Gian khổ đời bóng hồng thể thao: Sống chung cùng chấn thương

01/09/2016 08:46 GMT+7

Nụ cười của Nguyễn Thị Lụa rất xinh, nhưng ít ai ngờ cô đã phải thay 4 cái răng do bị gãy trong quá trình khổ luyện đến Olympic 2016. Còn Vũ Thị Hằng cũng không thể thi đấu ở Rio vì chấn thương tái phát.

Chờ giải nghệ mới phẫu thuật
Hai kỳ liên tiếp giành suất chính thức tham dự đấu trường Olympic (London 2012 và Rio 2016), Nguyễn Thị Lụa chắc chắn là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất của làng vật nữ VN. Bảng vàng thành tích của cô còn có những “tài sản” quý giá như 1 HCB Asiad, 2 HCB giải vô địch châu Á (hạng 48 kg năm 2010 và hạng 53 kg năm 2016), HCV SEA Games, 2 HCV giải vô địch Đông Nam Á, 2 HCB giải trẻ châu Á… Nhưng để lập được những mốc son đẹp đẽ ấy, ít ai biết đô vật nổi danh châu Á này đã phải chịu sự đánh đổi lớn đến thế nào.
Cách nay 5 năm, Lụa bị chấn thương nặng ở vai và đầu gối, đi khám đông - tây y, các bác sĩ đều chỉ định phải mổ mới hy vọng chữa trị dứt điểm. Nhưng nếu mổ ngay, Lụa sẽ không thể tập lại được, hoặc nếu tập lại cũng không thể đạt được trình độ đỉnh cao. Nghĩa là tất cả công sức rèn luyện, đam mê với sới vật đều phải buông bỏ giữa lúc đang vào độ chín nhất.
Lụa đã quyết định không mổ ngay, mà đợi đến lúc nào nghỉ tập hẳn mới mổ. Đó thực sự là một lựa chọn vô cùng khó khăn, khó có thể đánh giá hết đúng - sai trong một sớm một chiều. Nhưng đến thời điểm này, Lụa chỉ bình thản nói: “Nếu trước mà mổ thì đã không có Lụa của bây giờ”.
Làm thân con gái theo đuổi sới vật quả thật nhiều nỗi khổ không giống ai. Trong một lần tập luyện chuẩn bị thi đấu vòng tuyển chọn cho Olympic, Lụa bị đồng đội húc đầu vào mồm, làm gãy răng. Cô kể: “Lúc đấy em vừa đau vừa tức vì bị mọi người trêu. Nhưng đáng sợ nữa là phải đi làm lại răng mấy lần liền, vì cứ thay xong, tập “ác” quá lại bị vỡ”.
Gãy răng đâu phải chuyện đơn giản, nhất là đối với các cô gái, vì vậy các nhà quản lý và chuyên môn đã quyết định đầu tư cho Lụa làm răng loại tốt nhất. Giờ thì nụ cười của cô gái đất vật Quốc Oai vẫn rất xinh, có điều nhiều khả năng Lụa sẽ giải nghệ bởi “chấn thương nhiều quá, không cố được nữa”. Lụa đã tốt nghiệp đại học, đang đợi vào biên chế trong cảnh “hứa mãi vẫn chưa thấy gì”.
Tự tìm cách khắc phục
Vũ Thị Hằng hiện có cô em gái đang học năm thứ 3 Đại học Kinh tế Quốc dân. Gắn bó với sới vật chuyên nghiệp bao năm qua, Hằng luôn nhủ mình phải cố gắng để thi thoảng góp thêm cho mẹ đôi chút chăm em trai đang học lớp 7 ở nhà, và bây giờ thêm trách nhiệm nuôi em gái học đại học. Bản thân Hằng cũng đang học năm thứ 3 ĐH TDTT chuyên khoa huấn luyện.
Ngoài sàn đấu, Hằng thực sự là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, đầy nữ tính, khác hẳn hình ảnh một đô vật sừng sỏ từng hạ gục những VĐV thuộc diện hàng đầu châu lục để giành suất chính thức dự Olympic. Nói về những nhọc nhằn khi gắn bó với sới vật, cô kể giản dị: “Chấn thương với môn đối kháng như vật là chuyện quanh năm, phải tự tìm cách khắc phục thôi. Em vẫn bị đau lưng và đau cổ chân, nhưng không dùng thuốc giảm đau mà chủ yếu nhờ khâu phục hồi trị liệu”.

tin liên quan

Ghi công các nữ võ sĩ quyền anh Việt Nam
(TNO) Ngày thi đấu chính thức thứ 3 của SEA Games 27 đã lại ghi dấu ấn của quyền anh Việt Nam với 2 tấm HCV của Lừu Thị Duyên và Hà Thị Linh. Tính đến hết ngày 14.12, đoàn thể thao Việt Nam đã đoạt được 29 HCV, 23 HCB và 33 HCĐ, xếp thứ 4 sau Indonesia, Myanmar và Thái Lan.
Bị tái phát chấn thương cột sống và thắt lưng, Vũ Thị Hằng đã không vượt qua đợt kiểm tra sức khỏe cuối cùng chỉ hai ngày trước khi hạng cân 48 kg tại Olympic khởi tranh. Hằng đã nước mắt lưng tròng lúc nghe Tiểu ban Y tế của BTC môn vật tại Olympic Rio 2016 khẳng định nếu thi đấu có thể khiến cô gặp nguy hiểm. Còn Nguyễn Thị Lụa đã sớm phải dừng bước vì gặp đối thủ người Senegal quá mạnh ngay ở trận đầu tiên tại Rio 2016. Nhưng thực ra, chuyện họ không thể vào sâu ở Olympic Rio 2016 không phải bất ngờ, bởi riêng việc giành 2 suất chính thức đến đấu trường thế vận hội đã là kỳ tích trong bối cảnh đầu tư cho vật nữ VN còn nhiều giới hạn.
Sau Rio 2016, Hằng hy vọng sức trẻ có thể giúp cô nuôi hy vọng phục hồi. Nhưng còn tập là vẫn còn đau đớn về thể xác, vẫn còn đối mặt với muôn vàn chấn thương. Hằng chỉ mong chế độ đãi ngộ cũng như điều kiện tập luyện tốt hơn để cô có thể yên tâm cống hiến tiếp khoảng đời còn lại cho thể thao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.