Đời thường của một võ sư huyền thoại - Truyền nhân của võ sư Hà Châu

27/10/2011 01:38 GMT+7

Xưa nay những bậc chân sư luôn có khát vọng tìm kiếm học trò đủ tài đức để truyền lại tuyệt kỹ võ học. Có người cả đời không có duyên gặp trò như mong muốn đành ôm theo tuyệt học về với suối vàng.

Một góc phòng tập và dụng cụ tập luyện của võ sư Hà Châu - Ảnh: T.L

Xưa nay những bậc chân sư luôn có khát vọng tìm kiếm học trò đủ tài đức để truyền lại tuyệt kỹ võ học. Có người cả đời không có duyên gặp trò như mong muốn đành ôm theo tuyệt học về với suối vàng.

Thậm chí khi dạy cả ngàn võ sinh chưa chắc tìm ra người nối được nghiệp thầy. Nhiều bí kíp công phu cứ thế theo năm tháng rơi rụng, nhiều môn võ độc đáo lần lượt thất truyền, mai một dần với thời gian.

Muốn biết sự nghiệp truyền dạy võ công và các thế hệ học trò của võ sư Hà Châu bây giờ ra sao, cần trở lại một chút về thân thế của ông. Vốn xuất thân trong một gia đình tư sản giàu có nổi tiếng ở miệt Ba Xuyên - Sóc Trăng, nhà ông có đến 3 trại cưa lớn. Thời kháng chiến chống Pháp, cha của ông đã bí mật ủng hộ và tiếp tế cho Việt Minh. Khi sự việc bị lộ, lính Pháp đã thẳng tay đốt sạch các trại cưa và tịch thu gia sản. Cả gia đình ông chạy lên Chợ Lớn lánh nạn với bàn tay trắng. Trong cơn bức bách, ông đứng ra lập đoàn lân Dũng Nghĩa Đường, kết hợp với biểu diễn công phu với mục đích mưu sinh.

Trong số những môn sinh đi theo đoàn lân ngày ấy, bây giờ chỉ còn lại Tạ Hòa ở độ tuổi 80, hiện đang sống ở Gò Vấp. Sức khỏe của “cụ” học trò bây giờ cũng yếu lắm rồi. Một đại đệ tử tên Gấm ở Thủ Thừa, Long An đã lâu không liên lạc được. Nhiều đệ tử theo ông hồi thập niên 1960 cũng lần lượt giải nghệ hoặc ly tán với dâu bể cuộc đời. Đắng cay với thế thái nhân tình, ông xoay ra làm đủ nghề, có lúc làm giám học, thợ cơ khí và nhiều khi… thất nghiệp. Thời gian ông vắng bóng giang hồ chính là lúc lưu lạc tha phương, không đệ tử, không người thân bên cạnh.

Mãi đến năm 1985 mới thấy ông dẫn một đoàn mấy chục người lên biểu diễn tại xã An Phú, H.Thủ Đức (TP.HCM) và sau đó… rã đám. Tình hình tài chính lúc ấy kiệt quệ đến mức ông không có khả năng đi đâu được nữa. Trưởng ban thông tin văn hóa xã Nguyễn Văn Đức thấy vậy thương tình cho ông ở lại nhà văn hóa, tạm thời cung cấp lương thực cho ông sống qua ngày.

Tình trạng này nếu kéo dài cũng không ổn nên anh Đức mới bàn với em trai Nguyễn Thành Sang đưa ông về căn nhà riêng còn bỏ trống kế bên nhà văn hóa. Do mến mộ tài năng của thầy, một tháng sau Nguyễn Thành Sang làm lễ bái sư, cùng học có Phạm Cường, Nguyễn Văn Tài. Đó chính là lớp học trò đầu tiên sau năm 1975 học có hệ thống, bài bản. Mấy năm sau có Nguyễn Thị Kim Loan, Hồ Văn Lý, Thành Kim Tài, Trương Gia Quỳnh…

Đây cũng là thời kỳ võ sư Hà Châu có cuộc sống tương đối ổn định, tiếng tăm lại bắt đầu vang xa, học trò tìm đến rất nhiều. Uy tín của ông càng tăng lên khi Hội Võ cổ truyền TP.HCM vừa thành lập đã mời ông làm cố vấn ban chấp hành. Bất ngờ năm 1990, vị chủ tịch xã nhiều lần thấy ông biểu diễn cho là sử dụng bùa chú liền ra lệnh trục xuất. Gia đình thầy lúc ấy làm gì có hộ khẩu nên phải chấp hành. Đám học trò lại bàn nhau đưa thầy qua tạm trú tại xã An Khánh gần bên. Có độ quẫn bách quá ông đã tính chuyện lui về quê, may có người học trò từ Bỉ về giúp mua căn nhà nhỏ bên cạnh như đã nói.

Người học trò lớn nhất hiện nay là võ sư Nguyễn Thành Sang vừa tổ chức tang lễ cho thầy xong, nói mà lòng ngậm ngùi: “Thời bao cấp đời sống khó khăn lắm, tập luyện trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Theo thầy rong ruổi khắp nơi mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Tuy vậy tình thầy trò luôn gắn bó keo sơn, mọi người chung tay góp sức lo cho thầy những khi bĩ cực”.

Võ sư Sang là người theo học được ở thầy nhiều môn công phu cũng như nắm vững hệ thống quyền pháp cấp cao như Hổ hạc song hình, Phá sơn quyền, Ngũ hình quyền… cùng nhiều bài binh khí đặc dị. Anh cũng thẳng thắn thừa nhận đám môn sinh sau này chưa có ai luyện nổi những tuyệt kỹ như thầy. Tuy vậy, khi tham gia đội tuyển thi đấu, anh đã giành được nhiều huy chương vàng, bạc tại các giải vô địch toàn quốc. Hiện nay anh là Trưởng ban thi đấu Hội Võ cổ truyền TP.HCM, trọng tài - giám khảo quốc gia…

Võ sư Hà Châu ra đi không giao quyền chấp chưởng cho ai. Ngay cả pho nội công bí quyết mà ông dự định biên soạn để lại cho hậu thế cũng không thành. Căn nhà học trò mua cho đã bị giải tỏa khoảng 2 tháng nay, cuối đời cả gia đình lại lần nữa dắt díu nhau đi thuê nhà ở khu vực đường Trần Não. Ông đã trở về cát bụi thật nhẹ nhàng, thanh thản, dù bỏ lại phía sau biết bao điều ngổn ngang. Các học trò chí cốt của ông đang dự định sẽ bầu một ban điều hành võ phái, thực hiện tâm nguyện của thầy gìn giữ những tinh hoa, đóng góp nhiều hơn nữa vào kho tàng võ học cổ truyền dân tộc.

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.