Hoàng Quý Phước dừng tập huấn tại Nhật

12/08/2015 19:03 GMT+7

(TNO) Sau gần 8 tháng tập huấn tại Nhật Bản, Hoàng Quý Phước sẽ trở lại Việt Nam để điều trị chấn thương và không quay lại đây nữa mặc dù kế hoạch ở Nhật kéo dài đến hết năm nay.

(TNO) Sau gần 8 tháng tập huấn tại Nhật Bản, Hoàng Quý Phước sẽ trở lại Việt Nam để điều trị chấn thương và không quay lại đây nữa mặc dù kế hoạch ở Nhật kéo dài đến hết năm nay.

Hoàng Quý Phước đã có chuẩn B và chờ đạt chuẩn A mới chắc suất đến Brazil năm sau - Ảnh: Khả Hòa
Ngày 12.8, Tổng cục TDTT đã có công văn phúc đáp Sở Văn Hóa Thể thao Du lịch Đà Nẵng về việc đồng ý cho kình ngư Hoàng Quý Phước kết thúc sớm chuyến tập huấn tại Nhật Bản. Cách đây hai tuần, tại Đà Nẵng, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Sở để bàn về tương lai của Phước cũng như nhìn lại kết quả của chuyến tập huấn của anh từ tháng 1.2015 đến nay.

Cũng tại cuộc làm việc này, lần đầu tiên, lãnh đạo ngành thể thao mới được biết thông tin Phước bị chấn thương lưng từ lâu và bản thân anh đã một vài lần xin  Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam được về Việt Nam điều trị dứt điểm. Hiệp hội không những không đồng ý mà còn không báo cáo với Tổng cục TDTT.

Điều đáng nói nữa là địa điểm tập huấn tại Nhật không được như mong đợi. CLB mà Phước đang tập luyện trực thuộc công ty Renaissance (kinh doanh cả tập thể hình, yoga), không phải địa chỉ tập luyện của đội tuyển quốc gia Nhật cũng không phải điểm đến của nhiều đội tuyển các nước.

Công ty Renaissance có hàng trăm CLB nhưng CLB mà Phước tập không phải tốt nhất. HLV của Phước chưa từng huấn luyện đẳng cấp. Ở CLB, Phước tập với những VĐV nhỏ tuổi, trình độ chênh lệch quá nhiều so với anh. Phước không được cọ xát, thi đấu với những người tài giỏi hơn mình.

Ngoài ra, trong suốt thời gian ở Nhật, Phước phải tự lo liệu tất cả những chuyện liên quan đến sinh hoạt đời thường như đi chợ, nấu nướng… điều mà theo quan điểm của một lãnh đạo Vụ thể thao thành tích cao II Tổng cục TDTT: “Tối kị với một VĐV đỉnh cao. Bởi công việc chính của một VĐV khi ra nước ngoài tập huấn không phải là ra siêu thị mua thức ăn mà tập trung vào chuyên môn. Việc tập luyện sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu anh ta mất quá nhiều thời gian cho “công tác” bếp núc, dọn nhà, lau cửa”.
Các VĐV bơi Việt Nam tại giải Vô địch thế giới, Kazan - Nga, trong đó có Hoàng Quý Phước (giữa) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngay sau cuộc họp giữa đôi bên, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Đà Nẵng đã khẩn trương có công văn gửi Tổng cục TDTT với hai nội dung chính như sau: 1. Đề nghị cho Phước về Việt Nam. 2. Chuyển hướng tập huấn đến địa điểm khác.

Như đã nói ở trên, Tổng cục TDTT đã đồng ý với cả hai nguyện vọng này. Sau khi không thành công tại giải vô địch bơi lội thế giới, Phước đã trở về Việt Nam vào ngày 11.8.

Anh sẽ từ Đà Nẵng ra Hà Nội vào vài ngày nữa để điều trị chấn thương lưng tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Phú - Phó giám đốc Bệnh viện cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và điều trị một cách tốt nhất, giúp Phước nhanh chóng khỏi chấn thương để sớm tập luyện tốt trở lại”.

Sắp tới, Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam và Đà Nẵng sẽ cùng bàn bạc để chọn cho Phước một địa điểm tập huấn khác, có thể là Hungary.

Hoàng Quý Phước cho biết: “Với tôi, việc điều trị ở đâu không phải quá quan trọng. Miễn sao khỏi được bệnh. Tôi cảm thấy khá lo lắng và sốt ruột cho tương lai của mình. Bản thân tôi luôn nỗ lực một cách tối đa. Song có những chuyện ngoài ý muốn xảy ra nên kế hoạch tập luyện không phải không bị tác động. 

Mong ước của tôi lúc này là sớm khỏi bệnh và có địa điểm tập luyện thật tốt và hiệu quả. Tôi hy vọng vẫn còn kịp để tôi có thể đạt chuẩn A dự Olympic năm 2016”.
3 VĐV Hoàng Qúy Phước, Lâm Quang Nhật và Trần Duy Khôi tham dự giải vô địch bơi thế giới tại Nga khi đều đã đạt chuẩn B Olympic 2016 và họ đều mong muốn cải thiện thành tích để có thể chắc suất tham dự Thế vận hội.
Theo quy định của Hiệp hội thể thao dưới nước thế giới, chỉ VĐV đạt chuẩn A mới chắc chắn giành vé đi Olympic còn VĐV đạt chuẩn B thì chưa có gì đảm bảo, mà sẽ ở “chế độ chờ”. Vì tổng “quota” cho môn bơi ở Olympic là 900 VĐV nên các VĐV đạt chuẩn B sẽ xét thành tích và lấy từ trên xuống dưới sao cho cộng với số VĐV đạt chuẩn A đủ tổng số 900 VĐV.

Hoàng Qúy Phước đã đạt 2 chuẩn B Olympic ở nội dung 100 m và 200 m tự do. Lẽ ra anh sẽ tham dự 3 nội dung ở giải vô địch thế giới là 100m bướm, 100 m và 200 m tự do nhưng vì chấn thương lưng đã khiến Phước  không đủ thể lực để thi 100m bướm. Trong khi đó thành tích ở 2 nội dung 100 m, 200 m tự do của Phước tại giải thế giới không tốt, kém xa thành tích đã đạt chuẩn B Olympic và SEA Games 28, thậm chí còn chưa chạm tới chuẩn B Olympic chứ chưa nói đến chuyện “cải thiện thành tích”.

Trần Duy Khôi cũng có 2 chuẩn B Olympic ở nội dung 200 và 400m hỗn hợp cá nhân. Cũng tới Kazan với mục tiêu cải thiện thành tích để chắc suất đi Olympic nhưng khi giải Bơi VĐTG kết thúc, thành tích của Khôi cũng không được như mong đợi. Khôi chỉ 1 lần nữa chạm tới chuẩn B Olympic ở nội dung 200m hỗn hợp nhưng thành tích còn không bằng SEA Games 28 và ASIAD 17. Còn ở nội dung 400m, thành tích còn kém chuẩn B tới 2 giây.

Còn Lâm Quang Nhật chỉ tham dự 1 nội dung 1500m tự do để cải thiện chuẩn B Olympic.Thế nhưng thành tích tại giải thế giới của Nhật còn thua xa kỷ lục SEA Games mà Nhật mới thiết lập ở Singapore tới hơn 13 giây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.