Kỳ thú câu cá thể thao

13/01/2016 09:24 GMT+7

Loại hình trước đây chỉ phục vụ mưu sinh giờ đã thu hút tới 5.000 hội viên, toàn những người đầy đam mê và có điều kiện dư dả, sinh hoạt chuyên nghiệp trong mấy chục CLB trải dài từ bắc chí nam.

Loại hình trước đây chỉ phục vụ mưu sinh giờ đã thu hút tới 5.000 hội viên, toàn những người đầy đam mê và có điều kiện dư dả, sinh hoạt chuyên nghiệp trong mấy chục CLB trải dài từ bắc chí nam.
Các cần thủ tại một cuộc thi - Ảnh: N.H
Những ai quen thuộc với hình ảnh người câu cầm chiếc cần tre tự làm trên một bờ ao nhà quen thuộc chắc chắn sẽ “choáng” nếu mục sở thị một giải câu cá cấp quốc gia. Trung bình mỗi năm câu cá thể thao VN tổ chức tới 8 giải đấu tầm cỡ, mỗi giải từ 150 - 200 cần thủ đến từ hơn 30 CLB của cả nước tham gia tranh tài. Riêng các giải mở rộng số lượng lên tới 600 - 700 cần thủ.
180 phút cương - nhu với cần câu
Để xuất hiện trong một trận đấu với 2 hiệp, mỗi hiệp 90 phút, với từng kỳ thủ là cả một quy trình kỳ công, phức tạp và tốn kém. Cần thủ bước vào ô quy định, tháo dỡ đồ đạc trên một chiếc xe chuyên dụng cồng kềnh. Nào là rút cần câu, giỏ đựng cá nhiều nấc, ghế có chân ngoạm vào đá kè giúp cần thủ ngồi dễ dàng... Rồi họ hòa mồi, nặn mồi câu thơm phức, chứ không câu bằng giun hay tôm. Đồ đạc xếp ra ngay ngắn trên bờ, khi có pháo hiệu của trọng tài, các vật dụng phục vụ câu cá mới được thả xuống nước. 180 phút “chiến đấu” bắt đầu.
Các cần thủ chứng tỏ đẳng cấp qua sự cương - nhu với cần câu, trong sự nghiêm trang của trọng tài cặp kè đứng bên bắt lỗi. Khi cá cắn, cần thủ không nhấc thẳng mà quần cho nó mệt và nhấc chéo lên cho vào vợt rồi vứt vào giỏ. Ai có khối lượng cá câu cao nhất sẽ là người chiến thắng. Tại giải câu Tràng An tổ chức cuối năm 2015, người vô địch câu được tổng cộng 35 kg cá.
Nhẫn nại chờ cá cắn câu - Ảnh: N.Hường
Từ tự phát lên quy củ
Muốn làm một cần thủ, theo cần thủ kỳ cựu Nguyễn Anh Sơn (CLB Thành Nam, Nam Định), trước hết phải có một bộ đồ nghề “ra hồn”, trong đó quan trọng nhất là cây cần có thể kéo ra kéo vào như ăng ten làm bằng graphite hay carbon. Mức giá phổ thông nhất cho một bộ đồ nghề từ 29 - 35 món cũng phải 15 - 20 triệu đồng. Một số “đại gia” chi tới cả trăm triệu nhập hàng “khủng” từ Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, thiết bị cũng chỉ là một chuyện. Điều quyết định thành công của một cần thủ phải là kỹ năng câu, trước hết là kỹ năng chế mồi câu. Cần thủ Nguyễn Sơn Hùng (CLB Tràng An, Hà Nội) cho hay: “Tôi đã trải qua 4 - 5 buổi tập miệt mài mỗi tuần trong nhiều năm mới tạo ra sự ổn định, sau đó mới nâng cao trình độ”.
Có thể thấy phong trào câu cá theo hướng thể thao đang bùng nổ tại VN, đặc biệt từ khi Hiệp hội Câu cá thể thao VN ra đời vào cuối năm 2015. Chính hiệp hội đã mang tới một cú “hích” để câu cá từ loại hình tự phát, giải trí thuần túy trở thành một môn có tổ chức và phát triển vượt bậc. Số CLB thành viên đã vượt quá 40, trải khắp từ Hà Giang, Điện Biên cho tới Cà Mau, Bạc Liêu, với số lượng cần thủ sinh hoạt thường xuyên lên tới 5.000. Trung bình mỗi năm có khoảng 8 cuộc đấu trong hệ thống, chưa kể mấy chục giải của các địa phương, CLB.
Riêng giải VĐQG và giải CLB toàn quốc được Tổng cục TDTT công nhận và bảo trợ, với các tiêu chí chặt chẽ. Các cần thủ Việt xuất sắc cũng đã bắt đầu biết đến các chuyến du đấu quốc tế, mà nổi bật là cuộc “vác cần đi câu xứ người” rất thành công của 12 tuyển thủ tại giải câu cá các nước ASEAN.
Điểm đặc biệt ở môn này là các giải câu cá đều tự chủ 100% về kinh phí. Hiệp hội Câu cá thể thao VN ngay từ khi thành lập đã không phải “xin” tiền nhà nước. Tuy chưa giàu song hiệp hội cũng đã đảm bảo kinh phí hoạt động, với mức 300 - 500 triệu đồng mỗi năm, chưa tính các khoản huy động trực tiếp cho các giải đấu. Mới đây, tổ chức này còn vận động được một nhà tài trợ đồng hành với giải CLB toàn quốc trong... 10 năm.
Chủ tịch hiệp hội, ông Nguyễn Viết Chức khẳng định môn này sẽ được thể thao hóa mạnh mẽ. Tới đây, luật thi đấu sẽ được ban hành. Đề án xây dựng trung tâm đào tạo - huấn luyện - thi đấu câu cá thể thao VN cũng đang được khởi động.
Câu cá là môn mà các giải đấu có mức lệ phí thuộc diện cao nhất, trung bình 1 triệu đồng với mỗi cần thủ dự tranh. Vì thế, chỉ một giải đấu cấp địa phương như giải Hà Nam mở rộng 2015 cũng đã thu được hơn 1 tỉ đồng (600 cần thủ mỗi người nộp 1 triệu, mỗi người đi theo nộp 500.000 đồng), quá rủng rỉnh để tổ chức hoành tráng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.