Hội võ mùa xuân

09/02/2010 09:34 GMT+7

Trống trận Tây Sơn Hằng năm, lễ kỷ niệm ngày chiến thắng Đống Đa lịch sử (mùng 5 tết âm lịch) tổ chức trên miền đất võ, tiết mục trống trận Tây Sơn luôn được kết hợp xuyên suốt chương trình. Trống trận Tây Sơn là loại hình nhạc-võ, người đánh trống ngoài am hiểu tiết tấu còn có võ công và công lực mới diễn đạt được cái hồn của trống trận.

Hồi trống xuất quân

Trống trận Tây Sơn

Hằng năm, lễ kỷ niệm ngày chiến thắng Đống Đa lịch sử (mùng 5 tết âm lịch) tổ chức trên miền đất võ, tiết mục trống trận Tây Sơn luôn được kết hợp xuyên suốt chương trình. Trống trận Tây Sơn là loại hình nhạc-võ, người đánh trống ngoài am hiểu tiết tấu còn có võ công và công lực mới diễn đạt được cái hồn của trống trận.

Trống trận là sự kết hợp liên tục 3 hồi phô bày hết tinh hoa với phần biểu diễn độc tấu trống và phối hợp. Hồi 1: Tập hợp quân - xuất quân - hành quân, nhịp chững đều đặn và tiết tấu hùng dũng để đưa đoàn quân lên đường. Hồi 2: Xung trận - phá thành, sắp xếp các đoạn thể hiện các binh chủng thời Tây Sơn như như bộ binh, thủy binh, kỵ binh, tượng binh. Tiết tấu ở hồi này từng lúc cao trào lên xuống liên tục mang tính chiến đấu ác liệt với kỹ thuật dùng roi trống điêu luyện. Hồi 3: Ca khúc khải hoàn – tiến quân lên đường, đổ một hồi dài thu quân, tế các chiến sĩ trận vong, khải hoàn mừng chiến thắng xong tiếp tục tiến quân lên đường trở lại.

Một bộ 12 trống tượng trưng cho 12 giáp với kích cỡ từ bé đến lớn, khi đánh tạo ra các âm hưởng khác nhau hòa trộn với âm thanh các nhạc khí như kèn, xập xỏa (não bạt), sanh tuyền (mõ). Tương truyền Quang Trung rất chú trọng trống trận và thích hát tuồng. Âm điệu trống trải qua hơn hai trăm năm còn lưu giữ trong dân vùng đất Tây Sơn. Qua quá trình tìm kiếm bắt gặp những tiết tấu, giai điệu rồi đem về điện Tây Sơn (thờ 3 vua) phục hồi lại từ thấp lên cao. Đến nay đội nhạc võ Tây Sơn của Nhà bảo tàng Quang Trung coi như hoàn chỉnh, thể hiện đầy đủ và trung thực truyền thống.

Nguyễn Ngọc

Vật Liễu Đôi

Làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam là mảnh đất giàu truyền thống thượng võ. Ở đây có hội vật nổi tiếng, thu hút các đô vật gần xa đến đua tài. Người dân Liễu Đôi lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của hội vật và cả truyền thuyết liên quan đến vật võ và hội vật võ mà di tích còn in dấu trên mảnh đất này. Hội kéo dài từ mùng 5 cho đến hết ngày mùng 10 tháng Giêng, trong không khí Tết Nguyên đán, dân Liễu Đôi làm mọi công việc cần thiết cho hội vật võ. Đoạn đường từ đền Ông đến sới vật (tức Nương Cửi) được dọn quang. Ngày mùng 5 tết, hội vật bắt đầu. Trường diễn hay gọi là đóng vật được chọn đặt trên mảnh đất truyền thống, đó là Nương Cửi, nơi chàng trai họ Đoàn được gươm thần thuở trước. Tham dự hội là dân làng Liễu Đôi và các làng có truyền thống vật võ gần xa. Hội vật Liễu Đôi cho phép phụ nữ được tham gia, chị em cũng được ra đóng với đao, côn, kiếm, quyền… không thua kém con trai.

Sau những nghi thức thì đến cuộc vật võ. Hội vật có nhiều nghi thức bắt buộc. Đầu tiên là nghi thức năm keo trai rốt. Trai rốt là hai cậu con trai của làng ra đời cuối cùng trong năm qua. Mở đầu cuộc vật, làng gọi tên hai trai rốt ra vật năm keo trình làng, lễ thánh. Tất nhiên trai rốt hãy còn bé chưa vật được nên bố phải vật thay. Lệ quy định, hai ông bố chỉ vật biểu diễn, không được vật thật để đối phương ngã, bởi hai ông bố ra vật với mục đích trình làng, trình Thánh chứng giám để hai đứa trẻ tương lai sẽ trở thành hai đô vật. Vì vậy nếu để bị ngã, làng sẽ bắt phạt cả hai. Có khi bố đi vắng thì ông ra vật thay, không được bỏ cuộc. Với lệ này, người dân Liễu Đôi muốn nhắn nhủ con cháu là sinh ra làm con trai thì trước hết phải là trai vật võ.

Tiếp theo là nghi thức đô xã làm nền, có nghĩa là đô Liễu Đôi vào đóng trước, giao đấu trước để gây không khí, khuyến khích tinh thần cho đô vật bốn phương. Khi đô vật bốn phương đã hăng say thì đô vật Liễu Đôi rút ra, nhường đóng cho khách, chỉ đứng ngoài cổ vũ động viên. Ai thắng được 5 keo liền thì được vào vòng giải. Ai thắng hết các đô trong vòng giải thì được giải cọc. Giải cọc là giải đặc biệt, tiếp đến là giải thứ: nhất, nhì, ba, cuối cùng là giải cuộc trao cho tất cả những người vào đóng vật. Như vậy, cả người thua cũng có giải. Phần thưởng trao giải là tiền hảo tâm của thập phương công đức, ngoài việc chi vào đèn nhang, còn lại bao nhiêu phải chi hết vào giải, nếu còn chút ít thì cho người nghèo ngay tại chỗ.

Vào đóng, đô vật chỉ được đóng khố, không mặc quần áo. Những miếng hiểm độc làm hại đối phương bị cấm. Ai phạm luật bị xử rất nghiêm khắc. Người phạm luật bị phạt đứng giữa đóng cho một đô vật khỏe hơn bê vứt ra khỏi đóng và năm đời con cháu không được tham gia vật võ.

Tinh thần thượng võ của người Liễu Đôi được thể hiện ở lễ trầm tự, được tiến hành vào đêm 30 tết tại chùa Ba Chạ. Trầm tự có nghĩa là chém chữ. Tương truyền có một vị tướng đời nhà Trần khi về đây thao binh luyện tướng đến khi ra quân đã trao lại cho 5 làng của xã Liễu Đôi một cuốn binh thư có tên là Võ trận. Người dân Liễu Đôi truyền đời phải học thuộc binh thư đó. Đêm 30 tết, các tộc trưởng đeo gươm vào đền thờ Thánh trước mặt là băng giấy ghi chữ đầu trang của tập Võ trận. Đúng giao thừa, đèn nến vụt tắt, mỗi tộc trưởng vung gươm chém một nhát lên băng giấy trước mặt. Chém được đoạn giấy nào thì nhận lấy đoạn giấy ấy. Xong lễ, đèn nến sáng trở lại, từng họ xem các chữ đầu của băng giấy biết được họ mình năm đó phải học thuộc đoạn nào trong sách. Nhiều năm như thế, các dòng họ có thể thuộc lòng quyển binh thư. Đến thời Pháp thuộc, việc dùng gươm chém băng giấy đã được thay bằng việc rút thẻ. Ngày nay, cuốn Võ trận không còn nên lễ trầm tự cũng không còn nhưng ký ức về tục lệ đó chứng tỏ tinh thần thượng võ của người dân Liễu Đôi.

Hà Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.