Dấu ấn Rémy Huỳnh trong làng võ Việt

03/02/2013 04:00 GMT+7

Vào cuối những năm 30 thế kỷ trước, một kỹ sư trẻ người Pháp sang Việt Nam làm việc đã yêu say đắm một cô gái xinh đẹp xứ Cần Thơ “gạo trắng, nước trong”. Mối tình lãng mạn này gặp nhiều trở ngại, song họ vẫn quyết tâm vượt qua. Kết quả của mối lương duyên là cậu con trai khôi ngô tuấn tú, sau này trở thành một tên tuổi sáng chói trong làng võ Việt.

Vào cuối những năm 30 thế kỷ trước, một kỹ sư trẻ người Pháp sang Việt Nam làm việc đã yêu say đắm một cô gái xinh đẹp xứ Cần Thơ “gạo trắng, nước trong”. Mối tình lãng mạn này gặp nhiều trở ngại, song họ vẫn quyết tâm vượt qua. Kết quả của mối lương duyên là cậu con trai khôi ngô tuấn tú, sau này trở thành một tên tuổi sáng chói trong làng võ Việt.

Niềm đam mê võ Việt

Đó là võ sư Rémy Huỳnh mà chúng tôi nghe danh đã lâu, từng nhắc tới ông trong một số bài viết. Nhưng phải đến cuối năm Nhâm Thìn 2012, tôi mới có cơ duyên gặp ông tại Tuy Hòa, Phú Yên. Dịp này ông về nước trao chức chưởng môn môn phái Huỳnh Huynh Đệ ở Việt Nam cho người học trò ruột - võ sư Huỳnh Kim Hồng.

Võ sư Rémy Huỳnh cho biết, ông học võ đơn giản là để tự vệ. Mặc dù dáng dấp Tây, học trường Tây nhưng lại thích chơi với trẻ em Việt nên qua giới thiệu của bạn bè, ông tìm đến một võ đường võ cổ truyền tại Sài Gòn. Người thầy đầu tiên của ông là võ sư Năm Diệm. Ông tỏ ra có năng khiếu võ thuật, tiếp thu nhanh các đòn thế nên được thầy khen ngợi. Càng học, ông càng yêu thích võ cổ truyền và quyết tâm học hỏi, đi sâu khám phá môn võ của quê mẹ. Qua bốn năm thọ giáo với võ sư Năm Diệm, theo lời giới thiệu của thầy, ông chuyển sang học với võ sư Vũ Bá Oai, thuộc môn phái Hàn Bái Đường, một phái võ Việt nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ.


Võ sư Rémy Huỳnh - Ảnh: P.X.L
 

Ông học tiến bộ nhanh đến nỗi, sau một thời gian ngắn, không chỉ được thầy cho thượng đài, mà còn được chọn đấu trận then chốt với võ sĩ Minh Sang, một trong ba tay đấm lừng danh ở miền Nam trước 1975 gồm Huỳnh Tiền - Minh Cảnh - Minh Sang. Trận đấu diễn ra tại sân Tinh Võ (Sài Gòn), thu hút hàng ngàn người đến xem, không chỉ vì sự nổi tiếng của Minh Sang, mà còn vì tò mò muốn biết mặt người to gan thách đấu. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên sau 6 hiệp đấu, ông bị xử thua điểm. Dù vậy báo chí Sài Gòn lúc đó đã ca ngợi ông như một gương mặt mới đầy hứa hẹn trong làng võ.

Trận đấu phục thù giữa Rémy Huỳnh và võ sĩ Minh Sang 6 tháng sau đó cũng là một “sự kiện”. Nghiên cứu kỹ lối đánh của đối thủ, khắc phục nhược điểm của mình, ở trận đấu này ông đã thắng điểm, chính thức khẳng định một tên tuổi mới trong làng võ Việt. Điều đáng nói là dù có thắng có thua, ông và võ sĩ Minh Sang vẫn là bạn. Cho đến bây giờ, ngồi với tôi bên bờ biển Tuy Hòa lộng gió, ông vẫn nhắc về võ sĩ lừng danh này với những kỷ niệm đẹp giữa hai người. Ông cho biết, sau đó ông thượng đài nhiều lần, thắng đối thủ dễ hơn, nhưng với cách cư xử luôn tôn trọng đối thủ, ông có thêm nhiều bạn mới.

Có một thời gian, Rémy Huỳnh được thọ giáo võ sư nổi tiếng Huỳnh Tiền. Những đòn thế rất độc đáo mà thầy Huỳnh Tiền chỉ dạy đã giúp ông rất nhiều trong việc nâng cao hiệu quả chiến đấu. Là cái vốn để sau này khi trở thành võ sư, ông tiếp tục dày công nghiên cứu sáng tạo nên hệ thống chiến đấu mang đậm dấu ấn Rémy Huỳnh.

Thành lập võ phái Huỳnh Huynh đệ

Với uy tín và tiếng tăm thi đấu của mình, năm 1968, Rémy Huỳnh được Tổng cuộc Quyền thuật (miền Nam) chọn làm HLV đội tuyển võ thuật quốc gia thi đấu các giải quốc tế, đào tạo nên nhiều VĐV nổi tiếng. Năm 1974 tại Nha Trang, khi ra đây làm việc cho nhà đèn (điện lực), ông mở võ đường mang tên họ mẹ, như một sự tri ân về người mẹ thân yêu Huỳnh Thị Còn mà ông mang họ. Võ đường Huỳnh Huynh Đệ nhanh chóng nổi tiếng, trở thành võ đường lớn ở Nha Trang. Bằng kinh nghiệm và vốn võ học tích lũy được, ông phát triển thêm những đòn thế mới, lấy sự linh hoạt, hiệu quả làm căn bản. Tuy nhiên, điều ông tâm huyết nhất khi thành lập võ đường là qua việc học võ, khơi gợi cho tuổi trẻ niềm tự hào về tinh thần thượng võ của dân tộc. Học trò của ông phải thấm nhuần lễ nghĩa, đạo đức trước khi học võ và phải nằm lòng lời thầy: Thắng một địch thủ không bằng làm cho địch thủ thương mến mình. Ông vô cùng nghiêm khắc nếu học trò nào không thực hiện đúng điều tâm niệm đó.

Từ một võ đường ở Nha Trang, Huỳnh Huynh Đệ phát triển thành môn phái rộng khắp ở TP.HCM, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định…, kể cả sau khi ông sang Pháp định cư từ năm 1976. Hiện cả nước có khoảng 3.000 môn sinh võ phái Huỳnh Huynh Đệ. Môn võ này đã cung cấp nhiều VĐV cho đội tuyển võ cổ truyền các địa phương. Riêng tại Phú Yên, từ 1990 đến nay, môn phái cung cấp hàng chục VĐV cho đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh, giành 10 HCV tại các giải khu vực và toàn quốc.

Sang Pháp, võ sư Rémy Huỳnh không ngừng tâm huyết giới thiệu, phát triển võ Việt ra nước ngoài. Môn phái Huỳnh Huynh Đệ hiện rất được mến mộ tại Pháp với hàng nghìn môn sinh, nhất là tại thành phố cảng Marseille, nơi ông mở võ đường đã gần bốn chục năm nay.

Đau đáu nỗi niềm quê mẹ

Năm nay đã 74 tuổi nhưng võ sư Rémy Huỳnh vẫn còn rất tráng kiện. Phong thái lịch lãm, giọng nói nhỏ nhẹ, ông trút lòng tâm sự: “Còn đi lại được là còn về Việt Nam, về thăm quê mẹ. Về để được nghe tiếng Việt cho đã thèm, để sống lại những kỷ niệm ấu thơ, để gặp lại những vùng đất đã đi qua thời trai trẻ…”. Đã đi đã đến nhiều chân trời, nhưng mỗi khi máy bay bay vào vùng trời Việt Nam, trong ông lại trào dâng những cảm xúc khó tả. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn thuộc lòng những câu mẹ hát ru, thèm món ăn Việt dân dã đậm đà. Và mặc dù gia nhập làng Tây, học trường Tây từ bé nhưng ông rất yêu văn hóa, văn học Việt Nam. Lần nào cũng vậy, trong số những món quà Việt ông mang về Pháp, không thể thiếu những cuốn sách Việt.

Ông kể một kỷ niệm vui, một lần ông mời mấy người bạn Việt đến nhà ăn cơm. Nghe mọi người nói tiếng Pháp, ông bảo: “Tôi mời các bạn đến đây là để nghe các bạn nói tiếng Việt”. Ông có một nguyên tắc, ở nhà chỉ nói tiếng Việt. Vợ ông, một phụ nữ dịu dàng gốc Hải Phòng, các con ông, người sinh ở Việt Nam, người sinh ở Pháp, đều rất ủng hộ nguyên tắc này trong gia đình.

Không ít lần ông đem theo học trò là người Pháp và các nước khác về Việt Nam giao lưu với võ sư và môn sinh võ cổ truyền trong nước. Tại buổi lễ trao chức chưởng môn môn phái Huỳnh Huynh Đệ tại Việt Nam cho võ sư Huỳnh Kim Hồng (Tổng thư ký Liên đoàn Võ cổ truyền tỉnh Phú Yên), ông dặn học trò và các môn sinh: “Võ Việt phải góp phần xây dựng văn hóa Việt”.

Phan Xuân Luật

>> Võ sĩ Pacquiao xuất sắc nhất thập kỷ
>> Cung Le sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với võ sĩ Việt Nam
>> Văn Ngọc Tú đọ tài cùng võ sĩ trẻ châu Mỹ
>> Bất ngờ từ võ sĩ Philippines
>> Võ sĩ quyền Anh tệ nhất thế giới giải nghệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.