau, nhận làm cha con, thích vào cánh tay mà thề không dạy cho ai bí quyết của mình. (trích bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)

Võ sư Trương Văn Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.