Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Nam Cực Đường

23/10/2012 03:50 GMT+7

Để qua mắt lính Tây, cụ Bảy Do dựng lên một ngôi chùa lá lấy tên Nam Cực Đường làm chốn tu hành. Thực chất, đây là một võ đường.

Để qua mắt lính Tây, cụ Bảy Do dựng lên một ngôi chùa lá lấy tên Nam Cực Đường làm chốn tu hành. Thực chất, đây là một võ đường.

Đêm đêm, các đệ tử cùng nhau luyện tập võ nghệ ngay tại sân chùa. Ngày nay, Nam Cực Đường chính là chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm (An Giang).

Có ông Phật mới cho tu

Cụ Bảy Do tên đầy đủ là Nguyễn Văn Do, quê ở làng An Hội (Bến Tre), cháu của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Là con trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cha mẹ Bảy Do đều tử trận trong các cuộc kháng Pháp. Vì thế, ngoài học văn, Bảy Do còn cố công luyện tập, trau dồi võ nghệ chờ có dịp trả thù nhà nợ nước. Năm 1911, người ta thấy tại sườn núi Cấm xuất hiện một thảo am với một đạo sĩ lực lưỡng, tướng mạo phi phàm. Vị đạo sĩ thường khoác áo tràng đen, đi chân đất, đầu búi tóc, ngày 2 buổi ngồi thiền, nhưng đêm đêm vẫn miệt mài luyện tập võ nghệ, mài gươm dưới trăng. Nhiều người tò mò, hỏi ra mới biết vị đạo sĩ đó chính là Bảy Do.

 Chùa Phật Lớn được xây dựng lại ngay trên chính nền chùa cũ của Nam Cực Đường
Chùa Phật Lớn được xây dựng lại ngay trên chính nền chùa cũ của Nam Cực Đường
- Ảnh: Mai Tuyết

Lúc bấy giờ, núi Cấm là nơi của quần hùng tứ phương tề tựu nên bọn lính Pháp luôn để mắt tới. Gần như ngày nào chúng cũng cho lính đi lùng sục khắp các sườn đồi, đỉnh núi để truy tìm bóng dáng của nghĩa đảng. Ban đầu, ông Bảy Do mở một võ phái lấy tên là Nam Cực Đường. Tuy có nhiều môn đồ theo học ở Nam Cực Đường nhưng do lính Pháp và mật thám thường xuyên lai vãng, nên ông Bảy Do cùng các đệ tử âm thầm hoạt động bí mật. Ngày ngày họ vẫn lên núi phá rừng làm rẫy, săn bắt thú rừng. Đêm đêm, khi thấy tình hình an toàn thì mới kéo nhau ra vồ đá to để luyện võ. Các bậc cao niên ở vùng Bảy Núi kể lại, để qua mặt bọn Pháp, ông Bảy Do phải ẩn tu trong một hang động. Có lần khi đang ngồi thiền trong hang thì bị lính phát hiện. Một tên đại úy hỏi ông: “Mày ở đây làm gì?”. Ông Bảy Do đáp: “Tôi ở đây tu”. Tên đại úy gằn giọng: “Có ông Phật tao mới cho mày tu, còn không thì tao bắt hết”. Chính từ câu nói của tên đại úy, ông Bảy Do đã đắp một tượng Phật khá lớn bằng xi măng, rồi dựng lên một ngôi chùa bằng lá ngay nơi đặt tượng, lấy tên chùa là Nam Cực Đường. Cũng nhờ có chùa, có “ông Phật” nên bọn lính ít để ý tới.

Đốt võ đường

 Chùa Phật Lớn - nơi trước đây cụ Bảy Do lập võ phái Nam Cực Đường
Chùa Phật Lớn - nơi trước đây cụ Bảy Do lập võ phái Nam Cực Đường

Số lượng đệ tử nhập môn học võ ở Nam Cực Đường lên đến hàng ngàn người, nhưng môn quy nghiêm ngặt, ai nấy đều răm rắp chấp hành nên tôn ti trật tự luôn được giữ. Ngoài việc luyện võ, tất cả đệ tử của Nam Cực Đường còn được nghe giảng đạo pháp. Nhưng rồi Pháp thả mật thám, giả làm bổn đạo gia nhập Nam Cực Đường. Sau một thời gian dò la, toàn bộ hoạt động của Nam Cực Đường bị mật báo về cho chủ tỉnh Châu Đốc. Năm 1917, Pháp đem quân vây Nam Cực Đường. Hàng trăm gươm giáo bị tịch thu, 6.000 chiếc đũa bị phát hiện cùng với 20 cái chảo đun cỡ lớn dùng để nấu cơm cho hàng ngàn người ăn. Ông Bảy Do bị bắt cùng với vài chục đệ tử thân tín, còn hàng ngàn người khác thì tháo chạy vào rừng, tản lạc khắp nơi. Bọn Pháp đốt võ đường, bắt ông Bảy Do đem về giam ở khám lớn Sài Gòn, bị kêu án 5 năm cấm cố. Sau đó, ông tiếp tục bị phát vãng ở Côn Lôn. Không khuất phục trước kẻ thù, ông Bảy Do đã cắn lưỡi tử tiết trong đề lao trên hải đảo vào ngày rằm tháng 3 năm 1926. Lúc đó ông mới 45 tuổi. Toàn bộ đệ tử chân truyền của Nam Cực Đường cũng bị bắt, vướng vào vòng lao lý. Về sau, không thấy dấu tích của đệ tử võ phái này chấn hưng lại môn phái.

Tuy nhiên, theo ghi chép của nhà nghiên cứu - dật sĩ Nguyễn Văn Hầu trong cuốn Nửa tháng trong miền Thất Sơn (xuất bản năm 1970), thì tác giả có gặp được một đệ tử của ông Bảy Do vẫn còn sống sót. Người đệ tử này không xưng danh tính, nhưng cho biết là người cùng quê tỉnh Bến Tre với cụ Bảy Do. Trước khi tham gia Nam Cực Đường, người này vốn là một thầy giáo, bỏ sở theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Khi chưa kịp xuất dương sang Nhật thì bị phát hiện, ông liền bỏ trốn đến vùng núi Cấm. Mặc dù đến ẩn cư trước ông Bảy Do và ngang hàng tuổi, nhưng vì mến mộ đức tính và lòng trung nghĩa cùng hào khí võ nghệ của Bảy Do nên ông quy phục làm đệ tử. Sau ngày bị Pháp tập kích, ông Bảy Do bị bắt, may mắn là người đệ tử này chạy thoát vào rừng. Sau đó, ông trở lại chốn cũ, lập lại cái am, ngày đêm nhang khói cho tượng Phật để tưởng nhớ về sư phụ và một thời lừng lẫy của Nam Cực Đường. Tuy nhiên, theo ông thì thuở trước, Nam Cực Đường chủ yếu là rèn luyện cho đệ tử kỹ thuật giáp chiến, đao thương giết giặc chứ không chú trọng đến tên gọi các bài quyền. Vì vậy, dù là một võ phái có số lượng đệ tử lớn nhất Thất Sơn lúc bấy giờ, nhưng không có một chiêu thức võ học nào của Nam Cực Đường được nhân gian nhớ đến. Dấu vết võ học của Nam Cực Đường vì thế cũng trở nên mờ mịt và không còn hậu thế.

Sau ông Bảy Do, một đạo sĩ khác là Trương Minh Thành đã tìm đến ở tu ngay trên nền cũ của Nam Cực Đường. Ông Trương Minh Thành cho cất lại chùa ngay nơi có tượng Phật do ông Bảy Do để lại và lấy tên là chùa Phật Lớn. Ông Tư Ngà (80 tuổi, hiện sống tại xã Bình Giang, H.Hòn Đất, Kiên Giang) - thư ký của ông Trương Minh Thành - cho biết trong thời gian tu tại núi Cấm, cụ Thành chỉ làm thuốc cứu người. Mặc dù ông này có võ nghệ cao siêu nhưng không thu nhận đệ tử, không mở võ đường. Lần lượt các vị đạo sĩ người đến, người đi. Vị đạo sĩ sau cùng quyết giữ gìn và tôn tạo hoàn chỉnh chùa Phật Lớn là ông Ba Lưới (tên thật Nguyễn Văn Y). Ngày nay, chùa Phật Lớn được xây cất lại ngay trên nền cũ của Nam Cực Đường. Còn vị đạo sĩ Ba Lưới đến nay đã 100 tuổi, hiện là Trưởng ban Quản tự chùa Phật Lớn.

Mai Tuyết

>> Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Thần quyền
>> Đi tìm bản sắc võ Việt - Những bí ẩn chưa được giải mã
>> Đi tìm bản sắc võ Việt: Trong võ có văn
>> Đi tìm bản sắc võ Việt: Cội nguồn võ thuật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.