Dọc đường SEA Games 30: Những bóng hồng trên đường chạy

12/12/2019 19:56 GMT+7

Đoàn thể thao Việt Nam có kỳ SEA Games 30 thành công rực rỡ, vượt xa chỉ tiêu đề ra, nhưng những câu chuyện đằng sau tấm huy chương đã được các vận động viên, huấn luyện viên đoàn thể thao Việt Nam viết nên đầy cảm xúc.

“Mỗi ngày em phải chạy Grab kiếm tiền phụ gia đình”

Lời chia sẻ chân thật của cô gái Phạm Thị Thu Trang ngay sau giây phút đăng quang ở nội dung đi bộ 10.000 m làm những ai nghe được phải xót xa. “Nhà tôi nghèo, bố mẹ khó khăn nên phải như vậy chứ bản thân không muốn. Với lại tôi cũng chỉ chạy tầm 2 giờ đồng hồ mỗi ngày để tránh ảnh hưởng đến việc tập luyện”, Thu Trang chia sẻ. Lần đầu ra đấu trường SEA Games nhờ tấm vé vớt sau khi đoạt hạng nhì ở giải vô địch quốc gia khiến Thu Trang bỡ ngỡ, không biết đối thủ mạnh yếu ra sao, cũng chẳng có HLV đi cùng nên đặt mục tiêu về đích là thành công. Thế nhưng cô đã vượt qua tất cả để có được chiến thắng vỡ òa. Biết chuyện vượt khó của Thu Trang, một số mạnh thường quân tìm đến cô chia sẻ, hỗ trợ nhằm giúp tân nữ hoàng đi bộ Đông Nam Á an tâm tập luyện.
HLV Nguyễn Thị Bắc chia sẻ đi bộ là môn thể thao gian khổ bậc nhất của điền kinh bởi mỗi ngày VĐV phải đi tập khoảng 20 km, thi đấu thì đi từ sáng tinh mơ đến nắng chói chang vẫn chưa về đích, chỉ có người chịu khó không ngại khổ mới chơi được môn thể thao này và vì thế cả đội cùng vỡ òa với chiến thắng của Thu Trang. “Nhà Thu Trang nghèo lắm. Bố mẹ đi làm lam lũ nên cũng có ý kêu Thu Trang nghỉ đi làm chứ tập điền kinh lấy đâu ra tiền phụ gia đình. Để được chơi điền kinh, Thu Trang phải đi làm thêm có tiền phụ gia đình. Tôi rất ngưỡng mộ niềm đam mê và ý chí tuyệt vời của em. Tôi tin nếu tiếp tục phát huy, Thu Trang sẽ còn viết nên những thành công mới cho điền kinh nước nhà”, HLV Nguyễn Thị Bắc chia sẻ. Hôm nhận HCV, được nhiều người quan tâm, sau đó có mạnh thường quân biết chuyện đã hỗ trợ ít kinh phí, Thu Trang vui lắm, cô gái có khuôn mặt khắc khổ, hiền lành chia sẻ khi điều kiện tốt hơn sẽ không lái xe công nghệ nữa hòng tập trung cho điền kinh.
Những chuyện đặc biệt ở SEA Games 301

Phạm Thị Thu Trang đã vượt qua khó khăn, gian khổ để đem HCV về cho Tổ quốc

Khâm phục bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền

Nguyễn Thị Huyền làm điều hiếm có trong làng điền kinh khu vực lẫn thế giới khi vừa sinh con vẫn bảo vệ thành công cú đúp HCV SEA Games ở cự ly 400 m và 400 m rào. Làm cách nào để trong vòng 2 năm, Huyền vừa tròn thiên chức làm mẹ, vừa trở lại phong độ đỉnh cao?
Huyền kể 3 tháng sau khi sinh cô bắt đầu quay trở lại tập luyện. Khi đó đã ra khỏi đội tuyển nên một mình tập “chay” ở Từ Sơn (Bắc Ninh), không có quân xanh, không có HLV. “Tôi may mắn được gia đình hai bên, đặc biệt là gia đình chồng ủng hộ, trông con giùm để tôi dành thời gian tập luyện. Chồng tôi vốn là giảng viên đại học chuyên ngành điền kinh nên cũng hỗ trợ cho tôi một phần. Tuy nhiên, vấn đề vẫn ở bản thân khi tôi rất khát khao bảo vệ danh hiệu mà mình đã có được bên cạnh cảm nhận vẫn rất đam mê điền kinh”, Huyền bày tỏ.
Sau 6 tháng tập luyện, Huyền tái xuất ở giải điền kinh quốc tế TP.HCM, đoạt HCV nhưng vẫn chưa được ban huấn luyện (BHL) tuyển điền kinh quốc gia triệu tập. Phải đến tháng 9.2019, Huyền tiếp tục tỏa sáng ở giải vô địch quốc gia, cô mới được điền tên bổ sung lên tuyển và bùng nổ với cú đúp HCV với thông số thành tích ấn tượng không kém thời đỉnh cao là bao. Huyền thắng cả đồng đội Quách Thị Lan vốn đang là đương kim vô địch châu Á và khi nghe chuyện cô bảo vệ HCV SEA Games sau khi sinh con, những đồng nghiệp điền kinh khu vực chỉ biết nghiêng mình nể phục.
Huyền chia sẻ những thiệt thòi khi đi tập luyện là không được gần gũi con vốn đang còn nhỏ nên mỗi ngày tranh thủ lúc rảnh rỗi đều gọi điện hỏi thăm con. “Trước khi thi đấu, tôi mở điện thoại xem lại những clip mình quay về con, lấy đó làm động lực để cố gắng đoạt thành tích cao nhất”, Huyền nói.
Những chuyện đặc biệt ở SEA Games 302

Mới 16 tuổi nhưng Trần Hưng Nguyên đã có thành tích ấn tượng tại đấu trường khu vực

Ảnh: Khả Hòa

Dấu ấn chuyên môn
Việc Lê Tú Chinh bảo vệ được danh hiệu nữ hoàng tốc độ điền kinh Đông Nam Á trước VĐV Mỹ nhập tịch Philippines Kristina Knott được xem là bất ngờ lớn nhưng đậm dấu ấn của BHL.
Khi Kristina Knott thắng thuyết phục ở cự ly 200 m, không ai ngay cả HLV Thanh Hương lẫn bản thân Tú Chinh nghĩ rằng mình có thể thành công ở cự ly 100 m khi tái đấu đối thủ này. Nhưng cô gái TP.HCM đã giành chiến thắng nhờ kịp có chiến thuật hợp lý. HLV Thanh Hương cùng các thành viên BHL điền kinh TP.HCM sau nhiều lần nghiên cứu điểm mạnh, yếu của Kristina Knott đã chỉ đạo Tú Chinh dùng tốc độ cao ngay từ xuất phát, tạo lợi thế lao về đích bởi đối thủ rất mạnh ở tăng tốc nhưng khả năng xuất phát chưa ấn tượng. Tú Chinh đã thực hiện hoàn hảo yêu cầu này để làm nên chiến thắng ngoạn mục ở cự ly hấp dẫn nhất của điền kinh.
Khởi đầu SEA Games 30 chật vật lại bị các đối thủ Thái Lan, Singapore lăm le soán ngôi khi sử dụng nguồn VĐV nhập tịch mạnh, nhưng tuyển điền kinh Việt Nam vẫn xuất sắc đoạt 16 HCV, bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn. Đáng chú ý, công lớn điền kinh vẫn thuộc về phái yếu khi các cô gái Việt Nam đóng góp đến 11/16 HCV lần này.
Ở môn bơi, công tác dự báo thành tích của nhóm chuyên gia Hoàng Quốc Huy (Trung Quốc) với Nguyễn Huy Hoàng cùng tài năng trẻ lần đầu dự SEA Games Trần Hưng Nguyên, Trần Tấn Triệu cũng chính xác đến 100% và đầy thú vị.
Ngay trước ngày SEA Games 30 khởi tranh, trên trang Facebook cá nhân, ông Hoàng Quốc Huy đăng tải 5 vòng tròn mang hình bánh xe đầy bí ẩn. Sau ngày đầu tiên, chiếc bánh xe thứ nhất đã được ông điền tên “Hoang 400 Fr”, tức tấm HCV của Huy Hoàng ở cự ly 400 m tự do. Cứ thế ông tiếp tục điền tên Huy Hoàng ở cự ly 1.500 m tự do rồi đến Trần Hưng Nguyên ở 200 m hỗn hợp, 400 m hỗn hợp. Cú đúp HCV của Hưng Nguyên gây bất ngờ với nhiều người nhưng không bất ngờ với chuyên gia Hoàng Quốc Huy cùng BHL tuyển bơi Việt Nam. Ở vòng tròn cuối cùng mới là thử thách bởi chỉ còn mỗi Nguyễn Huy Hoàng, Trần Tấn Triệu thi đấu nội dung cuối là bơi đường dài 10 km. Và vòng tròn này cũng được điền tên Tấn Triệu. 

Bơi lội Việt Nam không thể trông chờ mãi vào Ánh Viên và việc đầu tư cho một thế hệ mới bắt đầu gặt hái thành quả. Ngoài tay bơi 16 tuổi Trần Hưng Nguyên trình làng đầy ấn tượng còn có những gương mặt khác như Phạm Thành Bảo, Ngô Đình Chuyền. Đây đều là những VĐV mà theo đánh giá của Ánh Viên sẽ giúp bơi lội Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với đội số 1 khu vực là Singapore trong thời gian tới.

Trang sử mới thể thao Việt Nam

Đặt mục tiêu 65 HCV nhưng thể thao Việt Nam thành công rực rỡ ở SEA Games 30 với 98 HCV, lần đầu qua mặt Thái Lan trên bảng xếp hạng toàn đoàn khi SEA Games tổ chức ở nước trung lập. Không chỉ ẵm cú đúp HCV bóng đá (nam, nữ), thể thao  cũng vượt mặt Thái Lan ở các môn cơ bản, hấp dẫn của Olympic như điền kinh, bơi, quần vợt, cử tạ, TDDC… Hơn hết, cổ động viên Việt Nam có mặt rất đông ở Philippines cổ vũ cho VĐV thi đấu, điều mà các quốc gia trong khu vực không thể sánh bằng.
Cám ơn GoHub đã hỗ trợ nhóm phóng viên Thanh Niên có điều kiện tác nghiệp tốt nhất tại SEA Games 30, giúp công tác truyền dữ liệu từ text, hình ảnh, video clip… luôn suôn sẻ, liên tục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.