Đưa bóng đá vào trường học: Cũng là một giấc mơ

10/03/2012 03:54 GMT+7

Nghe những chia sẻ của HLV Chikara Shoji (chuyên gia bóng đá trẻ Nhật Bản, một trong những người thầy của tiền vệ Kagawa) về bóng đá học đường ở Nhật, không khỏi mơ cho bóng đá VN.

Nghe những chia sẻ của HLV Chikara Shoji (chuyên gia bóng đá trẻ Nhật Bản, một trong những người thầy của tiền vệ Kagawa) về bóng đá học đường ở Nhật, không khỏi mơ cho bóng đá VN.

Thật ra không chỉ ở môn bóng đá tại Nhật, mà tất cả môn thể thao khác ở các nước tiên tiến, nguồn cung cấp tài năng cho thể thao đỉnh cao đều ở trường học. Vì vậy, trong dự thảo chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, những người soạn thảo cũng cho rằng cần phải nhanh chóng đưa bóng đá vào trường học. Chỉ có thế mới hi vọng bóng đá phát triển mạnh mẽ được.

Tuy nhiên, đã có nhiều vị hiệu trưởng của các trường phổ thông cười và bảo rằng các nhà làm thể thao chẳng hiểu biết gì về thực trạng giáo dục ở nước ta. Khi nghe có nhiều trẻ em chết đuối, ông làm bơi lội gào lên “phải đưa bơi lội vào trường học”. Nghe học sinh bây giờ yếu ớt, thiếu kỹ năng tự vệ, ông Vovinam nhanh nhẩu “phải đưa Vovinam vào trường học”. Tương tự, từ ông quần vợt, bóng chuyền, cầu lông, cờ vua... đều kêu gào Bộ Giáo dục - đào tạo phải ưu tiên đưa bộ môn của mình vào chương trình học trong nhà trường. Và bây giờ thêm ông bóng đá.

 
Sân chơi của học sinh Trường tiểu học Lý Thái Tổ (Q.8, TP.HCM) chỉ là khoảng hẹp ở hành lang - Ảnh: Minh Đức

Ai cũng đòi đưa vào, nhưng chẳng ai chịu nhìn thực trạng cơ sở vật chất của trường học hiện nay như thế nào. Có vô số trường mà học sinh giờ ra chơi chỉ đứng nhìn nhau là chính. Thậm chí nhiều trường còn nêu trong nội quy rằng: Cấm chạy nhảy! Đơn giản bởi sân chơi thì nhỏ (thậm chí không có) và đều láng ximăng, nên học sinh chạy nhảy sẽ rất nguy hiểm. Mới năm ngoái, các hiệu trưởng đã la hoảng về một quy định trong thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục - đào tạo với Bộ Y tế: “Trường học phải dành 40-50% diện tích làm sân chơi, sân tập cho học sinh!”. Quy định đó họa may chỉ có một số ít trường học ở ngoại thành đáp ứng được.

“Không có sân thì đi thuê, như cách Trường Đạt Đức đã làm và trở thành trường có đội bóng học sinh mạnh nhất Sài Gòn trước đây” - đã có người nói như vậy. Đúng là Trường Đạt Đức nhỏ thật và đã thuê mặt bằng làm sân ở Gò Vấp cho học sinh của mình đá bóng. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Thời Sài Gòn chỉ có 1-2 triệu người, nhưng sân đá bóng thì đầy dẫy với Phú Thọ, Kỵ Mã, Lam Sơn, sân golf Phú Nhuận, sân Tao Đàn... Bây giờ, dân đông gấp 5 lần và sân thì bị làn sóng địa ốc cuốn phăng mất cả nên chuyện đưa bóng đá vào trường học là viển vông. Tương tự, Hà Nội cũng thế, khi nhiều trường còn phải tổ chức chào cờ ngoài đường phố mà bàn đưa thể thao vào nhà trường là chuyện không khả thi.

Bên cạnh khó khăn về mặt bằng, còn có khó khăn khác là chương trình học quá nặng nề của học sinh. Những ai từng tham quan, tìm hiểu trường học ở các nước tiên tiến sẽ thấy học sinh phổ thông chơi nhiều hơn học. Chuyện chơi thể thao chiếm thời lượng không kém chuyện học chữ. Trong khi đó ở VN, đố phụ huynh nào ở các thành phố lớn dám khuyến khích con mình bớt học để chơi thể thao!

Vì vậy, đưa thể thao nói chung, bóng đá nói riêng vào học đường một cách thực chất là câu chuyện không hề nhỏ, không hề dễ chút nào. Vậy nhưng, trong chiến lược phát triển của các môn thể thao, ai cũng nói chuyện này nhẹ nhàng như hơi thở. Chúng ta thấy người Nhật làm được và nghĩ mình cũng làm được, nhưng quên rằng khi họ thực hiện thì đã là một cường quốc của thế giới.

Vì vậy, chuyện phát triển bóng đá trong trường học như dự thảo chiến lược phát triển bóng đá VN đề cập cũng là một giấc mơ chẳng khác nào mơ có mặt ở vòng chung kết World Cup 2030.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.