Kỳ lạ thể thao thế giới: Chessboxing lên ngôi

22/01/2016 12:34 GMT+7

“Trí óc và cơ bắp”, “môn thể thao phối hợp hoàn hảo của thế kỷ 21”, “một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng”... là những cách mà mọi người mô tả về môn thể thao đầy thú vị kết hợp giữa quyền anh và cờ vua: chessboxing.

“Trí óc và cơ bắp”, “môn thể thao phối hợp hoàn hảo của thế kỷ 21”, “một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng”... là những cách mà mọi người mô tả về môn thể thao đầy thú vị kết hợp giữa quyền anh và cờ vua: chessboxing.

Chessboxing đang dần tạo nên hấp lực lớn trong thể thao - Ảnh: www.thechive.com
Chessboxing đang dần tạo nên hấp lực lớn trong thể thao - Ảnh: www.thechive.com
Biến trí tưởng tượng thành hiện thực
Nhiều người có thể từng biết chessboxing qua ca khúc Da Mystery of Chessboxin của nhóm nhạc hip hop nổi tiếng của Mỹ Wu-Tang Clan trong năm 1993. Ca khúc này lấy cảm hứng từ một bộ phim kung fu vào năm 1979 của đạo diễn người Nhật Bản Joseph Kuo có tựa đề Mystery of Chessboxing, hay còn được gọi là Ninja Checkmate. Trước đó, năm 1992, cuộc so tài chessboxing lại được phác họa trong cuốn tiểu thuyết bằng tranh Froid Equateur của họa sĩ người Pháp Enki Bilal với ý tưởng về một cuộc thi thố giữa 2 đấu sĩ được xen kẽ bởi những hiệp đấu cờ vua và quyền anh. Thời điểm này không ai nghĩ đến việc chessboxing sẽ trở thành môn thể thao chính thống sau này bởi cờ vua và quyền anh gần như nằm ở 2 thái cực đối nghịch nhau: trí óc - cơ bắp, tĩnh - động, âm mưu - hành động...
Kể từ năm 2003, chessboxing được “đổi đời” khi nghệ sĩ người Hà Lan Iepe Rubingh lấy ý tưởng từ cuốn tiểu thuyết Froid Equateur để lên kế hoạch tổ chức một cuộc đấu chessboxing. Ban đầu, Rubingh rủ luật sư đồng hương Jean-Louis Fainstra cùng tập luyện quyền anh nhằm hướng đến cuộc thượng đài chessboxing. Ông bạn luật sư chết lặng bởi gợi ý dường như quá khó của Rubingh. Cùng thời điểm, Rubingh đạt được một số thỏa thuận bảo trợ cho cuộc đấu chessboxing từ Hiệp hội Quyền anh và Liên đoàn Cờ vua Hà Lan để tiến hành thành lập Tổ chức Chessboxing thế giới (WCBO) tại Berlin (Đức). Thế là cuộc đụng độ chessboxing đầu tiên giữa Rubingh và Jean Louis Veenstra thuộc hạng bán trung diễn ra tại Amsterdam vào tháng 11.2003 và thu hút hơn 1.200 khán giả hiếu kỳ. Cả hai đấu thủ tranh tài trong 11 hiệp đấu xen kẽ cờ vua (6 hiệp) và quyền anh (5 hiệp). Phần thắng cuối cùng thuộc về nghệ sĩ người Hà Lan sau khi đối thủ Veenstra vượt giới hạn thời gian chơi cờ. Rubingh mặc nhiên đi vào lịch sử chessboxing với tư cách nhà vô địch thế giới đầu tiên.
Thú vị luật chơi
Địa điểm thi đấu chessboxing là các võ đài quyền anh. Hai đấu thủ, nam hoặc nữ (trên 17 tuổi và thi đấu ở 4 hạng cân) đụng độ nhau trong 11 hiệp đấu (6 hiệp cờ và 5 hiệp quyền anh).
Chuông reo, cả hai đấu thủ ngồi vào vòng tròn của võ đài và bắt đầu thi đấu cờ vua (theo kiểu cờ chớp), hiệp đầu tiên kéo dài 4 phút. Các đấu thủ đều được trang bị một tai nghe lớn để át tiếng ồn ào và gợi ý từ đám đông ở các khán đài, trong khi ván đấu được trực tiếp ở màn hình lớn trong võ đài.
Sau hiệp cờ, đấu thủ lùi vào góc khán đài để chuẩn bị găng tay đấu quyền anh ở hiệp thứ 2 kéo dài 3 phút. Cứ thế, đấu cờ vua và quyền anh lần lượt xen kẽ nhau cho đến 11 hiệp và giữa các hiệp có thời gian nghỉ 1 phút để các đấu thủ chuẩn bị.
Phần thắng sẽ thuộc về đấu thủ chiếu bí đối phương trên bàn cờ hoặc hạ knock-out ở võ đài quyền anh. Trong trường hợp cuộc đấu kéo dài hết 11 hiệp, thể lệ tính điểm giống như của cờ vua và quyền anh, trong đó đấu thủ sẽ bị trừ điểm cờ vua nếu bị vượt quá 10 giây cho một nước cờ.
Người thắng sẽ có tổng điểm cờ vua và quyền anh cao hơn với tiền thưởng khoảng 1.500 euro và cuộc đấu hòa nếu số điểm bằng nhau. Trọng tài cũng có thể truất quyền thi đấu đối với đấu sĩ nếu nhiều lần bị nhắc nhở và cảnh cáo về lỗi cờ vua hoặc quyền anh.
Điều thú vị là không phải các võ sĩ quyền anh hay đại kiện tướng cờ vua có thể chiếm ưu thế ở chessboxing chuyên nghiệp. Bởi muốn xung trận môn đấu mới mẻ này, võ sĩ quyền anh phải là đại kiện tướng trong làng cờ vua với elo ít nhất 1.600, trong khi các đại kiện tướng cờ vốn “chân yếu tay mềm” phải có thể lực, sức chịu đựng và kỹ năng về quyền anh.
Chessboxing vượt biên giới
Hai năm sau cuộc đấu đầu tiên tại Amsterdam, giải vô địch châu Âu chessboxing được tổ chức với danh hiệu vô địch thuộc về đấu sĩ người Bulgaria Tihomir Atanassov Dovramadjiev sau khi chiếu bí đối thủ Andreas ‘D’Schneider (Đức) ở hiệp thứ 7.
Kể từ đó các CLB chessboxing khắp thế giới bắt đầu mọc lên để tranh tài ở giải vô địch thế giới hằng năm. Theo nghệ sĩ kiêm đấu sĩ Rubingh (hiện là Chủ tịch WCBO), sau hơn một thập niên, ước tính có khoảng gần 1.000 đấu sĩ chessboxing “biên chế” WCBO thuộc các CLB ở Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Nam Phi, Úc, Nga, Mỹ, Bulgaria... và hơn 500 triệu người theo dõi các cuộc cạnh tranh kỳ thú này.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chessboxing nhiều khả năng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và có thể chạy đua vào hệ thống thi đấu Olympic bởi hấp lực và sự thú vị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.