Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 2: Hành xác vì du đấu

15/11/2013 09:00 GMT+7

Châu Á hiện được xem là “mỏ vàng” cho các “đại gia” châu Âu tổ chức du đấu để “khai thác” sau khi mùa giải kết thúc. Thế nhưng, đằng sau những đồng tiền xem ra dễ kiếm lại là nỗi ám ảnh, hay một cuộc hành xác với những chuyến đi vất vả, thậm chí đôi khi làm thiệt hại danh tiếng của các đội bóng.

Châu Á hiện được xem là “mỏ vàng” cho các “đại gia” châu Âu tổ chức du đấu để “khai thác” sau khi mùa giải kết thúc. Thế nhưng, đằng sau những đồng tiền xem ra dễ kiếm lại là nỗi ám ảnh, hay một cuộc hành xác với những chuyến đi vất vả, thậm chí đôi khi làm thiệt hại danh tiếng của các đội bóng. 

>> Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá

Lionel Messi ngủ trên bàn họp báo trong chuyến du đấu “bão táp” ở châu Á năm 2010 - Ảnh: AFP

Lionel Messi ngủ trên bàn họp báo trong chuyến du đấu “bão táp” ở châu Á năm 2010
- Ảnh: AFP
 

Những “ông lớn” của Ngoại hạng Anh như M.U, Liverpool hay Chelsea... có một “thị phần” khá lớn người hâm mộ ở châu Á. Họ cũng là những đội bóng đi mở thị trường ở châu lục này trong những năm 1990. Vì thế, những chuyến du đấu nhằm xây dựng thương hiệu và tạo thêm nguồn thu nhập không nhỏ (chi phí du đấu, doanh thu bán hàng, bản quyền truyền hình...) đã nằm trong chiến lược của nhiều đội bóng hàng đầu của Ngoại hạng Anh. Họ dần tích tụ được nhiều kinh nghiệm để đạt thành công trong các chuyến du đấu, khi ngoài trận đấu giao hữu, các ngôi sao thường được sắp xếp tham gia các cuộc giao lưu, phỏng vấn, các buổi đào tạo trẻ và những hoạt động bên lề một cách nghiêm túc.

Sự thành công của các đại gia Ngoại hạng Anh lập tức đánh động những đội bóng hàng đầu của La Liga, Serie A, Bundesliga hay Ligue 1. Lần lượt Real Madrid, Barcelona, AC Milan, Juventus, Inter Milan, Napoli, Hamburg, Bayern Munich và Paris Saint-Germain bắt đầu lên kế hoạch “tấn công” châu Á, biến châu lục này thành một “tour” ưa chuộng nhất thế kỷ 21 của các “ông lớn” châu Âu. Dẫu vậy, không phải tất cả người hâm mộ châu Á cảm thấy vui mừng vì điều đó khi các công ty tổ chức nhân cơ hội để tăng giá vé vào sân ở mức cao gấp 5 - 10 lần so với giá vé các trận đấu ở địa phương, trong khi thực tế cho thấy các đại gia châu Âu ít khi để lại dấu ấn bằng những trận đấu đẹp mắt, hấp dẫn ở những chuyến du đấu.

Nỗi ám ảnh du đấu

Real Madrid từng được trả đến 37 triệu USD cho chuyến bay đến Kuwait để đá một trận giao hữu vào mùa hè năm 2011, hay như Bayern Munich cũng bỏ túi 6 triệu USD cho chuyến du đấu Trung Quốc vào năm ngoái. Thế nhưng, không ít những chuyến du đấu như thế đã để lại nỗi ám ảnh, thậm chí làm thiệt hại danh tiếng cho các đội bóng lớn của châu Âu. Nguyên nhân chính xuất phát từ chuyện một số đội bóng xem thường người hâm mộ và quan chức địa phương (những người bỏ tiền mua vé và tổ chức các sự kiện) bên cạnh văn hóa phương Đông vốn rất nhạy cảm với người phương Tây.

Đỉnh điểm là 2 vụ “tai nạn” trong chuyến du đấu châu Á của Real Madrid và Barcelona. Năm 2005, Real Madrid - thời điểm đang sở hữu hàng loạt siêu sao Beckham, Zidane, Raul, Figo, Ronaldo và Owen - đến Bắc Kinh (Trung Quốc) với mục tiêu “tiền” là thứ yếu, còn “đặt nền móng tương lai” là quan trọng nhất. Thế nhưng, “kền kền trắng” đến và đi trong sự chỉ trích kịch liệt của truyền thông và người hâm mộ địa phương khi liên tục trì hoãn, hủy bỏ buổi họp báo và các sự kiện công cộng mà không hề có lời giải thích hoặc xin lỗi. Ngay sau đó, Tân Hoa xã - hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, nói: “Real Madrid đã tỏ một thái độ khinh bỉ và kiêu ngạo. Có phải họ chấp nhận đổi danh tiếng của mình bằng 4 triệu USD?”.

Chuyến du đấu Hàn Quốc của Barcelona vào năm 2010 còn tệ hơn. Ngoài việc không có những ngôi sao của World Cup 2010 (gồm: David Villa, Andres Iniesta, Carlos Puyol, Xavi), đội bóng xứ Catalan còn để lại sự tức giận cho người hâm mộ và quan chức bóng đá xứ sở kim chi khi đáp chuyến bay đến Bắc Kinh ngay sau khi đá trận giao hữu thắng đội Các ngôi sao của giải K-League với tỷ số 5-2. Sự tức giận càng lên tột đỉnh sau một cuộc phỏng vấn chóng vánh với Lionel Messi và Dani Alves tại sân bay Seoul. Khi được hỏi cảm tưởng về lần đầu tiên đặt chân đến Hàn Quốc, hậu vệ tuyển Brazil Alves nói trong vô thức: “Brazil từng đối đầu với Hàn Quốc ở World Cup và họ là một đội bóng tốt!”, còn Messi thì trả lời: “Tôi không nhìn thấy gì cả và tôi không biết mình đang ở đâu. Những gì tôi cảm thấy là quá mệt mỏi”.

Bán nguyên tắc đổi lấy tiền

Trong thời gian gần đây, những đội bóng hàng đầu châu Âu liên tục phản ứng việc các cầu thủ trụ cột của họ kiệt sức và dính chấn thương do phải thi đấu với mật độ quá dày trong một mùa giải. Theo họ, một trong những nguyên nhân chính là việc FIFA đã lên lịch thi đấu giao hữu các tuyển quốc gia quá nhiều. Vì vậy, các đội bóng đã làm mọi giá để bảo vệ cầu thủ của mình khi khiếu nại lên FIFA yêu cầu giảm số lượng trận đấu giao hữu quốc tế. Hành động trên dường như trở thành một nguyên tắc và một chiến lược của mỗi đội bóng trong một mùa giải. Sau đó, cuộc đàm phán giữa Hiệp hội Các đội bóng châu Âu (ECA) với FIFA đạt được thỏa thuận giảm 1/3 số trận đấu giao hữu quốc tế, bên cạnh việc cơ quan đứng đầu bóng đá thế giới phải trả lương cho cầu thủ được gọi vào tuyển quốc gia và trả tiền bồi thường nếu bị chấn thương.

ECA ca ngợi hành động của FIFA là một bước đột phá giúp các đội bóng bảo vệ được các cầu thủ tránh bị kiệt sức. Nhưng ngược lại, ECA có lẽ không tự hỏi về việc bản thân các đội bóng đã góp phần khiến các cầu thủ của mình kiệt sức sau các chuyến du đấu xa xôi khắp năm châu. Câu trả lời đơn giản là vì “tiền”. Điều đó dẫn đến một sự mâu thuẫn khi các đội bóng một mặt “chiến đấu” với FIFA và liên đoàn quốc gia để bảo vệ cầu thủ, nhưng sau đó lại bán những nguyên tắc để đổi lấy tiền.

Nguyên Khoa

>> Lionel Messi hướng đến kỷ lục mới
>> Lionel Messi chính thức làm... cha
>> Lionel Messi đánh giá thấp PSG
>> Lionel Messi số 1 mọi thời đại?
>> Hat-trick Quả bóng vàng cho Lionel Messi?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.