Đời thường của một võ sư huyền thoại - Kỳ 3: Đằng sau biệt danh Ummo

26/10/2011 01:44 GMT+7

Theo lời võ sư Hà Châu kể, thập niên 1950 ông cùng một nhóm võ sư lập đoàn biểu diễn xuyên quốc gia, đến Malaysia, Nhật Bản... biểu diễn công phu võ thuật. Trong đoàn có cả võ sư Minh Cảnh từng vô địch quyền Anh Đông Dương một thời. Chuyến lưu diễn đã lôi cuốn nhiều người cả hâm mộ lẫn hiếu kỳ đến xem, để lại ấn tượng tốt về con người và phong cách võ Việt.

Dùng búa tạ đập vào đầu nát gạch phía dưới - Ảnh: T.L

Theo lời võ sư Hà Châu kể, thập niên 1950 ông cùng một nhóm võ sư lập đoàn biểu diễn xuyên quốc gia, đến Malaysia, Nhật Bản... biểu diễn công phu võ thuật. Trong đoàn có cả võ sư Minh Cảnh từng vô địch quyền Anh Đông Dương một thời. Chuyến lưu diễn đã lôi cuốn nhiều người cả hâm mộ lẫn hiếu kỳ đến xem, để lại ấn tượng tốt về con người và phong cách võ Việt.

>>   Kỳ 2: Con đường khổ luyện

Năm 1990, ông một lần nữa cùng đám đệ tử xuất quân qua Liên Xô (cũ) “đem chuông đi đánh xứ người”. Lần đi này có tổ chức bài bản, quy củ hơn, với nhiều tên tuổi nổi danh của nhiều môn phái lớn như Lê Kim Hòa (Thanh Long võ đạo), Nguyễn Quốc Tâm (taekwondo), Lâm Thành Khanh (Hồng gia La phù sơn)... Đoàn võ thuật Việt Nam lưu diễn một tháng rưỡi, trải dài trên 3 nước Nga, Belarus và Ukraine. Đây là chương trình hợp tác giao lưu văn hóa lần đầu giữa Liên đoàn Nghiên cứu võ thuật phương Đông của nước bạn và Liên đoàn Võ thuật TP.HCM. Sau chuyến đi, có mấy người ở lại dài hạn nhằm truyền bá sâu rộng hơn võ thuật dân tộc như võ sư Lê Kim Hòa, võ sư Lâm Thành Khanh.

Trở lại chuyện võ sư Hà Châu cùng các đệ tử ruột Nguyễn Thành Sang, Nguyễn Thị Kim Loan… đã trình diễn những màn công phu ngoạn mục làm cả nhà thi đấu như muốn nổ tung. Cần nhớ lại giai đoạn này Liên Xô mới có trào lưu glasnost (mở cửa), lần đầu công chúng tận mắt chứng kiến công phu võ thuật đầy lạ lẫm nên sự hâm mộ lên đến cực điểm. Khán giả gần như muốn tràn lên sàn diễn để nhìn rõ những con người bằng da bằng thịt sao lại có khả năng kỳ lạ như vậy. Hàng ngàn bó hoa quăng lên ngập tràn không còn chỗ biểu diễn, đến độ ban tổ chức phải cho tạm dừng, lo dọn dẹp xong mới biểu diễn tiếp được.

Võ sư Nguyễn Thành Sang đương nhiệm trưởng tràng còn nhớ rõ: “Lúc ấy tôi biểu diễn bài đinh ba Diệt hổ bác, Thanh long yểm nguyệt đao. Kim Loan biểu diễn Hồ điệp tử mẫu đao và cùng tôi diễn bài song luyện: ghế ngựa đấu Liễu diệp đao”. Võ sư Hà Châu thi triển các tiết mục để đá lên trán, gáy lót ba cục gạch, dùng búa tạ quai thẳng tay làm bể đá phía trên và nát luôn gạch phía dưới. Cũng tiết mục ấy nhưng ghê người hơn là nghiêng đầu để đá xanh lên thái dương, phía dưới kê gạch đinh, khi búa tạ giáng xuống nhiều khán giả phải lấy tay che mắt vì quá sợ. Các tiết mục hấp dẫn khác gồm dùng tay đóng đinh 10 phân vào ván, dùng hai ngón tay kẹp đinh rút ra hay đập trái dừa khô vào đầu làm vỡ toác trái dừa…

Chương trình ban đầu dự kiến có tiết mục cho xe tải lớn cán qua người nhưng bất thành. Do thời tiết đang chuyển từ cuối thu sang đông trở lạnh, không thể biểu diễn ở sân vận động mà chuyển vô nhà thi đấu. Cửa hẹp, xe tải không thể vào được. Tiếc cho màn trình diễn đã chuẩn bị công phu bị bỏ dở, võ sư Hà Châu đề nghị đưa xe hơi vô chạy cán ngang qua cổ. Nghe trình bày yêu cầu, người trong ban tổ chức của bạn vội xua tay, lắc đầu từ chối vì sợ xảy ra tai nạn chết người.

Ở thành phố Minsk (Belarus), mỗi tối biểu diễn xong, về phòng ai nấy đều mệt mỏi muốn nằm lăn ra ngủ. Rất nhiều người hâm mộ xông thẳng vô phòng xin gặp, có người còn xin vẽ chân dung thầy Hà Châu làm kỷ niệm. Cố chiều lòng người hâm mộ, vị võ sư già vừa ngồi làm mẫu vừa… ngủ gục. Nhiều người tìm cách mời thầy trò về nhà dùng bữa và đem khoe những mẫu vật sưu tập đặc biệt của họ. Đó là mảnh đá, gạch vỡ và những khúc ván gỗ gãy sau buổi biểu diễn được họ giành lấy mang về cất như… báu vật.

Không khí cuồng nhiệt hâm mộ một lần nữa lan qua Ý khi đoàn Việt Nam sang đây biểu diễn năm 1991. Ngoài các tiết mục tuyệt kỹ quen thuộc, võ sư Hà Châu còn chính thức truyền dạy bài Phá sơn quyền nổi tiếng cho các võ sinh người Ý. Đây là bài danh quyền có đòn thế chặt chẽ, sức công phá mạnh, tiết tấu đẹp mắt. Sự có mặt của đoàn võ thuật đã tạo nên sự kiện sôi nổi ở Rome. Đại sứ Việt Nam khi ấy đã đích thân tiếp đoàn và mở tiệc chiêu đãi ngay tại sứ quán. Báo chí Ý hết lời ca ngợi và lần đầu họ dùng từ Ummo (người ngoài hành tinh) để chỉ võ sư Hà Châu. Khi đi trên đường phố nhiều người đã nhận ra ông và hô vang: Ummo, Ummo…

Nhưng phía sau ánh hào quang ấy cũng có lắm chuyện buồn xảy ra. Đó là lần biểu diễn ở một thành phố thuộc nước cộng hòa Ukraine, do học trò phụ diễn đã về trước theo sắp xếp của ban tổ chức, người lạ lên trợ giúp cho thầy không nắm vững kỹ thuật phối hợp. Khi tảng đá bị đập bể, họ không buông tay ra cho đá rơi xuống, lại còn làm động tác vừa giữ vừa cố đẩy cho hai cục đá vỡ liền lại. Cạnh đá sắc như dao đã cứa vùng trán của võ sư Hà Châu làm máu chảy xối xả. Tai nạn ấy đâu phải ai cũng hiểu và thông cảm được.

Khi tôi hỏi mượn vài tấm ảnh, võ sư Nguyễn Thành Sang như ngẩn người ra. Anh nói hồi đó nghèo lắm, có ai mua nổi máy ảnh đâu mà chụp được hình. Lúc có tên trong đoàn đi nước ngoài là sướng lắm rồi, không dám đặt vấn đề tiền thù lao, bồi dưỡng chi hết. Ngày ra sân bay về nước, do tình hình nước bạn lộn xộn, đoàn không lên chuyến bay được dù cầm vé trong tay. Bị bỏ rơi ở cổng sân bay lạnh giá, không ai có một đồng xu dính túi. May mà liên lạc được với một chị lưu học sinh, chị này giúp đưa cả đoàn về ngủ bụi ở một ga xe lửa. Bật cười ngất, Sang còn nói đùa: “Chỉ riêng chuyện đi thoát khỏi Moskva khi ấy có biết bao tình tiết ly kỳ”.

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.