Để trở thành cao thủ Aikido

02/02/2010 08:22 GMT+7

* Tiếp theo số 026 ngày 26.1.2010 2. Giai đoạn nhu thể (Jutai) “Dĩ nhu thắng cương” Hành giả Aikido thoạt tiên là một tay mơ trong lãnh vực võ đạo, sau một thời gian luyện tập cảm thấy mình gắn bó với môn phái, qua tiếp xúc với các thầy các bạn, qua việc làm quen với các động tác Jumbi undo và Aiki taiso, và việc rèn luyện thân pháp, bộ pháp, thủ pháp, nhãn pháp, hô hấp pháp…

* Tiếp theo số 026 ngày 26.1.2010

2. Giai đoạn nhu thể (Jutai) “Dĩ nhu thắng cương”

Hành giả Aikido thoạt tiên là một tay mơ trong lãnh vực võ đạo, sau một thời gian luyện tập cảm thấy mình gắn bó với môn phái, qua tiếp xúc với các thầy các bạn, qua việc làm quen với các động tác Jumbi undo và Aiki taiso, và việc rèn luyện thân pháp, bộ pháp, thủ pháp, nhãn pháp, hô hấp pháp…

Việc luyện tập chuyên cần, kiên trì, nhẫn nại, khiêm tốn và cẩn trọng sẽ giúp hành giả càng ngày càng tiến bộ, các chiêu thức trở nên điêu luyện, thân pháp khinh linh hơn, sự cảm nhận về kín hở, công thủ và thời điểm xuất chiêu… cũng tinh tế hơn.

Và hành giả đã trở thành một hảo thủ của môn phái. Vượt qua kỳ thi Sơ đẳng (Shodan) mà chúng ta thường gọi là Nhất đẳng, hành giả đã phần nào nắm được các yếu quyết của hệ thống kỹ thuật Aikido. Đòn thế của anh đã trơn tru hơn trước. Anh đang chuyển dần qua việc thực hiện phong cách “nhu” theo lối tập Jutai (Nhu thể).

Với phép tập này, các nguyên lý như Ki no musubi, Ki no nagare, xả kỷ tòng nhân… trở thành chủ yếu trong việc công phu. Việc áp dụng mỗi ngày một điệu nghệ hơn, tinh vi hơn, các nguyên lý “nhu” trong đòn thế giúp hành giả vượt dần qua những vụng về bất cập của giai đoạn Kotai.

Thế nhưng không vì vậy mà anh không tiếp tục các bài tập Kotai. Vì việc luyện tập như vậy sẽ giúp anh tăng cường thêm nữa công năng nội tạng, nâng cao nguyên khí, nói cách khác, làm cho khí lực của anh đạt mức thâm hậu tương ứng với trình độ võ học của mình.

Vào giai đoạn này, việc luyện tập các loại vũ khí như kiếm, gậy... vừa giúp tăng cường khí lực, vừa giúp nâng cao ý thức cảnh giác và dũng khí, bản lĩnh. Là vì, dù chỉ với một thanh mộc kiếm, một cây gậy gỗ, thì việc luyện tập cũng đòi hỏi nhiều khí lực hơn trong công phu. Còn về luyện dũng khí và bản lĩnh, thì bất cứ ai đã từng tập gậy hoặc kiếm cũng đều biết mức độ nguy hiểm trong lúc luyện tập cao hơn việc tập tay không. Đặc biệt là các bài tập: Tam thế đối luyện (Sanpo sanken), đối luyện quy ước, đối luyện tự do chống một hoặc nhiều người… Việc luyện tập vũ khí cũng giúp tăng ý thức cảnh giác, làm sự cảm nhận về khoảng cách (ma-ai) sắc bén hơn.

Ở mức độ này, hành giả Aikido có cơ hội học và thi triển những chiêu thức ảo diệu mà trước đó chỉ được nghe nói đến và đôi khi được xem biểu diễn. Không phải vì tính phức tạp của đòn thế - hình thức bên ngoài của đòn thế vẫn là đơn giản, nhưng vì tính cách phối hợp giữa thân pháp, ý lực và hô hấp pháp với một mức độ tương ứng đòi hỏi hành giả có một cảm nhận tinh tế hơn và một khả năng bùng nổ khí lực chính xác tuyệt vời. Với những tính cách cao diệu đó, một chiêu thức xem ra tầm thường đơn giản, được một cao nhân thi triển tự khắc trở thành một tuyệt chiêu.

Ở vào biên giới chập chùng giữa 3 và 4 đẳng, hành giả dần dần rời xa địa giới của Kotai để tiến hẳn vào Jutai và tiến dần lên Ryutai… Nghiễm nhiên vị hành giả của chúng ta, mà mới năm nào vẫn còn là một bạch đai công tử thì nay đã là một hảo thủ võ lâm, biết đạo lý con người, biết tôn sư trọng đạo, biết phân biệt chính tà, tuy vẫn còn vướng mắc trong cõi u minh. (còn tiếp)

Võ sư Bùi Thế Cần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.