Cung thủ bắn trái tay

11/03/2010 08:44 GMT+7

Dù thuận tay phải nhưng do chấn thương, Thụy Vy chuyển sang giương cung bằng tay trái và... hái huy chương.

Cung thủ Nguyễn Ngọc Thụy Vy đoạt 2 HCV giải VĐQG năm 2009 - Ảnh: Lê Hồng

Dù thuận tay phải nhưng do chấn thương, Thụy Vy chuyển sang giương cung bằng tay trái và... hái huy chương.

Những xạ thủ xuất thân từ... võ sĩ

Tuy là một môn thể thao Olympic nhưng bắn cung ở TP.HCM chỉ mới ra đời vào khoảng tháng 6.2004. Lúc đó, HLV Đinh Chí Dũng đã chiêu mộ một số VĐV từ các môn võ khác rồi cùng xem băng, nghiên cứu luật thi đấu của Liên đoàn bắn cung thế giới (FITA) và mày mò tập luyện 2 giờ/ngày. Sau một thời gian “tập chay”, cung thủ mới tập bắn bia (tự chế) trong những lần dã ngoại hoặc tại khu vực sân bóng chuyền trong khuôn viên Trung tâm đào tạo VĐV võ thuật. Cuối năm đó, TP.HCM giành được chiếc HCĐ đầu tiên tại giải VĐQG… và mãi đến năm 2009 mới hái được quả ngọt với 3 HCV, trong đó 2 ngôi vô địch thuộc về Nguyễn Ngọc Thụy Vy ở nội dung cung 1 dây cự ly 50m và đấu loại cá nhân cự ly 70m.

Năm nay, Thụy Vy mới bước sang tuổi 20 và cao 1m71. Sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo, cô bé đã được ba mẹ đưa đến Nhà Thiếu nhi TP.HCM tập wushu từ lúc 10 tuổi để rèn luyện sức khỏe. Vóc dáng cao ráo (lúc 15 tuổi mà đã cao 1m66), Thụy Vy được HLV Chí Dũng chuyển sang tập bắn cung từ năm 2005.

Nhà vô địch dùng tay không thuận

Trong khi đang tập luyện ngon trớn, bất ngờ Thụy Vy bị chấn thương vai. Cô kể lại: “Hồi năm 2006, tuổi còn nhỏ, xương sụn phát triển chưa đầy đủ nên trong một lần tăng lực cung để bắn xa, tôi bị chấn thương vai phải. Đi chụp cắt lớp ở bệnh viện 115, bác sĩ cho biết, vai tôi bị mẻ sụn và giãn gân”. Tuy nhiên, Thụy Vy không hề bỏ cuộc. Trong 1 năm nghỉ dưỡng thương, được sự động viên của gia đình và HLV Chí Dũng, Thụy Vy vừa tập vật lý trị liệu vai phải và vẫn thường xuyên tập thể lực chuyên môn.

Đây quả là một giai đoạn cực kỳ khó khăn trong đời VĐV vì xem như Thụy Vy phải làm lại từ đầu khi phải chuyển sang giương cung bằng tay trái. Thụy Vy hồi tưởng: “Mới đầu, tôi khá ngượng nghịu khi tập giương cung bằng tay không thuận và lực cung còn yếu lắm! Để khắc phục tình trạng này, tôi phải tập gánh tạ, hít đất… để hỗ trợ cho lực tay trái. Sau một thời gian cố gắng, lực cung tay trái của tôi mới tiến triển dần dần…”.

Tuy bắn cung là môn thể thao khá khắc nghiệt, các VĐV phải dãi nắng, dầm mưa tập luyện liên tục mỗi ngày khoảng 7-8 giờ để rèn sức chịu đựng lực cung, nhưng đối với Thụy Vy thì đó là một niềm đam mê vì “nó rèn cho tôi tính kiên nhẫn, sự tập trung, bình tĩnh và chịu đựng được áp lực”.

Đầu tháng 3.2010, Thụy Vy bước vào năm thứ 3 Đại học TDTT TP.HCM hệ tại chức. Trò chuyện cùng Thanh Niên Thể thao & Giải trí, Thụy Vy cho biết: “Tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa vì thành tích của mình vẫn còn khiêm tốn và kém các cung thủ trong khu vực Đông Nam Á. Dù phải sử dụng tay không thuận nhưng đây cũng sẽ là thử thách để tôi vượt qua chính mình...”.

Bãi tập cách trung tâm TP.HCM gần 50km

Hiện nay, đội tuyển bắn cung TP.HCM tập luyện tại một góc sân vận động Hoa Lư (từ cuối năm 2008). Tuy nhiên, khi cần tập bắn những cự ly xa (70m, 90m), các VĐV phải di chuyển xuống một cơ sở tập luyện khác rộng 2.500 mét vuông tại ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ để tập luyện khoảng 1 tuần. Chơi bắn cung cũng rất tốn kém, một cây cung đúng tiêu chuẩn thi đấu giá khoảng 2.000 USD trở lên và 12 mũi tên giá khoảng 600 USD.

Lê Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.