Độc môn ám khí

06/04/2010 09:15 GMT+7

Ngay trong giới giang hồ và với các võ lâm cao thủ, hai từ “ám khí” luôn gây nên một cảm giác đáng sợ. Tuy cũng là vũ khí, nhưng với đặc điểm kín đáo, bất ngờ, đa dạng và linh hoạt, độc môn ám khí luôn khiến người ta ghê rợn.

Mai hoa phi tiêu

Ngay trong giới giang hồ và với các võ lâm cao thủ, hai từ “ám khí” luôn gây nên một cảm giác đáng sợ. Tuy cũng là vũ khí, nhưng với đặc điểm kín đáo, bất ngờ, đa dạng và linh hoạt, độc môn ám khí luôn khiến người ta ghê rợn.

Khởi từ hoạt động săn bắn từ thời tiền sử, ám khí không ngừng được cải tiến và phát triển để tính sát thương ngày càng hiệu quả. Từ xa xưa, những người săn thú đã biết sử dụng “phi thạch sách”, tức dùng một đầu dây  buộc viên đá, đầu kia quay trong tay lấy đà quăng viên đá vào đầu mãnh thú. Những thổ dân ở Úc, người Tạng… thường sử dụng phương pháp này, dần dần biến thành lối quăng dây để bắt hoặc thuần phục ngựa, thú và cả trong chiến đấu với đồng loại.

Trong “Hán thư - Lữ Quang truyện” chép rằng Lữ Quang tấn công Tây Vực, trong quân có tướng sử dụng dây quăng vào địch mà bắt, trúng rất nhiều người”.

Người Trung Hoa thời Tiên Tần trong các hoạt động vui chơi đã có môn “đầu hồ”-ném tên ngắn vào mục tiêu. Thời Chiến quốc, những câu chuyện nổi tiếng về hiệp sĩ Chuyên Chư sử dụng “Ngư trường kiếm” - kiếm giấu trong ruột cá để ám sát Ngô Vương, hay Kinh Kha dùng chủy thủ - loại gươm ngắn cực sắc ám sát Tần Thủy Hoàng… đều là những ví dụ sinh động về chiêu thức sử dụng ám khí thời cổ.

Thời Tam Quốc có môn “thủ kích” tức phóng kích rất lợi hại mà Đổng Trác đã từng phóng Lữ Bố khi nghi ngờ có quan hệ với Điêu Thuyền, may mà Bố chạy thoát. “Thủ kích” rất nhỏ, mũi kích nhọn có ngạnh, cán buộc dây nhỏ, dùng một tay ném ra, uy lực rất mạnh. Danh tướng Đông Ngô là Tôn Sách cũng rất tinh thông môn này.

Ám khí phát triển mạnh nhất là vào thời Tống, Nguyên về sau. Các dân tộc du mục như Nữ Chân, Khiết Đan khi chiến đấu với quân Tống, vì cưỡi ngựa nên sử dụng binh khí dài bất tiện, do đó mới phát minh ra các loại ám khí sử dụng ngay trên mình ngựa như lê hoa thương, phi trảo, bối nỗ (nỏ gắn sau lưng). Người Mông Cổ giỏi trong việc sử dụng các loại ám khí đoản tiêu thương, phi đao, càn khôn quyện… Những loại ám khí này được dùng rộng rãi và là nỗi kinh hoàng của các chiến binh châu Âu cũng như Trung Á vốn sở trường về trường thương, đại đao.


Tiêu thương


Càn khôn quyện

Trong “Thủy Hử” tả Hổ Tam Nương sử dụng “Hồng cẩn sáo sách”(dải lụa đỏ mềm) làm công cụ bắt đối thủ. Từ cơ sở đó môn ám khí: binh khí phi qua, phi chùy, lưu tinh chùy hình thành và phát triển. “Võ bị chí” chép rằng: “Môn phi qua bằng sắt, giống như vuốt chim ưng vậy. Dùng dây dài xuyên qua một đầu, dùng người có sức ném vào đối phương rồi kéo về”. Phi chùy tức lưu tinh chùy, chia làm hai loại là cứu mệnh chùy và chính chùy. Lưu tinh chùy sử dụng trong chiến đấu là dùng sợi dây dài 15-17 thước, 2 đầu dây có buộc 1 quả cầu bằng đồng hoặc sắt cỡ quả trứng vịt, giữa dây và quả chùy có chuôi tròn, thắt sợi màu. Có loại đơn lưu tinh chùy thì chỉ buộc một quả ở 1 đầu dây.

Phương pháp sử dụng lưu tinh chùy có các động tác chính là vung, quay, ném, quét. Điều quan trọng là phải khéo léo sử dụng kình lực trong vận động quán tính, các động tác thường theo đường tròn. Khi thâu vào có thể tùy ý cho chùy cuốn vào quanh cổ, thân, chân mà không cần dùng tay hỗ trợ, đạt đến mức “thâu phóng tự như” (phóng ra, thâu vào tùy ý). Thuộc loại binh khí mềm, lưu tinh chùy bề ngoài mềm yếu nhưng bên trong dũng mãnh, trong nhu có cương, lực điểm chính xác, rất lợi hại.

Đời Minh, Thanh, võ thuật Trung Hoa đạt đến giai đoạn tối thịnh, môn ám khí từ thực tế chiến trận bắt đầu du nhập vào dân gian. Đặc biệt đời Thanh, ám khí rất thịnh hành, sĩ nông công thương đều chuộng ám khí. Ám khí đời Thanh có 4 loại chính là thủ trịch (ném bằng tay), cơ xạ (chế bộ phận bắn), sách ty (dây mềm) và dược phún (ống phun thuốc). Loại ném bằng tay nổi tiếng có tiêu thương, phi tiêu, phi đao, càn khôn quyện. Tiêu thương hay ném thương cũng là môn vũ khí thời cổ Hy Lạp, La Mã thường dùng. Có điều, tiêu thương Trung Hoa nhỏ, nhẹ hơn nhiều và thường chế bằng tre gọi là “lăng tiêu”. Người Mông Cổ sử dụng đoản tiêu thương, cán gỗ mũi sắt, dài hơn 1m, thường giắt nhiều cây bên hông ngựa, lúc giáp trận hiệu quả hơn cả cung nỏ vì giương cung chậm, lại phải dùng hai tay

Phi tiêu cũng thường được sử dụng. Phi tiêu có kim tiền tiêu, thoát thủ tiêu 3 cạnh, 7 cạnh, thường dài khoảng 10cm, nặng khoảng 250g.

Thường được sử dụng hơn cả trong các loại ám khí là phi đao. Phi đao có nhiều loại, thủ pháp sử dụng cũng khác nhau, trong đó liễu diệp phi đao thường gặp nhất. Liễu diệp phi đao có 2 lưỡi, hình như lá liễu, thân đao dài 20cm, cán dài 4cm, sống đao dày, lưỡi cực sắc, thường cặp 12 đao thành 1 túi. Ai đã từng đọc truyện kiếm hiệp của Cổ Long hẳn không thể quên nhân vật “Tiểu Lý phi đao” Lý Tầm Hoan với ngón phóng phi đao thần sầu quỷ khốc, bách phát bách trúng.

Những môn ám khí kỳ bí trong võ hiệp Kim Dung

Thiết tật lê: 1 loại ám khí to nặng làm bằng kim loại, được Kha Trấn Ác sử dụng rất thành thục. Ông tuy mù nhưng đôi tai rất thính, nhận biết vị trí đối phương qua tiếng động khi giao đấu, từ đó bắn ra bách phát bách trúng.

Kim Xà Chủy: Do Kim Xà Lang Quân Hạ Tuyết Nghi sử dụng, ám khí này có hình con rắn, ở đầu có 3 ngạnh cắm sâu vào da thịt đối phương. Mỗi chiếc nặng vài lạng vàng, do đó mỗi lần sử dụng là ném đi vài lạng vàng.

Văn Tu Châm: Như tên gọi, loại ám khí này nhỏ nhẹ như râu của con muỗi (văn tu), ném ra không tiếng động, cho nên Ân Tố Tố phải dụ Du Đại Nham đến gần mới thi triển được. Sau đó nàng còn dùng ám khí này bắn mù mắt một hòa thượng Thiếu Lâm khiến cho Trương Thúy Sơn bị nghi oan.

Sinh tử phù: Thiên Sơn đồng mỗ sử dụng Sinh tử phù như một loại ám khí đả huyệt. Bà dùng Bắc minh thần công biến nước thành những mảnh băng nhỏ, phóng ra cấy vào huyệt đạo của đối phương. Băng vào cơ thể lập tức tan chảy ngay nên đối phương chẳng hề nhận ra mình bị trúng ám khí chính xác ở vị trí nào. Sinh tử phù này mỗi năm phải dùng thuốc giải nếu không bị lên cơn ngứa ngáy khắp thân thể, do đó phe hắc đạo mỗi năm phải gặp bà để lấy thuốc giải.

Trong Thiên long bát bộ, nhà sư Hư Trúc cũng dùng sinh tử phù khống chế Đinh Xuân Thu, nhưng lúc đó lại dùng rượu ép thành băng.

Đông tà Hoàng Dược Sư có môn Đàn chỉ thần công, bắn viên sỏi vào đối phương để khống chế huyệt đạo.

Lý Mạc Sầu có Băng Phách ngân châm, ám khí tẩm độc lợi hại vô cùng.

Tiểu Long Nữ và Dương Quá sử dụng Ngọc Phong châm nhỏ như sợi tóc, tẩm nọc độc của loài ong Ngọc Phong.

Hàn Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.