Điền kinh Việt Nam đang mất thế mạnh

24/04/2015 00:00 GMT+7

Điền kinh VN đặt ra chỉ tiêu đoạt 11 - 12 HCV tại SEA Games 28, nhưng nếu nhìn vào bảng thành tích mới nhất của các đối thủ trong khu vực sẽ thấy mục tiêu ấy đang bị “đe dọa”.

Điền kinh VN đặt ra chỉ tiêu đoạt 11 - 12 HCV tại SEA Games 28, nhưng nếu nhìn vào bảng thành tích mới nhất của các đối thủ trong khu vực sẽ thấy mục tiêu ấy đang bị “đe dọa”.

Lan PhươngQuách Thị Lan hy vọng có vàng, nhưng nhiều nội dung khác của điền kinh VN đang mất đi thế mạnh - Ảnh: Khả Hòa
Vấp phải những đối thủ tiềm tàng
Nguyễn Thị Thúy đã được dự SEA Games 28
Một thông tin rất đáng lưu ý là VĐV Nguyễn Thị Thúy đã được Tổng cục TDTT triệu tập bổ sung vào đoàn thể thao VN dự SEA Games 28. Là VĐV nhiều kinh nghiệm nhưng Thúy từng bị gạt khỏi đội tuyển quốc gia và chỉ sau khi có phản ánh của Thanh Niên, lãnh đạo ngành đã đề nghị bộ môn Điền kinh phải xem xét lại. Sự trở lại của Thúy sẽ tăng cơ hội tranh chấp HCV SEA Games 28 ở nội dung 4x400 m nữ (ngoài Thúy còn có Lan, Oanh và Nguyễn Thị Huyền).
Đội tuyển điền kinh bị hụt hẫng ít nhiều bởi sự chia tay của một loạt tên tuổi lớn, đồng nghĩa với việc có thể khuyết đi những tấm HCV mà những tên tuổi ấy từng giành được ở kỳ SEA Games trước. Chúng tôi muốn nhắc đến Vũ Thị Hương, nữ hoàng Đông Nam Á ở cả cự ly 100 m, 200 m. Năm nay, VN gần như không có cửa cạnh tranh HCV khi đàn em Đỗ Thị Quyên chỉ đạt thành tích 12 giây 06 nội dung 100 m, kém rất xa thành tích 11 giây 76 của đối thủ trực tiếp là VĐV Utami (Indonesia). Ở nội dung 200 m, Quyên đạt chỉ số 24 giây 32, trong khi VĐV Sranti Pereira (Singapore) chỉ chạy trong 24 giây.
Nữ hoàng chân đất Phạm Thị Bình nghỉ thi đấu cũng để lại khoảng trống mênh mông ở nội dung marathon nữ. Hãy thử so sánh: VĐV người Myanmar từng đoạt HCB SEA Games 27 Myint Myint Aye (năm mà Bình đoạt HCV) hiện đạt chỉ số 2 giờ 46 phút 07, đồng hương của cô là Pa Pa cũng có thành tích 2 giờ 49 phút 01 - đều tốt hơn thành tích của hai VĐV VN Hoàng Thị Thanh (2 giờ 52 phút 48) và Lâm Thị Thúy (2 giờ 56 phút 57).
Từng giành HCV SEA Games 27 nội dung nhảy cao nữ nhưng Dương Việt Anh có dấu hiệu chững lại, nếu không muốn nói là đang thụt lùi về chỉ số thành tích. Nếu năm 2013 cô nhảy cao nhất khu vực với 1m84 thì nay thông số chỉ đạt 1m80, trong khi HCB SEA Games 27 Boowan (Thái Lan) tạm vươn lên với thành tích 1m85.
Có đôi chút bất an ở cự ly 800 m nữ khi nhà vô địch SEA Games 27 Đỗ Thị Thảo đang tạm đạt thành tích 2 phút 08 giây 95, kém VĐV Mi Myint (Myanmar) có thành tích 2 phút 08 giây 20. Ở nội dung 1.500 m, Thảo sẽ phải nỗ lực tột bậc mới có thể bảo vệ thành công chức vô địch SEA Games, bởi hiện cô chỉ đạt thành tích 4 phút 29 giây 60 trong khi VĐV Myanmar War Thet đạt 4 phút 27 giây 01. Bùi Thị Thu Thảo gây ấn tượng mạnh với tấm HCB ASIAD 2014 nội dung nhảy xa nhưng cực kỳ khó khăn để cô có được HCV SEA Games 28 khi thành tích hiện tại là 6m46, còn VĐV Londa (Indonesia) đang là 6m50.
Hy vọng vào đâu ?
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗi lo như vừa phân tích, điền kinh VN vẫn có thể lạc quan ở một số nội dung khác. Ví dụ, Quách Thị Lan đang không có đối thủ ở nội dung 400 m nữ bởi cô đang đạt thành tích tốt nhất là 52 giây 06 còn VĐV từng đoạt HCV SEA Games 27 Yongphan (Thái Lan) đạt 53 giây 35. Lan cũng là ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch nội dung 400 m rào bởi ở khu vực, cô đang sở hữu thành tích rất ấn tượng là 57 giây 48, bỏ xa đối thủ Winatho (Thái Lan) với 58 giây 85.
Anh của Lan là Quách Công Lịch cũng được đặt kỳ vọng sẽ có vàng SEA Games nội dung 400 m nam vì ở giải Malaysia mở rộng vừa qua, Lịch đạt chỉ số tốt nhất khu vực với 46 giây 99. Trần Huệ Hoa cũng đang tạm dẫn đầu khu vực nội dung nhảy xa nữ với thành tích 13m97 (VĐV Thái Lan Thitima đạt 13m68). Một số nội dung khác có triển vọng đoạt HCV SEA Games như đi bộ nữ (Thanh Phúc), đi bộ nam (Thành Ngưng)… Nhưng bấy nhiêu vẫn là quá ít so với chỉ tiêu đề ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.