Giai thoại làng võ - Kỳ 7: Vua tổ chức đấu đài

28/04/2014 03:20 GMT+7

Hình ảnh võ sư Hồng Kha để tóc đuôi ngựa đầy lãng tử, giọng điệu dẫn chương trình hài hước, lôi cuốn đã trở nên quen thuộc với những người yêu võ thuật Bình Định.

Hình ảnh võ sư Hồng Kha để tóc đuôi ngựa đầy lãng tử, giọng điệu dẫn chương trình hài hước, lôi cuốn đã trở nên quen thuộc với những người yêu võ thuật Bình Định.

 >> Giai thoại làng võ - Kỳ 6: Những trận đài vang danh
 >> Giai thoại làng võ - Kỳ 5: Người Bình Định thi võ

 Võ sư Hồng Kha và lớp võ tại nhà anh Huỳnh Văn Lượng - Ảnh: Lê Cường
Võ sư Hồng Kha và lớp võ tại nhà anh Huỳnh Văn Lượng - Ảnh: Lê Cường

Xin đấu 300 hiệp

Võ sư Hồng Kha (55 tuổi, ở P.Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn) có tên thật là Đoàn Văn Kha. Giới võ thuật biết nhiều đến Hồng Kha bởi ông là người chuyên tổ chức đấu võ đài phong trào, MC dẫn chương trình trong các trận đài và là trọng tài võ cổ truyền của tỉnh Bình Định.

Thời còn trẻ, Hồng Kha lần lượt theo học các võ sư Hồng Khanh (tên Hồng Kha lấy theo tên của thầy Hồng Khanh), Hà Trọng Sơn, Trần Cang, Kim Dũng, Phi Long Vịnh. Sau khi từ giã nghiệp võ sĩ, hơn 30 năm qua, Hồng Kha tự mình đứng ra tổ chức hàng ngàn trận đấu đài võ cổ truyền với sự tham gia của nhiều võ đường tại khu vực miền Trung và Tây nguyên. Bình quân mỗi năm ông tổ chức trên dưới 20 đợt đấu đài phong trào, mỗi đợt có khoảng 20 - 25 đoàn tham gia.

Tháng 7.2011, võ sư Hồng Kha tổ chức đấu đài tại xã Xuân Bình (TX.Sông Cầu, Phú Yên). Vào giờ giải lao giữa hai hiệp đấu, có một thanh niên từ đâu xuất hiện nhảy lên đài xin đấu với hai võ sĩ vừa thi đấu. Ban tổ chức (BTC) không đồng ý, giải thích kiểu gì cũng không lay chuyển được ý định của thanh niên này. Để thể hiện quyết tâm, anh thanh niên cởi hết quần áo trên người, chỉ mặc độc cái quần đùi rồi nhảy nhót, múa võ trên sàn đấu.

Khán giả hò hét, kêu thanh niên kia xuống, BTC cũng lúng túng chưa biết xử lý thế nào thì bất ngờ có một thanh niên khác nhảy lên sàn đài, chỉ 2 ngón tay vào mặt thanh niên đang múa võ nói to: “Tôi xin đấu với anh ba trăm hiệp”. Thanh niên này đang mặc quần jeans, áo bỏ trong quần, đưa 2 tay cúi chào khán giả kiểu con nhà võ. Khán giả vỗ tay rầm rầm. Quá phấn khích, thanh niên này xé toang chiếc áo sơ mi trắng đang mặc trên người ném xuống khán giả, xông vào đánh nhau với thanh niên thách đấu kia.

“Hai thanh niên này biết võ nghệ, lại đang có chút bia rượu trong người nên đánh rất hăng. Mọi người lôi ra thì lại hò hét xông vào đánh nhau tiếp. Khoảng hơn 15 phút, công an mới lôi được hai anh này xuống khỏi sàn đấu”, võ sư Hồng Kha kể.

Bồi thường chấn thương bằng dạy võ

Tháng 6.2013, võ sư Hồng Kha tổ chức võ đài liên tỉnh miền Trung - Tây nguyên tại H.Vân Canh (Bình Định). Chỉ còn trận đấu cuối cùng thì một người dân thiếu ý thức ở ngoài ném đá vào khu vực khán giả đang đứng. Một người đàn ông bồng một bé gái khoảng 10 tuổi bị chảy máu mũi đến bàn BTC để bắt đền: “Cha con tôi đã mua vé vào xem thì BTC phải bảo vệ an ninh cho chúng tôi. Giờ lỗ mũi con tôi bị kẻ xấu ném đá làm bị thương, BTC phải đền”.

Võ sư Hồng Kha năn nỉ đủ cách, xin đền tiền viện phí nhưng cha của cô bé nhất quyết không chịu. Thấy kỳ lạ, Hồng Kha thử nói là sẽ dạy võ cho cô bé miễn phí 1 tháng thì người cha đồng ý ngay nhưng bắt võ sư phải hứa trên khán đài trước mặt mọi người. Võ sư Hồng Kha hứa xong, khán giả vỗ tay tán thưởng và cô bé được cha đưa đi bệnh viện. Cô bé đó tên Trần Thị Quỳnh.

Vài hôm sau, khi võ sư Hồng Kha tìm đến nhà em Quỳnh để dạy võ thì một người hàng xóm là anh Huỳnh Văn Lượng (ở làng Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh) kéo vào nhà, hứa sẽ cho sân bãi, điện, nước để võ sư mở lớp dạy võ miễn phí cho cháu Quỳnh và 2 con của mình. Dạy được 10 ngày sau thì số võ sinh đến đăng ký học hơn 40 em. Hết tháng dạy miễn phí, các gia đình đề nghị võ sư Hồng Kha tiếp tục dạy võ có thu học phí.

Từ đó, hằng ngày, võ sư Hồng Kha phải đi xe máy 36 km từ nhà lên thị trấn Vân Canh dạy võ. Hơn 1 năm qua, số võ sinh đều đặn đăng ký học ngày một nhiều hơn. Một số rất có năng khiếu, học mau tiến bộ khiến võ sư Hồng Kha rất bất ngờ. Ông Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng phòng VH-TT H.Vân Canh nói: “Phong trào tập luyện võ cổ truyền ở H.Vân Canh hầu như mất hẳn từ hàng chục năm qua đã được võ sư Hồng Kha đánh thức. Những lần tổ chức đấu đài liên tỉnh, mở lớp dạy võ trên địa bàn Vân Canh của võ sư Hồng Kha đã hâm nóng trở lại tình yêu võ thuật của người dân địa phương”.

Hoàng Trọng

 >> Giai thoại làng võ - Kỳ 4: Đấu võ kén chồng
 >> Giai thoại làng võ - Kỳ 3: Bỏ mạng vì cứu học trò
 >> Giai thoại làng võ - Kỳ 2: Võ sư mê hát bội
 >> Giai thoại làng võ: Muốn hát tuồng phải biết võ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.