Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Đường Phong

24/10/2012 03:00 GMT+7

Đây là võ phái ở Thất Sơn ít người biết đến. Người sáng lập ra võ phái này là cụ Cử Đa. Còn vị đệ tử chân truyền đời thứ 9 của Đường Phong là lão đạo sĩ già Ba Lưới, hiện sinh sống trên đỉnh núi Cấm.

Đây là võ phái ở Thất Sơn ít người biết đến. Người sáng lập ra võ phái này là cụ Cử Đa. Còn vị đệ tử chân truyền đời thứ 9 của Đường Phong là lão đạo sĩ già Ba Lưới, hiện sinh sống trên đỉnh núi Cấm.

Giai thoại về cụ Cử Đa

Cử Đa tên thật là Nguyễn Đa, người làng Phù Cát, H.Bình Khê, phủ Quy Nhơn (nay thuộc tỉnh Bình Định). Do thi đỗ võ cử nhân (có thể là năm Thiệu Trị thứ năm - 1845 hoặc thời vua Tự Đức - 1852) nên người đời gọi là ông Cử Đa. Sau khi đỗ đạt, Cử Đa đi khắp nơi để tham gia huấn luyện võ thuật cho nghĩa quân của ông Trần Văn Thành chống Pháp. Dù vậy do lực lượng mỏng, quân khí lại không dồi dào nên nghĩa quân nhanh chóng bị tan vỡ. Ông Trần Văn Thành tử trận còn Cử Đa thì cải trang thành một vị sư lấy tên là Sư Bảy, giả điên khùng, lưu lạc nhiều nơi để tránh sự truy lùng của quân Pháp. Ông phải lánh sang Campot, Campongtrach, đến núi Tà Lơn tức Bokor (Campuchia) để ẩn tu. Tại đây, Cử Đa được gặp minh sư truyền đạo pháp, được đặt cho đạo hiệu là Ngọc Thanh. Về sau, ông thu nhiều tín đồ ở Tà Lơn.

Đến năm 1896, ông Cử Đa từ Tà Lơn trở về Thất Sơn. Lúc mới đến Thất Sơn, nhiều người nghe ông nói giọng miền Trung nên gọi là Thầy Huế. Ông đã đem hết võ nghệ ra thi triển nhằm chiêu mộ nhân tài, tiếp tục lập nghĩa quân chống Pháp. Và võ phái mang tên Đường Phong ra đời. Tảng đá lớn có bề mặt khá bằng phẳng ở Vồ Thiên Tuế (núi Cấm) được ông Cử Đa dùng làm sân dạy võ cho đệ tử. Sau khi thấy lực lượng đã khá mạnh, Cử Đa đến núi Tượng tìm gặp Ngô Lợi (Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) để bàn chuyện xuất binh xuống núi đánh Tây. Dẫu rất thán phục khí phách và lòng trung nghĩa của ông Cử Đa, nhưng biết không phải thời thế thích hợp nên Ngô Lợi không đồng ý.

Mặc dù thất vọng, Cử Đa vẫn tụ tập lực lượng kéo đánh đồn Cây Mít (nay thuộc huyện Tịnh Biên) của Pháp ở mé kênh Vĩnh Tế. Binh lính không kinh nghiệm chiến trường, vũ khí thô sơ nên thất bại. Ông Cử Đa một lần nữa sang núi Tà Lơn để tránh liên can cho đệ tử và người dân vô tội. Tuy vậy, lâu lâu ông cũng trở về Bảy Núi thăm các đệ tử cũ. Dần dà, chẳng còn ai thấy tăm hơi gì về ông. Thỉnh thoảng có người thấy một ông già râu tóc bạc phơ, cưỡi hổ mun vượt cánh rừng nối dài giữa Tà Lơn và Thất Sơn. Người ta bảo đó là cụ Cử Đa, đã tu tiên đắc đạo ở Tà Lơn.

 
Tương truyền ông Cử Đa chọn đỉnh núi Cấm làm sân luyện võ cho đệ tử

 
Đạo sĩ Ba Lưới hiện đã 100 tuổi là đệ tử của môn phái Đường Phong

Tuyệt chiêu “Bình phong lạc nhạn”

Sau rất nhiều lần trò chuyện, dẫu biết vị đạo sĩ già cuối cùng trên đỉnh núi Cấm - Ba Lưới thời trai trẻ có võ nghệ siêu quần, nhưng ông nhất quyết không nói rõ theo học môn phái nào. Mãi đến lần này, khi chúng tôi quyết “ở lì” lại núi Cấm nhiều ngày, ông lão mới chịu tiết lộ. “Hồi trước, tôi theo học nhiều thầy lắm. Tôi học bốc thuốc chữa bệnh của thầy Năm Sanh. Còn học võ thì rất nhiều thầy. Nhưng học chánh tông là võ phái Đường Phong. Tôi là đệ tử đời thứ 9 của ông Cử Đa ở ngọn núi này. Hồi đó, sư phụ tu tiên đắc đạo ở núi Tà Lơn rồi mới về núi này dạy võ. Sư phụ Cử Đa thì nổi tiếng lắm, nhưng môn phái Đường Phong ở Thất Sơn này lại ít người biết tới”, vị đạo sĩ 100 tuổi nói.

Theo lời lão đạo sĩ Ba Lưới, sư tổ Cử Đa có tài tay không đánh hổ. Lúc cụ mới đặt chân đến Thất Sơn, vì lạ đường, lạ cảnh nên trong lúc băng rừng đã chạm trán hổ dữ. Thế võ tuyệt chiêu mà cụ Cử Đa dùng để đả hổ là “Bình phong lạc nhạn”. Khi mãnh hổ lao vào tấn công, chỉ một cái nhún chân ông đã phóng lên cao hơn chục thước. Từ trên không trung ông lao mình trở xuống như cánh nhạn lướt gió, tung một cước trúng gáy hạ gục chúa sơn lâm. Về sau, biết tiếng cụ Cử Đa, toàn bộ hổ trong rừng ở Thất Sơn gặp cụ đều nằm mọp xuống đất.

Nói về võ phái Đường Phong, lão đạo sĩ Ba Lưới cho hay có rất nhiều thế võ cực kỳ lợi hại. Thế nhưng, trong số hàng trăm đệ tử của Đường Phong chỉ có một số ít đệ tử được chân truyền từ thầy. Mặc dù lúc ông được nhập môn thì sư tổ Cử Đa đã không còn ở Bảy Núi, nhưng tuyệt kỹ trấn môn vẫn được truyền thụ cho đệ tử đời sau. Và ông là một trong số những người này, học được tuyệt chiêu “Bình phong lạc nhạn”. Tuy nhiên, lão đạo sĩ già cho biết để luyện được chiêu thức này không hề đơn giản. Thuở trước, khi mới nhập môn, hằng ngày ông phải chạy bộ lên xuống núi để tập sức khỏe dẻo dai. Rồi phải đào hố sâu rồi từ dưới nhảy lên bờ. Mỗi ngày, hố càng được đào sâu thêm.

Sau một thời gian luyện tập, khi thành thục, chỉ cần nhún một cái có thể phi thân lên khỏi mặt đất năm bảy thước. Nhờ quyết chí luyện tập, ông Ba Lưới có thể thi triển thuần thục chiêu thức bí truyền này. Hơn nữa, ông còn dùng chính chiêu thức này để hạ mãng xà khổng lồ và thoát chết trong lần chạm trán với hổ trên núi Cấm. “Chiêu này đặc biệt hữu dụng trong đối đầu với hổ. Vì chỉ cần một bước nhảy thì đã có thể đứng được trên ngọn cây cao, tránh hổ dễ dàng. Còn với mãng xà thì phải ra đòn quyết định, một chiêu hạ xác nó luôn, không thì sẽ trở thành món “điểm tâm” của nó”, lão đạo sĩ phân tích.

Mai Tuyết

>> Võ cổ truyền VN gia nhập Hiệp hội Võ thuật thế giới
>> Việt Nam tham dự Festival Võ thuật thế giới
>> 74 đoàn tham dự Liên hoan Võ thuật quốc tế Hồng Bàng 2012
>> Đi tìm bản sắc võ Việt: Cội nguồn võ thuật
>> Nâng tầm hợp tác võ thuật VN - Hàn Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.