Đời vận động viên: Lận đận như Lê Đình Thăng

13/11/2015 07:09 GMT+7

Cùng với danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, trung vệ Lê Đình Thăng đã tạo nên hàng phòng ngự vững chắc đưa đội bóng đá Cảng Sài Gòn giành ngôi vô địch TP.HCM và toàn quốc.

Cùng với danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, trung vệ Lê Đình Thăng đã tạo nên hàng phòng ngự vững chắc đưa đội bóng đá Cảng Sài Gòn giành ngôi vô địch TP.HCM và toàn quốc.

Lê Đình Thăng (phải) trong giải bóng đá cựu danh thủ 3 miền trên sân Thống Nhất, TP.HCM năm 2014 - Ảnh: N.Quang
Lê Đình Thăng (phải) trong giải bóng đá cựu danh thủ 3 miền trên sân Thống Nhất, TP.HCM năm 2014 - Ảnh: N.Quang
Sau khi đội đăng quang, ông giải nghệ và sống quãng đời vất vả.
Khó vượt ải Ba Thăng
Lê Đình Thăng là trung vệ thép nổi danh trong màu áo Cảng Sài Gòn (CSG), khi đội bóng được thành lập vào tháng 11.1975. Thân hình mảnh khảnh (cao 1,71 m, nặng 51 kg), Thăng di chuyển nhanh nhẹn, đeo bám như đỉa và bật rất cao, luôn khiến nhiều tiền đạo ngán ngại. Thăng mang áo số 3 nên hay được gọi là “Ba Thăng”. Khi thi đấu, Ba Thăng không dùng sức quá nhiều như một số trung vệ khác mà luôn khôn khéo cản phá nhẹ nhàng và bọc lót kín kẽ để lấy bóng. Đá dập hay chơi thòng, Thăng đều thể hiện tư duy chơi bóng khôn ngoan của mình. Bởi vậy, Thăng cùng Tam Lang hợp thành cặp trung vệ lừng danh.
Sau khi CSG đăng quang giải quốc gia 1986, Ba Thăng xin nghỉ. Ban giám đốc CSG có bố trí cho các cựu cầu thủ làm bốc xếp ở các cảng nhưng ông Thăng tự thấy không còn đủ sức khỏe nên không nhận. Trước khi theo bóng đá, ông Thăng đã học xong lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) nên ông có nguyện vọng đi học khóa ngắn hạn để về làm ở phòng tài vụ hoặc tham gia công việc khác trong đơn vị, nhưng không được chấp nhận. Hoàn cảnh gia đình ông lúc đó lại rất khó khăn, con nhỏ bị đau đường ruột nên uống sữa bình thường thì nôn ra hết, bác sĩ yêu cầu phải cho cháu uống sữa Guigoz của Pháp.
Vì vậy, ông phải ra các hàng quán ở lề đường Nguyễn Thông tìm và bấm bụng mua từng kg với giá lên đến 1 chỉ vàng, về nhà trộn với sữa thường cho con bú. Rời khỏi CSG, ông không được nhận lương hưu hằng tháng mà chỉ có khoản tiền trợ cấp một lần. Khoản tiền ấy cũng vơi đi rất nhanh nên ông đành hứa với vợ “em cứ tập trung chăm con, để anh ra ngoài... quậy cho ra tiền”. Và ông quyết tâm bung ra đường, làm đủ thứ nghề.
Làm đủ nghề để kiếm sống
Chẳng có vốn liếng, khi rời bóng đá lại chẳng có nghề ngỗng gì, ông Thăng rất lúng túng. Ban đầu ông làm nhiều công việc có tính chất “chạy chợ” từ các nguồn hàng trong cảng tuồn ra ngoài, sau đó mới dừng lại khá lâu với việc chở hàng cho những người buôn bán ở chợ Tôn Thất Đạm. Thời đó, người có hộ chiếu được mua một số mặt hàng ở Intershop rồi đem bán lại, ông nhận chở các thùng chứa thuốc lá “ba số” (hiệu 555) đến các sạp hàng bán lẻ. Tùy theo lúc nhận hàng, dù trời nắng như bốc lửa hay mưa xối xả vào người, ông vẫn phải căng mắt lên để chạy đưa hàng bảo đảm đúng giờ hẹn với người bán. Cuối ngày, ông giao tiền cho chủ hàng để được trả lại tiền công 5 cắc mỗi cây thuốc. Có lúc ông lại chuyển sang ráp xe cho các chủ cửa hàng bán xe đạp. Tay nghề không có, ông chịu khó học người này người khác rồi dần dần cũng biết cách siết từng con ốc sao cho chắc và ráp các bộ phận để ăn khớp với nhau, công ráp mỗi chiếc khoảng hơn 10 đồng.
Sang thập niên 1990, ông Thăng chuyển qua phụ buôn bán giày dép với người quen và lại tập tành đủ thứ “nghiệp vụ” của nghề mới. Với nghề này, cuộc sống của ông đỡ vất vả hơn trước. Thế nhưng, đến đầu năm 2000, người chủ tiệm giày chấm dứt kinh doanh nên ông lại phải nghỉ.
May sao, năm 2002, đội chủ nhà TP.HCM thắng đội Hà Nội trong trận chung kết bóng đá nữ quốc gia năm 2002 trên sân Q.8 khiến người dân đến xin tập bóng đá ở quận này rất đông. Ông Thăng kể: “Để huấn luyện bài bản cho người tập, ông Dương Tấn Nhứt - Giám đốc Trung tâm TDTT Q.8 - đã kéo các cựu cầu thủ có kinh nghiệm như tôi, Bùi Thái Châu... về huấn luyện và tổ chức thi đấu. Sân bóng Q.8 trở thành sân chơi bóng đá cho đông đảo mọi lứa tuổi tham gia”. Hiện nay, dù tuổi đã cao, “anh Ba Thăng” vẫn lo điều hành thi đấu ở sân Q.8 và cho rằng mình còn có may mắn. Ông nói, nếu lãnh đạo biết nghĩ đến “đầu ra” phù hợp cho anh em khi nghỉ đá bóng thì anh em bớt khổ cực hơn nhiều!
Lê Đình Thăng (sinh năm 1949 tại Cần Thơ) tham gia đội tuyển bóng đá miền Nam trước 1975. Sau giải phóng, thi đấu cho đội CSG đến năm 1986, giành hạng nhì giải Cửu Long, nhiều ngôi vô địch A1 TP.HCM, vô địch quốc gia năm 1986.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.