Đời thường của những võ sư nổi tiếng - Kỳ 7: Tay đấm một thời vang bóng

29/10/2011 23:31 GMT+7

Tại SEAP Games 1973 trên đất Singapore, lần đầu tiên có một tay đấm Việt Nam ra trận không biết sợ là gì để mang về chiếc huy chương đầu tiên cho đất nước.

Tại SEAP Games 1973 trên đất Singapore, lần đầu tiên có một tay đấm Việt Nam ra trận không biết sợ là gì để mang về chiếc huy chương đầu tiên cho đất nước.

>> Kỳ 6: Những lần thượng đài chấn động

Trận đấu quyền Anh ở hạng cân 48 kg tại SEAP Games lần 7 đến hồi gay cấn. Hai võ sĩ so găng quyết liệt. Tay đấm Việt Nam hơi nhỏ con, thấp hơn đối thủ Malaysia gần một cái đầu, sải tay ngắn nên phải dùng phương pháp áp sát. Tận dụng vóc dáng “thấp bé” của mình di chuyển liên tục, anh thoát khỏi sự kèm cặp của đối phương để tung đòn. Những cú đánh như sao quả tạ khiến đối thủ dính đòn mất thăng bằng, máu me túa ra. Vào giờ nghỉ giữa hiệp, sau khi hội ý và xem xét tình hình không thể cầm cự lâu hơn, lãnh đội Malaysia đã xin trọng tài cho thua cuộc. Và người hùng trận đấu ấy không ai khác chính là Phan Văn Quyền (Minh Thành con). Nhớ lại, ông cười xòa: “Thú thật lúc ấy mình ở thế bất lợi nhưng được cái mình có sức chịu đựng khá và phản đòn nặng nên mới “uýnh” đối thủ te tua. Hôm sau đứng nhìn võ sĩ Malaysia bịt băng trắng đầu, thất thểu xách va li về nước, tự dưng thấy mình… giỏi thiệt”.

 
Võ sư Minh Thành con (trái) luôn miệt mài giúp cho quyền Anh TP.HCM - Ảnh: T.L 

Võ sư Minh Thành con mời chúng tôi đến thăm căn phòng nhỏ mà ban huấn luyện dành riêng để làm nơi ở trên tầng cao nhất khu tập luyện Phú Thọ, TP.HCM. Ông đang thanh thản nằm trên chiếc giường tầng, mặc cho gió len vào cửa sổ lật nhè nhẹ từng sợi tóc đã chớm bạc. Ông bắt đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn: “Tôi chào đời năm 1956 tại Campuchia, cha là võ sư nên ngay từ nhỏ máu con nhà võ đã chạy rần rật trong người. Vì boxing mà cả nhà tôi từng có thời phải đói dài. Mà không thiếu ăn sao được khi các thành viên đều mê võ. Cha tôi ra lệnh làm gì làm, 4 giờ chiều là phải bỏ hết để tập quyền Anh. Chỉ khổ cho mẹ tôi phải lam lũ một đời “gánh” cả niềm đam mê của chồng con trên lưng. Ấy thế mà mẹ tôi chưa bao giờ than thở nửa lời, thiếu ăn thiếu mặc nhưng vẫn vui, hạnh phúc vì thỏa được đam mê của chồng con”. Ông kể tiếp: “Nghĩ lại mới thấy thương mẹ vô cùng. Nếu ngày ấy mẹ tôi phản đối thì có lẽ sẽ không có một Minh Thành cha lừng lẫy và Minh Thành con như hôm nay”.

Mỗi khi nhà hết gạo, sau buổi tập anh em ông phải ăn khoai, ăn sắn thay cơm. Đến nỗi Phan Thiện Tư - em kế ông lúc đó đang là vận động viên đội điền kinh thường đợi anh em trong đội ăn xong mới lặng lẽ gói ghém mang về cho gia đình. Minh Thành con bộc bạch: “Nếu như đối với người khác, gánh nặng cơm áo kia có thể đánh đắm con thuyền nhiệt huyết thì trong gian nan cơ cực, ngọn lửa quyền Anh vẫn được cha con tôi giữ vững. Bất kể ngày nắng hay mưa, những hôm lễ lạt, mấy cha con vẫn cùng nhau chạy huỳnh huỵch trên con đường đất gần nhà, đấm bao cát và tập luyện đối kháng”. Trời không phụ lòng người, các anh, em ông như Phan Văn Sáu, Phan Văn Mười đều là những võ sĩ danh tiếng.

Để có được Minh Thành con của ngày hôm nay, ông phải trải qua thời gian tập luyện khắc nghiệt dưới sự huấn luyện của cha. Những tưởng học với cha sẽ dễ chịu, nào ngờ võ sư Minh Thành (cha) rất nghiêm khắc. Nhờ áp dụng kỷ luật thép mà Phan Văn Quyền tiến bộ nhanh chóng. Gần cha, nên những đòn thế từ cơ bản đến phức tạp đều được ông truyền dạy một cách kỹ lưỡng. Hơn 6 tháng sau ông thượng đài lần đầu tiên, cậu nhóc ngày nào chỉ cần đúng 30 giây đã hạ knock-out đối thủ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Nhìn thấy tiềm năng vô tận ở con, người cha càng quyết tâm thúc đẩy con mình nâng cao cường độ luyện tập hơn nữa. Minh Thành con hào hứng kể: “Ba tôi có phương pháp tập luyện rất đặc biệt, ai không theo được ắt hẳn phải bỏ nghề”.

Để luyện thể lực và sức chịu đòn cho con trai, ngoài hình thức “nhẹ” là cho chạy hàng chục cây số mỗi ngày, ông còn cho con thượng đài một mình chống 3 đối thủ. Người này vừa bị đánh bật ra thì ngay lập tức người khác nhập cuộc. Bài tập này giúp tăng sức bền, khả năng chịu đòn, yếu tố cực kỳ quan trọng đối với một tay đấm. Bên cạnh đó, sư phụ còn yêu cầu ông thượng đài với các võ sĩ ở các hạng cân nặng để tập sự nhanh nhẹn, xoay xở trước các đối thủ mạnh.

Phan Văn Quyền lên đài và không cho các đối thủ một cơ hội nào để thắng. Minh Sơn, tay đấm tiếng tăm lúc đó, nghe danh nổi như cồn của cậu nhóc mới mười mấy tuổi đã lên tiếng thách đấu. Trận thứ nhất, do còn bị khớp trước đối thủ tên tuổi, Minh Thành con để thua điểm. Đến trận tái đấu sau đó, chính Minh Sơn cũng không ngờ lại bị “cậu nhóc” chiến thắng một cách dễ dàng.

Được chọn lên tuyển tham dự kỳ SEAP Games lần thứ 7 tại Singapore với bao bỡ ngỡ nên khi lên đài, ông cứ ra đòn theo bản năng mà không theo bất cứ sự chỉ đạo chiến thuật nào. Sau khi hạ thuyết phục nhà vô địch 7 năm liền của Malaysia, võ sĩ Việt Nam bước vào trận bán kết gặp VĐV Thái Lan. Đối thủ có lối đánh rất khó chịu, nhanh nhẹn áp sát và ra đòn tay có lực nặng. Với bản lĩnh được trui rèn, Minh Thành con khôn khéo nắm bắt tình hình và đáp trả bằng những đòn vũ bão. Trận đấu bắt đầu chưa bao lâu, ông đã đấm ngã đối thủ về sát góc võ đài. Khi trọng tài bắt đầu đếm đến tám thì võ sĩ Thái Lan lồm cồm ngồi dậy. Trận đấu lại tiếp tục. Thấy đối phương yếu thế, ông hùng hổ xông tới một cách vội vã với ý định hạ gục. Và trong một lần hai bên lao vào, ông bị đầu của đối thủ đập vào mí mắt, rách một đường dài, máu chảy vào mắt. Trọng tài xử thua tức tưởi.

Ông tiếc rẻ: “Ngày ấy còn quá trẻ, thấy đối thủ yếu thế nên nôn nóng lao vào một cách mất kiểm soát nhằm hạ knock-out ngay. Nếu có cha tôi theo để chỉ đạo, mọi sự đã khác rồi”.

Công Sơn - Hồng Sĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.