Độc đáo "Thái hư quyền "

30/03/2010 08:15 GMT+7

Giới võ lâm Trung Hoa có câu “Bắc có Thái cực, Nam có Thái hư”, xem Thái hư quyền là môn quyền pháp sánh ngang với Thái cực quyền. Nhưng trong khi Thái cực quyền phổ biến rộng khắp thì Thái hư quyền vẫn chỉ được truyền dạy tại một số địa phương Trung Quốc với số người luyện tập chưa đến 4.000. Nguyên nhân vì sao?

Một thế biểu diễn và biểu tượng của võ phái Thái hư quyền (hình tròn)

Giới võ lâm Trung Hoa có câu “Bắc có Thái cực, Nam có Thái hư”, xem Thái hư quyền là môn quyền pháp sánh ngang với Thái cực quyền. Nhưng trong khi Thái cực quyền phổ biến rộng khắp thì Thái hư quyền vẫn chỉ được truyền dạy tại một số địa phương Trung Quốc với số người luyện tập chưa đến 4.000. Nguyên nhân vì sao?

Môn võ bí truyền trong hoàng gia triều Thanh

Vùng Giang Môn tỉnh Quảng Đông là đất tổ của các môn phái nổi tiếng như Vịnh Xuân quyền, Thái Lý Phật… và cũng là nơi phát triển ra bên ngoài của môn Thái hư quyền.

Theo “Thái hư quyền quyền kinh” và những sử liệu võ thuật thời Dân quốc thì Thái hư quyền cũng do Võ Đang đạo sĩ Trương Tam Phong sáng chế ra, cùng nguồn mà khác dòng với Thái cực quyền. Trương chân nhân truyền Thái hư quyền cho các cao đồ Khâu Nguyên Tĩnh, Trương Tòng Khê. Đến đời Ung Chính triều Thanh thì Thái hư quyền được truyền vào hoàng cung và dần dần trở thành môn võ bí truyền, chỉ phổ biến trong hoàng tộc trải qua các đời Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong.

Vào thời Hàm Phong, có một thầy thuốc trẻ tên là Ngũ Vinh Vũ quê ở Ngoại Hải, Giang Môn lên Bắc Kinh dạo chơi. Vì hết tiền, chàng lương y đem trần bì - loại vỏ quýt khô rất tốt vùng Lĩnh Nam ra phố bán. Lúc ấy có một vị hoàng thúc-chú của vua Hàm Phong, cũng đi dạo chơi, thấy trần bì tốt nên hỏi mua. Ngũ Vinh Vũ nghe giọng nói của người này bèn đoán là bị bệnh ho lâu ngày và đang mắc cảm mạo, hỏi ra thì đúng như vậy. Vị hoàng thúc uống chỉ 3 thang thuốc của lương y Ngũ thì khỏi bệnh, rất cảm kích bèn mời vào cung làm ngự y rồi kết nghĩa anh em. Sau đó còn đem môn võ hoàng  gia truyền riêng cho Ngũ Vinh Vũ. 10 năm sau, Vinh Vũ hồi hương, được ban tặng áo gấm, hàm “Trực lệ” cùng tấm biển rồng “Vinh phong nhị thế” treo ở Ngũ thị từ đường. Đáng tiếc là vào kỳ “cách mạng văn hóa”, tấm biển rồng đã bị phá hủy.

Ngũ Vinh Vũ tuân theo lời thề, không dạy Thái hư quyền cho người ngoài, chỉ đơn truyền cho con trai là Ngũ Văn Triệu, Triệu truyền cho con là Ngũ Học Vệ, Vệ lại truyền cho con là Ngũ Đức Văn, môn võ bí truyền trong hoàng gia trở thành dòng võ gia truyền họ Ngũ.

Đến đời Ngũ Đức Văn (1884-1974), Thái hư quyền mới bắt đầu công khai truyền bá ra bên ngoài. Đức Văn người nho nhã, giỏi thư pháp, âm nhạc, thường không xưng mình là võ sư. Tại Ngoại Hải, Ngũ Đức Văn truyền cho Trần Doãn Công, Trần Trạm Tân, Trần Trạm Thuyên, Trần Vĩnh Trì… Khoảng những năm 1930, Ngũ Đức Văn chuyển lên Quảng Châu phát triển môn võ này ra khắp Quảng Đông, Hồng Kông, Ma Cao, Hoa Kỳ… Các cao đồ có Trâu Cường, Trần Đức Thành, Đàm Phú, Lý Quốc Văn, Đỗ Bỉnh Hy…

Môn võ dễ học, khó thành

Hội trưởng Hiệp hội Thái hư quyền Quảng Châu Trâu Cường là người hiện đang giữ bộ “Thái hư quyền quyền kinh” quý giá do Ngũ Đức Văn truyền lại. Anh rể của Trâu Cường là con trai của Ngũ Đức Văn. Lúc nhỏ Trâu Cường hiếu động, chỉ thích đá bóng nên năm 16 tuổi khi Ngũ Đức Văn nói sẽ truyền Thái hư quyền cho mình thì Trâu Cường hoàn toàn không thích. Ngũ Đức Văn bảo Trâu Cường cùng mấy bạn thanh niên cứ mặc sức tấn công ông xem, tất cả đều bị té nhào như va vào tường đồng vách sắt. Từ đó Trâu Cường mới quyết tâm theo học suốt 15 năm, trở thành cao thủ Thái hư quyền.

Trâu Cường cho biết, Thái hư quyền nhìn qua thì rất giống Thái cực quyền, chỉ có người luyện thành mới phân biệt được. Thái hư quyền chủ tiên thiên, lấy lý thái cực lúc chưa phân âm dương, còn là “Hỗn nguyên nhất khí”, trong khi Thái cực quyền chủ hậu thiên, thái cực đã phân định âm dương. Thái hư quyền dùng ý không dừng lực, hoàn toàn  nhu hòa, mỗi động tác đều chuyển vận theo vòng tròn, liên hoàn bất tận. Khác với nhiều võ phái, Thái hư quyền thường dùng bộ pháp Tọa sơn mã, trọng tâm chỉ dồn trên 1 chân, chia thành 18 loại, thân pháp gồm ngũ hành cộng bát quái thành 13 loại, chiêu thức án theo bát quái, mỗi quái có 8 thức, cộng thành 64 thức, bao hàm Bát quái chưởng, Hình ý quyền.

Giống như Thái cực quyền, Thái hư quyền có một phần luyện khí công dưỡng sinh theo bài. Còn một phần luyện thực tế chiến đấu gọi là “Lục trửu”rất lợi hại, từng được gọi là “Lan mệnh quyền”. Phép tấn công thường là bám sát, chủ yếu dựa vào cảm ứng của cơ thể, nguyên tắc tấn công là phá trọng tâm đối phương. Lên đến đỉnh cao thì tự nhiên buông lỏng hoàn toàn, bỏ ta theo người, vô chiêu vô thức, hợp cùng thái hư. Thái hư quyền cũng có hệ thống côn pháp, đao pháp và tiên pháp (roi).

Vì sao Thái hư quyền vẫn chưa được truyền bá rộng rãi? Võ sư Trần Lý Triển, trưởng Hiệp hội Thái hư quyền ở Hồng Kông cho rằng trước hết là do môn quy của môn phái trước đây, các tiền bối không lấy việc dạy võ làm nghề chính, lại quy định những hạng người nào không được truyền dạy, nên ít môn sinh. Thứ hai là Thái hư quyền quyền lý thâm sâu, dễ học nhưng khó tinh. “Người học không chỉ thuộc bài quyền mà phải thực sự lĩnh ngộ được lý quyền. Thái hư quyền bao hàm tri thức của các môn võ học, y học và Dịch học nên rất uyên áo. Tôi càng học càng thấy mênh mông. Đây cũng là điều trở ngại cho việc truyền bá Thái hư quyền”.

Võ sư Trâu Cường kể rằng, vào thời “cách mạng văn hóa”, lệnh cấm luyện võ rất nghiêm ngặt. Nhưng nhờ Thái hư quyền tương tự Thái cực quyền nên Hồng vệ binh không để ý và các môn đồ thường gọi né đi là tập Thái cực. Khi luyện kỹ thuật đối kháng mà thấy Hồng vệ binh đi qua thì chuyển thành động tác mềm dẻo như Thái cực quyền. Những năm 1970, do điều kiện giải trí nghèo nàn, phong trào luyện Thái hư quyền ở Ngoại Hải  rất phát triển. Số người luyện lúc ấy lên đến 4, 5 ngàn người. Còn bây giờ ở đây chỉ có khoảng 300 võ sinh mà thôi.

Xem như một hệ phái của Võ Đang, hằng năm môn sinh Thái hư quyền đều tham gia đại hội võ thuật của môn phái, đại hội wushu toàn Trung Quốc với nhiều tiết mục đặc sắc, xứng đáng là “kỳ hoa dị thảo” trong vườn hoa võ thuật Trung Hoa.

Kim Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.