Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Võ gồng

26/10/2012 03:58 GMT+7

Người luyện được võ gồng thì đao thương bất nhập, thân thể như “mình đồng, da sắt”. Tương truyền, có 2 người tu luyện thành công võ gồng ở núi Tà Lơn (Campuchia), sau đó về Thất Sơn ẩn dật. Đó là tướng cướp lừng danh Đơn Hùng Tín và ông Ba Đạo.

Người luyện được võ gồng thì đao thương bất nhập, thân thể như “mình đồng, da sắt”. Tương truyền, có 2 người tu luyện thành công võ gồng ở núi Tà Lơn (Campuchia), sau đó về Thất Sơn ẩn dật. Đó là tướng cướp lừng danh Đơn Hùng Tín và ông Ba Đạo.

Học trộm từ “Thiên thư bí quyết”

Theo ghi chép của các nhà nghiên cứu, tướng cướp Đơn Hùng Tín tên thật là Lê Văn Tính, người ở miệt Ba Sao (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Tín chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt và không có võ nghệ, nhưng mê đọc truyện Tàu và có chí làm… ăn cướp. Chán ngán cuộc sống bị bọn cường hào ác bá hà hiếp, Tín rời bỏ quê nhà tìm đến núi Tà Lơn. Khi đến đây, Tín gặp một thầy giáo bị sa thải khỏi ngành tên là Phép. Theo lời thuật của giáo Phép, ngay tại những hang động ở điện Cán Dù, có một ông lão học được phép màu trong quyển “Thiên thư bí quyết”. Số là, ông này nuôi một con khỉ, mỗi ngày cho nó nuốt một lá bùa nhưng đến ngày thứ 7 khỉ lăn ra chết. Đem xác khỉ cất vào cái hộp, đúng trăm ngày giở ra, khỉ mở mắt, ông liền cho nó uống lá bùa thứ 8 thì khỉ sống lại, lanh lẹ và nhất nhất tuân lời ông. Từ đó, mỗi buổi sáng con khỉ phải chạy từ trên núi xuống chợ Cần Giọt (Campuchia) lấy cắp 2 đồng xu về cống nạp cho ông lão. Giáo Phép biết rằng, cái lão tu tiên kia cất giữ “Thiên thư bí quyết” không khác chi báu vật và chẳng bao giờ truyền dạy cho ai trên núi này. Cho nên hắn ngày đêm nghĩ cách để đánh cắp mang về cho Đơn Hùng Tín. Trong số rất nhiều bí quyết võ công, bùa chú trong quyển “Thiên thư bí quyết”, giáo Phép từng nghe nói đến loại võ gồng.

 Trung Thiên Sơn tự - ngôi chùa do ông Ba Đạo xây dựng, sau khi bị Pháp đốt được con cháu xây dựng lại trên núi Cấm
Trung Thiên Sơn tự - ngôi chùa do ông Ba Đạo xây dựng, sau khi bị Pháp đốt được
con cháu xây dựng lại trên núi Cấm - Ảnh: Mai Tuyết

Nhờ bí quyết này mà Đơn Hùng Tín đã luyện thành loại võ gồng và ngang nhiên trên bước đường hành tẩu cũng như nhanh chóng trở thành một tướng cướp lừng danh. Dân chúng quanh vùng tỏ ra yêu mến cái danh của đảng cướp Đơn Hùng Tín hơn là kinh sợ vì họ thường nhận được nhiều khoản tiền “từ trên trời rơi xuống” đúng vào lúc gia cảnh lâm vào khốn khó. Về sau, Đơn Hùng Tín rời Tà Lơn về núi Cấm lập bản doanh và đánh cướp khắp Nam kỳ lục tỉnh. Có tài liệu nói rằng, ông bị bắn chết tại vàm Cồn Rồng (Mỹ Tho) do tên thuộc hạ bán đứng thông tin để nhận khoản tiền thưởng kếch xù. Nhưng cũng có người bảo rằng, người chết chỉ là một thủ hạ trung thành thế mạng để “cứu chúa”. Người ta còn quả quyết là sau trận máu lửa ấy, Đơn Hùng Tín vẫn ung dung giong thuyền ở tận Biển Hồ bên Chùa Tháp.

Voi giẫm không chết

Bà Trần Thị Cẩm Tiên, cháu ngoại của ông Ba Đạo (đạo sĩ Nguyễn Thành Đạo), hiện đang sinh sống cùng chồng là Nguyễn Trung Huê gần Vồ Ong Bướm trên đỉnh núi Cấm để giữ gìn đất tổ. Bà Tiên cho biết, ông ngoại bà trước đây tu tại núi Tà Lơn. Năm 1920, ông về núi Cấm dựng lên ngôi chùa đồ sộ đặt tên là Trung Thiên Sơn tự. Tại đây, ông Ba Đạo cũng mở võ đường, thu nhận nhiều đệ tử. Trong số những đệ tử ruột của ông là ông Trần Văn Thất (Ba Tiêu) và bà Chín Huê (ở Cao Lãnh). Vì là người tu tiên, không cạo đầu, để tóc làm đạo sĩ nên ông Ba Đạo vẫn có vợ và 1 người con gái. Về sau, ông gả con gái cho đệ tử giỏi nhất của mình là Trần Văn Thất và truyền dạy hết những món võ tuyệt kỹ đã luyện thành. Còn bà Chín Huê cũng vừa mất cách đây khoảng 3 năm.

Ông Nguyễn Trung Huê cho biết, trước đây là bộ đội và được phân công canh giữ tại Vồ Pháo Binh, núi Cấm. Sau đó, ông gặp bà Trần Thị Cẩm Tiên, lập gia đình và sinh sống trên núi đến nay đã mấy chục năm. Ông Huê nói từng nghe cha vợ và bà Chín Huê lúc sinh tiền kể rất nhiều về ông ngoại vợ. Câu chuyện mà cho đến nay ông vẫn nhớ như in trong đầu là nhờ có võ gồng mà ông Ba Đạo bị voi giẫm không chết. “Theo lời tía vợ tôi kể, hồi trước có một con voi nuôi ở Ba Soài (huyện Tri Tôn, An Giang) xổng chuồng. Nó đi quậy phá khắp nơi, gặp nhà là húc đổ, gặp cây thì nhổ gốc, vườn rẫy của người dân trên núi bị nó giẫm nát tan hoang. Hôm đó, con voi to tướng đang phá rẫy cặp bên Trung Thiên Sơn tự. Ông ngoại vợ tôi nghe nói liền xách một cây thương chạy ra xua đuổi. Khi ông vừa đến gần thì bất ngờ bị con voi dùng vòi quấn chặt, giở ổng lên khỏi mặt đất rồi quăng xuống. Nó điên cuồng dùng chân giẫm đạp lên người, nhưng ông ngoại vợ vận võ gồng để chống đỡ. Sẵn còn cây thương nhọn trong tay, ông đâm một phát trúng ngay yết hầu khiến nó đau đớn mà bỏ chạy. Nhờ vậy ông mới thoát chết”, ông Huê kể.

Vào những năm 1940, số người tìm đến Trung Sơn Thiên tự để quy y, học nghệ rất đông. Ông Huê còn nhớ lời bà Chín Huê kể, luyện võ gồng không khó lắm nhưng đòi hỏi phải có tính kiên trì. Trước tiên, người học sẽ được sư phụ thông các huyệt đạo trên người bằng nội lực. Sau đó sẽ chỉ cho các câu thần chú, rồi cứ học thuộc trong lúc ngồi thiền. Cứ kiên trì luyện tập ngồi thiền, đọc chú kết hợp với vận nội công hằng ngày thì tự nhiên nội lực sẽ tăng lên. Khi tập đến đỉnh thì da cứng như đồng, như sắt, đao kiếm không gây thương tích được.

Ngày nay, dấu tích của ông Ba Đạo vẫn còn trên núi Cấm. Bên trong ngôi chùa còn lưu giữ hình ảnh của vị đạo sĩ Ba Đạo thời trai trẻ. Câu chuyện về người đạo sĩ nổi tiếng với món võ gồng vẫn còn được người dân núi Cấm kể cho nhau nghe hằng ngày, như để tưởng nhớ về một thuở hồng hoang, với những con người chân cứng đá mềm khai phá nên vùng đất.   

Mai Tuyết

>> Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Võ bùa
>> Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Đường Phong
>> Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Nam Cực Đường
>> Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Thần quyền
>> Góc võ đường: Truyền nhân Thất Sơn Thiếu Lâm tại Việt Nam  

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.