Gian khổ đời bóng hồng thể thao: Áp lực của những nữ xạ thủ

05/09/2016 06:32 GMT+7

Các xạ thủ nữ không ngần ngại tiết lộ rằng bắn súng rất dễ mang đến những bệnh lý về tim mạch, hô hấp, xương khớp, cơ bắp, và đặc biệt là tâm lý, hệ thần kinh, nếu 'không cẩn thận là... hóa điên'.

Bom nổ bên tai vẫn phải bắn được
Sau khi Hoàng Xuân Vinh mang về tấm HCV Olympic lịch sử, bắn súng mới tạo tiếng vang lớn, gây được sự chú ý lớn lao từ cộng đồng. Khi Hoàng Xuân Vinh bắn những viên đạn lịch sử, nội dung thi đấu của anh được tường thuật trực tiếp, thì nhiều người hâm mộ thể thao mới thấy "ồ, hóa ra môn này cũng có khán đài, khán giả xem trực tiếp".
Chuyện tập chay, "bắn trong tưởng tượng" vì thiếu đạn, rồi thi đấu mà chẳng có ai xem, ai cổ vũ, là chuyện chỉ có ở VN ta. Còn thế giới, người ta đã hồi hộp và hào hứng theo dõi trực tiếp bắn súng từ lâu. Bắn súng vốn thiếu thốn khó khăn đủ bề, nên những nữ xạ thủ VN càng khó khăn, áp lực đủ đường. Phụ nữ bao giờ cũng là phái yếu, kể cả khi họ vác súng trên vai.
Bắn súng là môn thể thao có đặc thù rất riêng với những bài tập, hình thức tập không ở môn nào có như đứng im cả tiếng đồng hồ giống bức tượng để giữ sự tập trung, nâng tay lên rồi hạ xuống 300 - 400 lần với một động tác y như nhau. Cứ "nín thở bóp cò" đến hàng trăm lần như thế. Xạ thủ Đặng Hồng Hà cho biết: "VĐV bắn súng khi thi đấu là không còn nghĩ đến điều gì khác, chúng tôi vẫn nói vui rằng có bom nổ bên tai vẫn bắn chuẩn được. Nhưng rồi có lúc ở ngoài đời, lại cứ để tâm trí đi đâu đâu, có lúc cứ ngơ ngơ. Những vấn đề tâm lý trong tập luyện, căng thẳng áp lực vô cùng lớn khi thi đấu, chúng tôi vẫn hay nói vui rằng không cẩn thận là... hóa điên".
Tiềm ẩn đủ thứ bệnh, nhưng vẫn đam mê
Là đồng đội ở các nội dung súng trường hơi, từng gặt hái rất nhiều thành tích ở các đấu trường, Đặng Hồng Hà và Lệ Quyên ngoài đời còn là đôi bạn thân. Đều đã ngoài 30, Lệ Quyên và Hồng Hà vẫn tiếp tục luyện tập và thi đấu, trẻ trung cả về "tuổi bắn súng" lẫn ngoại hình. Cả hai cũng giống nhau ở những sở thích như ăn mặc theo gu thời trang trẻ trung, cắt tóc ngắn, thích dạo phố ăn các món ngon của Hà Nội hay ngồi cà phê vỉa hè cùng bạn bè. Thích làm đẹp, hơi điệu đà và thích cả chụp ảnh, những điều thú vị ở những xạ thủ nữ VN lừng danh khu vực.
Lệ Quyên cho biết: "Bạn nghĩ mà xem, có những khi trời nắng nóng đến gần 400C mà mặc bộ đồ bắn súng để tập luyện thì sẽ như thế nào. Phụ nữ còn khó khăn hơn đàn ông vì tâm lý dễ dao động hơn, phải nỗ lực nhiều hơn, phải gạt bỏ rất nhiều điều trong cuộc sống để còn tập trung thi đấu cho tốt". Khi đoạt HCB Asiad Incheon 2014, các nữ xạ thủ của VN từng ôm nhau khóc, lý do hóa ra là vì đi thi đấu... nhớ con quá.
Không phải ai cũng may mắn như Lệ Quyên khi có một gia đình làm chỗ dựa, là nguồn động viên lớn (chồng là HLV trưởng đội bóng đá Hải Phòng Trương Việt Hoàng). Ngược lại, Đặng Hồng Hà vẫn một mình chăm con nhỏ suốt bao năm đồng thời vừa tập luyện và thi đấu. Chị bảo: "Nhìn mình ai cũng nói trẻ quá, nhưng giờ ngại yêu rồi, cơ duyên cũng khó nói khi cứ suốt ngày trên trường bắn, ôm khẩu súng". Các HLV bắn súng từng nhiều lần tiếc nuối những VĐV triển vọng, bởi không phải ai cũng có thể theo đuổi bắn súng, không phải gia đình nào cũng đồng ý cho con theo nghiệp bắn súng. Chuyện những VĐV nữ bắn súng trẻ bỏ ngang về lập gia đình, hoặc bỏ ngang vì không chịu nổi, vì cơ thể, sức khỏe gặp quá nhiều vấn đề sau khi luyện bắn súng là chuyện từng nhiều lần xảy ra.
Nhiều xạ thủ nữ từng tâm sự: “VĐV bắn súng theo thời gian bị vô số bệnh: thiếu ô xy, thiếu máu não, lệch cột sống, viêm cơ vai, suy giảm thính lực nặng, vô số các vấn đề khác về tâm lý và thần kinh khi bắn súng đòi hỏi sự tập trung vô cùng cao độ. Thế nên nhìn bề ngoài vậy thôi chứ tiềm ẩn nguy cơ mắc nhiều bệnh lắm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.