Danh nhân võ thuật Lâm Thế Vinh

19/01/2010 10:15 GMT+7

“Hổ hạc song hình quyền” là bài quyền nổi tiếng trong Hồng gia quyền, thuộc hệ thống Nam quyền, được đưa vào giáo trình võ thuật của Học viện Cao đẳng TDTT Trung Quốc.

“Hổ hạc song hình quyền” là bài quyền nổi tiếng trong Hồng gia quyền, thuộc hệ thống Nam quyền, được đưa vào giáo trình võ thuật của Học viện Cao đẳng TDTT Trung Quốc.

Người có công truyền bá, chỉnh lý, biên soạn bài quyền này là cao đồ của Hoàng Phi Hồng: Lâm Thế Vinh. Mới đây tên tuổi của ông được liệt vào hàng Danh nhân lịch sử - văn hóa Quảng Đông.

Từ “Vinh thịt heo” đến Lâm sư phụ

Lâm Thế Vinh sinh năm 1861 tại Tây Hà, Bắc Bình, Nam Hải, Quảng Đông. Ông nội là Lâm Bá Thiện cũng là một cao thủ võ lâm, đem những bài bản sở đắc của mình như Hồ điệp chưởng, Hành nguyệt đao… truyền cho đứa cháu nội. Ông còn đem Lâm Thế Vinh gửi cho bạn võ của mình là Hồ Kim Tinh rèn tập, chuyên luyện “Tiễn chưởng toán bàn quyền” và “Lục điểm bán côn”, lại còn theo học các danh sư Lâm Phúc Thành, Ngô Toàn Mỹ. Lâm Thế Vinh sức khỏe hơn người, có thể mang bao cát vài trăm ký, khắp vùng đều biết tiếng. Sau vào làm nghề xẻ thịt heo cho chủ hàng thịt Nguyên Ký ở Quảng Châu, dần dần được lên làm quản lý lò mổ, do đó mới có biệt danh là “Vinh thịt heo”.

Khi Hoàng Phi Hồng mở võ quán, Lâm Thế Vinh đến bái sư, võ công ngày càng tiến bộ. Từ đó suốt mấy mươi năm theo Hoàng sư phụ, ông trở thành đệ tử đích truyền, học được những công phu trấn môn như Hổ hạc song hình quyền, Công tự Phục hổ quyền, Tử mẫu công, Vô ảnh cước…


Biểu diễn “Hổ hạc song hình quyền” ngoài đời

 

Trong dân gian có nhiều giai thoại về “Vinh thịt heo”. Các bộ sách như Lâm Thế Vinh chính truyện của Chu Ngu Trai, Tiên sư Lâm công Thế Vinh truyện của Hoàng Văn Khải cũng có chép nhiều. Nổi tiếng nhất là chuyện “Đánh bại Thiết đầu tăng ở chùa Hải Tràng”. Vào cuối đời Quang Tự, tại chùa Hải Tràng (nay là đường Nam Hoa) có một ác tăng gọi là “Thiết đầu đà”, giỏi võ nghệ, luyện thành “Thiết đầu công”, có thể dùng đầu húc vỡ bia đá. Tên này ỷ thế muốn hại sư trụ trì, chiếm đoạt tài sản tự viện. Trụ trì nhờ Hoàng Phi Hồng cứu. Hoàng sư phụ dẫn Lâm Thế Vinh đến nói chuyện. Khi Thiết đầu đà phi thân đến giao đấu, dùng đầu húc Lâm Thế Vinh, Thế Vinh sử dụng chiêu “Nguyệt ảnh cước” trong Hổ hạc song hình quyền đá Thiết đầu đà văng xa hơn 5 thước, đầu cắm vào trụ đá sưng to như quả trứng ngỗng, xấu hổ quá bèn trốn đi luôn.

Lâm Thế Vinh mở 3 võ quán ở Quảng Châu. Cuối đời Thanh, phủ Quảng Châu tổ chức một giải giao lưu thi đấu võ thuật quy mô lớn nhằm hoằng dương quốc túy. Lâm Thế Vinh dự thi và đánh bại liên tiếp 14 cao thủ, vinh dự đoạt giải vô địch, tiếng tăm vang dội Ngũ Dương thành (Quảng Châu).

Lâm Thế Vinh là nhân vật võ lâm rất ưa làm từ thiện. Năm 1921, đã ngoài 60 tuổi, Lâm sư phụ vẫn đưa đệ tử đi biểu diễn võ thuật để lấy tiền giúp đỡ Cô nhi viện Quảng Châu. Ông được Quốc phụ Tôn Trung Sơn - bấy giờ là Đại Tổng thống, khen ngợi và tặng một huy chương bằng bạc.


và trên phim ảnh

Người đầu tiên phổ biến võ thuật bằng sách

Về sau Lâm Thế Vinh sang Hồng Kông, tiếp tục mở võ quán nhận đệ tử. Suốt hàng nghìn năm, giới võ thuật ở Quảng Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng đều tuân thủ nguyên tắc “Canh ba luyện, canh năm nghỉ” vì sợ người khác học lén; “Dạy 6 giữ 4” vì sợ dạy hết bị phản… Vì thế sách dạy võ công cực hiếm, nếu có thì đều xếp vào hàng “bí bản”, không dễ gì truyền ra.

Nhưng Lâm Thế Vinh thì khác. Ông cùng các đệ tử Lý Thế Huy, Chu Ngu Trai quyết tâm biên soạn các sách dạy võ của môn phái để truyền bá rộng rãi ra ngoài, không hề e ngại. Những bộ võ thư giá trị như “Hổ hạc song hình quyền”, “Công tự Phục hổ quyền”, “Thiết tuyến quyền”… lần lượt ra đời và Lâm sư phụ trở thành người đi đầu trong việc viết sách để truyền bá võ công.

Năm 1943, Lâm Thế Vinh qua đời ở quê cũ, hưởng thọ 82 tuổi.

Đôi nét về Hổ hạc song hình quyền

Dựa trên nền tảng của Hoàng Phi Hồng đã lập, Lâm Thế Vinh đã cải tiến, phát triển “Hổ hạc song hình quyền” trở thành bài bản mới lạ, kết cấu độc đáo, lộ tuyến rộng rãi, động tác mau lẹ. Trong quyền pháp này, Lâm Thế Vinh đã kết hợp tinh hoa của Hồng gia quyền và Phật gia quyền nên có tên gọi là “Hồng đầu Phật vĩ”. Động tác hấp thu thế công mạnh mẽ của Phật gia cùng thế thủ vững chắc, thế công uy mãnh của Hồng gia, cương nhu tương tế, trường đoản đồng dụng, trừ bỏ lối đánh hẹp, động tác lặp lại nhiều trong Nam quyền truyền thống.

Hổ hạc song hình quyền sử dụng “Hổ kình”(uy lực mạnh mẽ của loài hổ) và “Hổ hình” (hổ trảo) kết hợp với “Hạc tượng” (phong thái thanh thoát, nhẹ nhàng của loài hạc). Hổ hình luyện khí và lực, động tác trầm hùng, uy lực dũng mãnh; hạc hình luyện tinh và thần, thân thủ mau lẹ, khí tĩnh thần nhàn. Thủ hình có quyền, chưởng, chỉ, trảo, câu; thủ pháp có quăng, bấu, móc, xỉa; bộ pháp có cung bộ, mã bộ, hư bộ, độc lập bộ và kỳ lân bộ. Thân hình chú trọng sự ngay ngắn, bộ pháp chú trọng sự vững chắc.

Hiện nay, Hổ hạc song hình quyền được truyền bá từ Hồng Kông, Macao, các nước Đông Nam Á, cho đến Mỹ, Canada…

Kim Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.