Giải Vovinam Thế giới - Algeria 2015: Mốc son để quảng bá văn hóa Việt

04/06/2015 14:39 GMT+7

(TNO) Sự kiện ra mắt thành công Liên đoàn Vovinam châu Phi (FAV) năm 2012 tại Algeria đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự phát triển tinh hoa võ Việt ở Algeria nói riêng và cả châu Phi nói chung. Đó là tiền đề để Algeria có thể tổ chức thành công Giải vô địch Vovinam Thế giới lần thứ 4 vào cuối tháng 7 năm nay.

(TNO) Sự kiện ra mắt thành công Liên đoàn Vovinam châu Phi (FAV) năm 2012 tại Algeria đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự phát triển tinh hoa võ Việt ở Algeria nói riêng và cả châu Phi nói chung. Đó là tiền đề để Algeria có thể tổ chức thành công Giải vô địch Vovinam Thế giới lần thứ 4 vào cuối tháng 7 năm nay.
Từ ngày 31.5 đến 2.6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 4, từ phải sang trái) cùng phu nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Algeria nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống trên nền tảng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, văn hoá, thương mại, đầu tư với Algeria, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên
Vovinam mới du nhập vào Algeria và châu Phi khoảng 10 năm nhưng phong trào tại đây đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân. Từ một câu lạc bộ nhỏ ở thủ đô Algiers ban đầu, đến nay, đã có trên 22.000 môn sinh đang tham gia tập luyện. Phong trào phong trào Vovinam đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo sức lan tỏa từ Algeria, đến nay đã có mặt tại 11 quốc gia trong khu vực Bắc và Tây Phi.

Không chỉ người dân Algeria yêu thích Vovinam, báo chí và các đài truyền hình lớn của quốc gia Bắc Phi này cũng rất hứng thú với môn võ có nguồn gốc từ Việt Nam. Giải Vô địch Vovinam tại Algeria với sự tham dự của gần 5.000 vận động viênđều được các báo đài đưa tin,tường thuật trực tiếp, thu hút hàng triệu người thưởng thức và trở thành hoạt động quy mô lớn nhất trong hệ thống phong trào Vovinam trên toàn thế giới.

Cuối tháng 5.2014, Tiến sĩ (TS) Võ Danh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới kiêm Tổng thư ký Liên đoàn WVVF (Liên đoàn Vovinam Thế giới) đã được mời tham dự tại giải Vô địch Vovinam châu Phi mở rộng tranh Cúp Grand Prix diễn ra tại thủ đô Algiers. Trong chuyến thăm này, WVVF đã thống nhất cùng ngành thể thao Algeria đưa việc hợp tác xây dựng và phát triển môn Vovinam tại quốc gia này vào chương trình chính thức hợp tác cấp quốc gia giữa Việt Nam và Algeria.

Từ ngày 31.5 đến 2.6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phu nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Algeria nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống trên nền tảng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, văn hoá, thương mại, đầu tư với Algeria, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Trong chuyến thăm này Thủ tướng đã có buổi gặp gỡ Võ sư Mohammed Djouadj, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Phi tại Phủ Tổng thống ở Zeralda, Algeria. Buổi tiếp đón còn có sự hiện diện của Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam; Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria; Ông Mohammed Berzig và Ông Lounes Kamel (Liên đoàn Võ thuật Algeria và Liên đoàn Vovinam Algeria).Thủ tướng đã đánh giá rất cao các tiết mục biểu diễn Vovinam xuất sắc do đội tuyển Vovinam Algeria trình diễn. Đây chính là tín hiệu tích cực để môn Vovinam có hội phát triển toàn diện và sâu rộng hơn nữa ở Algeria và châu Phi, đặc biệt là khi nước này sẽ là chủ nhà của Giải Vô địch Vovinam Thế giới lần thứ tư diễn ra từ ngày 29.7 đến 2.8.2015.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với TS. Võ Danh Hải,Tổng thư ký WVVF trước khi diễn ra sự kiện quan trọng và ý nghĩa này.
Tiến sĩ Võ Danh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới kiêm Tổng thư ký Liên đoàn WVVF
* Xin ông cho biết nhận định của Liên đoàn Vovinam Thế giới về tình hình phát triển của phong trào Vovinam tại châu Phi?

TS. Võ Danh Hải: Việc quảng bá và xây dựng phong trào Vovinam tại vùng đất xa xôi này là một quá trình đầy gian truân nhưng cũng rất đáng tự hào, vì chỉ sau hơn 12 năm, chúng ta đã có được một tập thể gần nửa vạn môn sinh tại 11 quốc gia trong khu vực này, trong đó phát triển nhất là phong trào tại Algeria. 

Tôi đánh giá rất cao về tinh thần học hỏi, chuyên cần khổ luyện trong luyện tập trong điều kiện vật chất thiếu thốn và thời tiết khắc nghiệt, thể hiện niềm đam mê to lớn đối với võ thuật, đặc biệt là môn võ tinh hoa của dân tộc Việt Nam. So với quá trình hơn 70 năm hình thành và phát triển của môn phái Vovinam - Việt Võ Đạo, có thể nói, thành công mà chúng ta có được chính là từ một vài câu lạc bộ nhỏ trong buổi ban đầu giới thiệu về Vovinam tại Algeria và Ma-rốc, đến nay, hàng ngàn vận động viên Vovinam của các quốc gia châu Phi đã nỗ lực phấn đấu tham dự và đạt nhiều thành tích cao trên đấu trường khu vực và quốc tế.”

* Ông có cảm nghĩ như thế nào đối với riêng Vovinam tại Algeria - đơn vị dẫn đầu khu vực châu Phi?

TS. Võ Danh Hải: Như chúng ta đã biết, Algeria là một trong những chiếc nôi đầu tiên của quá trình quảng bá và phát triển phong trào Vovinam trên thế giới và đặc biệt là tại châu Phi nói riêng. Những thành công của đội tuyển Algeria ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp của Vovinam trên quốc gia Bắc Phi này có sự chung tay đóng góp tích cực của nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó phải kể đến những võ sư đầy tâm huyết đã gắn bó và truyền dạy cho các môn sinh châu Phi như: Mohamed Djouadj, Djamel Tazibt... 

Đặc biệt, Vovinam Algeria đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ quý báu từ phía Chính phủ, Bộ Thể thao và Liên đoàn Võ thuật Quốc gia và Ủy ban Olympic Algeria. Tôi cũng thật sự hãnh diện và cảm kích sự quan tâm đặc biệt của hàng chục ngàn người dân Algeriađối với môn võ Việt, cùng với các cơ quan báo đài quốc gia và địa phương liên tục hỗ trợ đưa tin, góp phần quảng bá nét văn hóa - thể thao truyền thống của dân tộc Việt Nam. 
Đoàn võ sư Vovinam Việt Nam tại Algeria
Ấn tượng mà Algeria để lại với tôi qua hai lần đến thăm đất nước này là: Trong tiết trời lạnh giá (khoảng 7-10 độ C vào ban đêm), chúng tôi lại cảm thấy ấm áp và hết đỗi xúc động, tự hào khi chứng kiến hàng ngàn huấn luyện viên, môn sinh Vovinam trong màu áo xanh đại dương ôn luyện miệt mài và cùng hô vang các động tác kỹ thuật, những bài quyền bằng tiếng Việt: Nhập môn quyền, Long hổ quyền… Trên khán đài, khá đông phụ huynh ngồi xem con em mình tập luyện tại một Trung tâm TDTT ở thủ đô Algiers. Đặc biệt, có người cư ngụ từ các địa phương cách xa thành phố gần 250 km cũng đưa con em mình đến đây thọ giáo vì “nghe có thầy từ Việt Nam sang”.
Các võ sư Vovinam của Senegal, Burkina Faso, Ma-rốc,… cũng bay sang ôn tập và cùng làm phụ tá cho võ sư Nguyễn Văn Chiếu. Tình thầy trò, tình đồng môn thật thắm thiết, chan hòa, vượt qua những khác biệt về màu da, ngôn ngữ…

* Xin ông cho biết vài thông tin về công tác chuẩn bị và tổ chức giải đấu Vô địch Thế giới năm nay.

TS. Võ Danh Hải: Là quốc gia có phong trào phát triển mạnh nhất khu vực châu Phi, cùng với năng lực và kinh nghiệm tốt nhất qua nhiều lần tham gia thi đấu và đăng cai tổ chức các sự kiện TDTT quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế, Algeria đã có một sự chuẩn bị chu đáo cho Giải Vô địch Vovinam Thế giới lần IV.

Trong chuyến thăm và làm việc tại TP.HCM vào đầu tháng 5.2015 vừa qua, đại diện Ban tổ chức phía Algeria đã cho biết: Liên đoàn Võ thuật Algeria đã phối hợp chặt chẽ cùng với Liên đoàn Vovinam Châu Phi để lập đề án tổ chức, thành lập Ban tổ chức địa phương và phối hợp cùng các Bộ, Ban, Ngành để phân công nhiệm vụ và triển khai các công tác chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. 

Đây là sự kiện quan trọng được sự quan tâm ủng hộ của Tổng thống Algeria và do Bộ trưởng Thể thao Mohammed Tahmi chủ trì giám sát.Ban tổ chức đã bố trí nhà thi đấu Hercha Hassan là nơi diễn ra giải, cùng với việc đặt phòng ở cho 300 đại biểu, các đoàn tham dự giải, tuyển chọn gần 100 tình nguyện viên phục vụ giải. 

Ngày 10.04.2015 đã diễn ra họp báo công bố thông tin về giải, với sự tham dự của 15 cơ quan báo đài trung ương và địa phương. Diễn ra từ ngày 28.7 đến ngày 2.8.2015, giải đấu này là sự kiện quan trọng được sự quan tâm ủng hộ của Tổng thống Algeria và do Bộ trưởng Mohammed Tahmi chủ trì giám sát.

* Vậy Tổng thư kí WVVF có cảm nghĩ gì đối với sự phát triển chung của môn Vovinam - Việt Võ Đạo hiện nay?

TS. Võ Danh Hải: Nhìn chung, tôi đánh giá tất cả những nỗ lực và sự đóng góp tích cực của tập thể võ sư, môn sinh Vovinam, cùng với sự đồng hành, quan tâm hỗ trợ của các ban ngành, tổ chức TDTT đã giúp cho Vovinam phát triển tầm cỡ rộng khắp thế giới như ngày nay. Đó cũng chính là niềm tự hào khi Việt Võ Đạo đã thật sự hiện thực hóa được giấc mơ “vươn tầm thế giới”. 

Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển của môn phái, chúng ta đã có được một số thành tích nhất định: Vovinam đã trở thành môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà - AIG III năm 2009, SEA Games 26 và 27 tại Indonesia (2011) và Myanmar (2013), rồi sắp tới đây là Đại hội Thể thao Bãi biển - Beach Games 2016. 

Tuy năm nay, Vovinam không thể có mặt tại SEA Games 28 ở Singapore, nhưng với Giải Vô địch Thế giới lần IV tại Algeria thu hút gần 20 quốc gia tham dự, thì có thể nói phong trào phát triển của Vovinam chưa dừng lại ở đây. Giấc mơ chinh phục đấu trường đỉnh cao của Olympic châu Á như ASIAD hay Thế vận hội sẽ là một mục tiêu phấn đấu lâu dài, nhưng là điều có thể làm được, bằng niềm tin của dân tộc Việt. 

Sự phát triển của môn Vovinam không chỉ là một bước tiến của nền võ thuật Việt Nam, khẳng định vị thế trong lĩnh vực TDTT đẳng cấp quốc tế, mà đó còn là sự thành công của một sức mạnh của “ngoại giao văn hóa”. Thông qua một môn võ truyền thống của dân tộc, hơn 60 quốc gia trên khắp năm châu thế giới đã biết đến Việt Nam với những hình ảnh tươi đẹp và lịch sử hào hùng. Các giải thi đấu, từ cấp quốc gia, châu lục cho đến giải vô địch thế giới không chỉ là sân chơi, là nơi cọ xát và rèn luyện của các VĐV để đạt những tấm huy chương danh giá, mà nó còn là dịp để đại gia đình Vovinam sum họp, gắn kết nhau, ngày một đông đảo và hạnh phúc hơn.

* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.