Đường đời đầy nước mắt của cựu 'nữ hoàng điền kinh' Vũ Bích Hường: Không đơn độc trước... nghiệp chướng

26/06/2015 09:43 GMT+7

(TNO) Giữa những ngày chống chọi giữa những cơn đau, cựu 'nữ hoàng điền kinh' Vũ Bích Hường không cô đơn, chị nhận được rất nhiều yêu thương của ban huấn luyện, đồng nghiệp, các học trò và những người bạn muôn trùng xa cách.

(TNO) Giữa những ngày chống chọi giữa những cơn đau, cựu 'nữ hoàng điền kinh' Vũ Bích Hường không cô đơn, chị nhận được rất nhiều yêu thương của ban huấn luyện, đồng nghiệp, các học trò và những người bạn muôn trùng xa cách.

toi-tap-yeu-thuong-gui-ve-cuu-nu-hoang-dien-kinh-Vu-Bich-HuongCựu "nữ hoàng điền kinh" bên tấm HCV SEA Games 1995 - Ảnh: Lê Nam
Chị gặp tai nạn vào 20 tháng Chạp trước Tết nguyên đán 2015, định bụng cứ thế một mình cắn răng giữa những nỗi đau của thể xác và tinh thần, cho đến một ngày, người bạn làm ở một tờ báo sau khi thuyết phục không được đã “len lén” đăng bài về hoàn cảnh chị. Người ta sốc, ngỡ ngàng, cảm động bởi lúc ấy mới biết, sao cựu "nữ hoàng điền kinh Việt Nam" lại có đường đời đầy nước mắt như thế.
Chiếc áo truyền sức mạnh
Bước vào nhà Vũ Bích Hường, thấy ngay trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở quận Long Biên, Hà Nội chiếc áo số 10 của tuyển thủ Công Phượng treo rất trang trọng. Chiếc áo thi đấu có đầy đủ chữ ký của HLV Miura và các học trò U.23 Việt Nam được tận tay Công Phượng cùng Quế Ngọc Hải, Võ Huy Toàn trao cho Bích Hường hôm 23.6 vừa qua.
Quế Ngọc Hải, đội trưởng U.23 Việt Nam chia sẻ với Thanh Niên Online: “Chúng tôi thương cô nhưng không biết làm sao. Chỉ có món quà tinh thần là chiếc áo, mong cô nhìn nó mỗi ngày để lạc quan hơn, mạnh mẽ hơn, chiến đấu với bệnh tật”.
toi-tap-yeu-thuong-gui-ve-cuu-nu-hoang-dien-kinh-Vu-Bich-HuongQuế Ngọc Hải, Công Phượng, Võ Huy Toàn tặng chiếc áo có đầy đủ chữ ký của HLV Miura và các tuyển thủ U.23 Việt Nam động viên Vũ Bích Hường - Ảnh nhân vật cung cấp
“Mong cô sớm khỏe, mặc quần bò và chạy vượt rào”
Trước khi SEA Games 28 diễn ra, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh đã cùng một số bạn bè của Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội tới nhà của cô Nguyễn Bích Hường hỏi thăm và quyên góp một số tiền nhỏ đưa cho cô chữa bệnh. Với Oanh, Bích Hường là cô giáo, là chị, là mẹ. Trong 2 năm 2012, 2013, đây là người HLV nhiệt huyết, nghiêm khắc của Oanh và nhiều bạn trẻ tại Trung tâm trên phố Trịnh Hoài Đức.
“Điều ấn tượng với tôi đến bây giờ là hình ảnh cô Hường trong giờ tập, cô mặc quần bò, chạy vượt rào làm mẫu cho học trò với kỹ thuật điêu luyện, dáng chạy cực kỳ đẹp”, Oanh tâm sự.
Cô gái từng giành HCV nội dung tiếp sức 4x100m vừa ở SEA Games 28 vừa qua cho hay, càng đọc những bài báo viết về cô mà thấy thương cô đến xót xa: “Cô Hường nghiêm khắc. Trên lớp cô luôn mạnh mẽ nên không bao giờ chúng tôi nghĩ hoàn cảnh của cô bất hạnh đến thế này”.
"Chúng tôi đã yêu thương nhau hơn cả người nhà"
Trong thời gian Vũ Bích Hường điều trị chấn thương đốt sống sau tai nạn giao thông, có thời kỳ chị được bộ môn điền kinh, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội đón lên ở cùng. Ban ngày có người coi sóc bữa ăn, ban đêm có các học trò chăm lo giấc ngủ để người phụ nữ bất hạnh được sớt chia.
toi-tap-yeu-thuong-gui-ve-cuu-nu-hoang-dien-kinh-Vu-Bich-HuongVũ Bích Hường từng khóc tức tưởi vì chỉ về sau VĐV Mỹ nhập tịch Thái Lan tại SEA Games 1997, giành HCB - Ảnh: Reuters 
toi-tap-yeu-thuong-gui-ve-cuu-nu-hoang-dien-kinh-Vu-Bich-HuongVũ Bích Hường đang tập đi lại không dùng nạng, nhờ những quan tâm của bao người trên cuộc đời, chị thêm lạc quan chiến đấu với bệnh tật - Ảnh: Lê Nam
Chị phải nghỉ việc tại Trung tâm từ trước Tết nguyên đán đến bây giờ, may mắn, chế độ của chị đều được Trung tâm giữ nguyên.
“Chúng tôi đã yêu thương nhau hơn cả anh em ruột thịt. Chúng tôi hiểu hoàn cảnh của Hường từ những ngày con trai út cô bị rối loạn tâm lý, đến sau đó chồng cô bị ung thư rồi qua đời. Chúng tôi gắn bó với nhau từ những nỗi đau, và sẻ chia, quan tâm cho nhau lúc hoạn nạn bao nhiêu năm nay chứ không phải mới bây giờ. Tôi không biết nói gì hơn”, ông Lại Phúc Lộc, Trưởng bộ môn điền kinh của Hà Nội nói với Thanh Niên Online.
Cuộc hội ngộ sau 20 năm cách biệt
Sáng 25.6, khi chúng tôi đang trò chuyện với Vũ Bích Hường thì nhà có khách. Mất mấy giây, rồi người phụ nữ yếu ớt bỗng nhào người ra, ôm chầm lấy vị khách bất ngờ: anh Nguyễn Sơn Hà, VĐV Taekwondo cùng thời với chị 20 năm trước.
Hai người bạn xa cách từ năm 1995, sau SEA Games 1995 tại Chiang Mai, Thái Lan đã có cuộc hội ngộ trong nước mắt. Nghe chị kể về đám tang chồng 3 năm trước, khi mình và con trai lớn vật vã trong nỗi đau, con trai nhỏ vẫn cởi trần, cười nói trong vô thức, Nguyễn Sơn Hà bảo: “Những nỗi buồn, sự mất mát của em chỉ bằng một móng tay của chị”.
toi-tap-yeu-thuong-gui-ve-cuu-nu-hoang-dien-kinh-Vu-Bich-HuongNguyễn Sơn Hà và Vũ Bích Hường - Ảnh: Lê Nam
Tối hôm qua, sau khi bài viết về Vũ Bích Hường đăng trên Thanh Niên Online, Nguyễn Sơn Hà có gửi thư cho chúng tôi, những dòng thư của anh một lần nữa khiến chúng tôi mắt cay cay: “Qua báo chí mới biết về tình trạng của chị, một VĐV đã hi sinh cả một thời tuổi trẻ để đặt dấu ấn cho một cột mốc lịch sử Điền kinh Việt Nam. Họ đã quá thiệt thòi khi thể thao vận vào người họ như một cái nghiệp, có thể cả là nghiệp chướng.
… Khi nói về những lần bị thất bại khi thi đấu, cả mấy chị em cùng cười toe toét, nhưng sâu trong đó là một sự kiên cường, chịu đựng và quyết tâm cao độ để vượt qua thất bại. Tuy nhiên giữa nghe nói và trải nghiệm thì là một khoảng cách rất, rất xa.
Chỉ có những người trong hoàn cảnh đấy mới hiểu được những giọt mồ hôi (và cả máu), những mệt mỏi đến kiệt sức, những thiệt thòi của năm tháng tập huấn xa chồng con và ti tỉ những cái khác nữa để đánh đổi lấy khoảnh khắc kéo được cờ và hát Quốc ca Việt Nam trên đấu trường SEA Games của chị…”.
Bất ngờ tìm lại được người thân từ bài báo Vũ Bích Hường trên Thanh Niên Online
Chiều qua, 25.6, khi bài báo Đường đời đầy nước mắt của cựu "nữ hoàng điền kinh" Vũ Bích Hường mới đăng được vài giờ đồng hồ, chúng tôi đã nhận được rất nhiều những dòng phản hồi của độc giả khắp nơi, dòng chữ nào cũng đầy yêu thương, muốn sẻ chia nỗi đau với nhân vật chính.
Trong đó, có một yêu cầu của độc giả ký tên Michael Phúc, chú giới thiệu rất cụ thể bản thân và muốn xin cách liên lạc với Vũ Bích Hường để đưa Hường đi khám bệnh, điều trị bệnh sụp đốt sống 4, 5. Chúng tôi gọi điện cho Hường giữa giờ chị đang hối hả nấu cơm chiều cho con, đầu dây im lặng khoảng 3 giây sau khi nghe đến tên Michael Phúc bỗng có tiếng reo: “Trời ơi, đúng là chú Phúc. Vâng, tôi còn ảnh của chú, nhưng suốt từ năm 1999 đến nay chưa gặp lại”.
Rồi Vũ Bích Hường kể, chú Phúc sống tại Mỹ, người đàn ông tốt bụng từng là người liên hệ với ủy ban Olympic tại đây để đưa các VĐV điền kinh của Việt Nam sang tập huấn những năm 90 thế kỷ trước. Suốt thời gian ở Mỹ, ông quan tâm, chăm sóc các VĐV của Việt Nam tận tình. SEA Games 1999, ông cũng sang Brunei để thăm Vũ Bích Hường và các đồng đội của chị khi đang thi đấu. Đã 16 năm trôi qua, cả ông Phúc và Vũ Bích Hường không còn cách nào liên lạc lại, cho đến khi ông Phúc đọc được bài viết về chị…
Hơn 100 triệu đồng ủng hộ Vũ Bích Hường
Ngày 23.6, tại lễ tổng kết SEA Games 28, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã trao 100 triệu đồng, tiền của các nhà tài trợ ủng hộ quyên góp cho Vũ Bích Hường.
Trong những ngày qua, đoàn thanh niên Ngân hàng quân đội (MB), tập thể những người dòng họ Võ - Vũ đã đến trao tặng chị các phần tiền để chị an tâm điều trị.
toi-tap-yeu-thuong-gui-ve-cuu-nu-hoang-dien-kinh-Vu-Bich-HuongSự quan tâm, thương yêu của bạn đọc khắp nơi gửi về là niềm động viên vô bờ với Vũ Bích Hường, giúp chị chiến thắng số phận - Ảnh: Lê Nam
Ngoài ra, một công ty y tế tặng chị thiết bị nẹp cột sống để chị mang theo hàng ngày.
“Nhiều người đến thăm tặng tôi tiền, quà, có những người giới thiệu là người xem truyền hình, người hâm mộ từ tận TP.HCM, Hải Phòng… Tôi nhận tấm lòng của mọi người mà không biết bao giờ sẽ trả được hết ơn này”, Vũ Bích Hường rưng rưng.
Vũ Thị Bích Hường sinh năm 1969. Từng phá kỷ lục Quốc gia, là VĐV điền kinh đầu tiên của Việt Nam giành HCV SEA Games 1995 nội dung vượt rào 100m. SEA Games 1997, chị giành HCB cũng nội dung này trong nước mắt tức tưởi vì đối thủ lấy mất HCV là người Mỹ nhập tịch Thái Lan. Theo đuổi điền kinh từ năm 16 tuổi đến tận năm 2010, chị ngừng thi đấu và chuyển sang công tác huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội.
Vũ Bích Hường có 2 con trai, con trai cả Ngọc Quang sinh năm 1990, đang là VĐV điền kinh Quốc gia, vừa qua có tham gia SEA Games 28 tuy nhiên chưa thành công. Con trai thứ 2 sinh năm 2004 bị chứng rối loạn tâm lý từ nhỏ, sau nhiều năm chữa trị, cháu nhiều khi vẫn không thể kiểm soát được hành vi.
toi-tap-yeu-thuong-gui-ve-cuu-nu-hoang-dien-kinh-Vu-Bich-HuongVũ Bích Hường không cô đơn trên hành trình chống chọi lại thử thách của số phận - Ảnh: Lê Nam
3 năm trước, chồng chị đột ngột bị ung thư qua đời. 20 tháng Chạp trước Tết nguyên đán 2015, chị bị tai nạn giao thông, sụp đốt sống 4, 5, chân trái teo quắt lại, không cảm giác. Đã có lúc chị phải bò để di chuyển, quỳ 2 tay xuống sàn nhà để tự xúc thức ăn vì hoàn cảnh gia neo người rất khó khăn, các con đều phải đi làm cho cuộc sống mưu sinh.
Hiện tại, căn nhà chị đang ở tại khu nhà ở xã hội, khu đô thị Việt Hưng, Long Biên còn nợ 279 triệu đồng do mỗi tháng chị không thể có 7,6 triệu đồng tiền trả góp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.