Dưỡng sinh thực hành

06/04/2010 09:05 GMT+7

Đạo giáo ảnh hưởng sâu sắc tới võ học và thuật dưỡng sinh Văn hào Lỗ Tấn từng nói: “Cái gốc của Trung Quốc toàn ở Đạo giáo”. Đạo giáo hay Lão giáo, Hoàng Lão… là tôn giáo ra đời và phát triển ở Trung Quốc hơn 2.500 năm qua.

Di tích lò luyện đan

Đạo giáo ảnh hưởng sâu sắc tới võ học và thuật dưỡng sinh

Văn hào Lỗ Tấn từng nói: “Cái gốc của Trung Quốc toàn ở Đạo giáo”. Đạo giáo hay Lão giáo, Hoàng Lão… là tôn giáo ra đời và phát triển ở Trung Quốc hơn 2.500 năm qua.

Đạo giáo lấy tín ngưỡng dân gian cổ đại làm cơ sở, lấy thuyết thần tiên làm trung tâm, pha trộn với học thuyết Nho giáo, Phật giáo, dịch, âm dương, ngũ hành, vu thuật, chiêm tinh, phương thuật, võ thuật, khí công và cả bùa chú hình thành nên một hình thái tôn giáo - văn hóa độc đáo, ảnh hưởng sâu rộng, là một hạt ngọc trong kho báu văn hóa truyền thống Trung Hoa, đặc biệt là ở lĩnh vực Dưỡng sinh học và Dược học.

Cần phân biệt Đạo gia và Đạo giáo. Đạo gia là những nhà triết học, tư tưởng như Lão Tử, Trang Tử… nói về “Đạo” như khái niệm bản thể của vũ trụ, nguồn gốc của sinh mệnh chứ không phải tôn giáo, nhưng Đạo giáo thì bám chặt lấy học thuyết của Đạo gia, lấy đó làm giáo nghĩa của mình. Chẳng hạn, Đạo giáo tôn Lão Tử thành “Thái Thượng lão quân”,  đưa khái niệm “Đạo” trở thành một vị thần quyền năng tối thượng để thờ phụng nhằm cầu cho xác phàm trở nên trường sinh bất tử. Đạo gia tuyên truyền “thanh tĩnh vô vi” mang tính yếm thế, xa lìa cõi trần, còn Đạo giáo thì diễn dịch thành “nhân sinh quan tôn giáo”, vượt ra cõi trần, đắc đạo thành tiên, tiêu dao tự tại… Nhưng điều đáng quan tâm nhất là Đạo giáo đã hấp thu rất nhiều lý luận dưỡng sinh của Đạo gia, hình thành nên những đạo thuật độc đáo nhằm mục đích truy cầu trường sinh bất tử.

Khởi thủy Đạo giáo lan rộng trong dân gian, do địa vực khác nhau mà hình thành những phái đạo bất đồng. Từ sau đời Ngụy - Tấn, một bộ phận Đạo giáo được giai cấp thống trị che chở và lợi dụng, thậm chí ảnh hưởng đến chính trị triều đình. Giữa các phái đạo khác nhau về phương thuật, đối tượng thờ phụng, hình thức hoạt động. Vì vậy trong quá trình hình thành và phát triển của Đạo giáo có đặc điểm đa thần, đa nguyên hóa tư tưởng tôn giáo, đa dạng hóa phương thuật. Song, tuy đạo thuật khác nhau nhưng các giáo phái Đạo giáo đều có điểm chung là hướng đến “trường sinh bất tử”, xây dựng cảnh giới sống “vô vi”, quý sinh mệnh, sống theo tự nhiên, không cạnh tranh, chú trọng dưỡng sinh để kéo dài cuộc sống.

Sinh và tử là vấn đề được quan tâm nhất trong Đạo gia, cho rằng “sinh - tử” là sự thể hiện thuộc tính vĩnh hằng bất biến của “Đạo”, nó tồn tại vượt khỏi không gian và thời gian, là phương thức biểu hiện khác nhau của bản chất sinh mệnh.

Kim Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.