Làng võ thuật Trung Quốc truy lùng 'kẻ điên' Từ Hiểu Đông

12/05/2017 10:39 GMT+7

Làng võ thuật truyền thống Trung Quốc đang dậy sóng sau khi bị một võ sĩ MMA nghiệp dư có tên Từ Hiểu Đông thách thức bằng một đoạn video cùng những lời chế giễu.

Trong gần 2 tuần qua, cái tên Xu Xiaodong (Từ Hiểu Đông) trở thành mục tiêu tìm kiếm và theo dõi số 1 trên mạng xã hội và truyền thông Trung Quốc sau một video hạ knock out võ sư Thái cực quyền Wei Lei (Ngụy Lôi) chỉ trong 10 giây bằng hàng loạt cú đấm “sấm sét”.
Theo tờ South China Morning Post, cuộc đấu diễn ra hôm 27.4 tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), được trực tiếp trên tài khoản mạng xã hội của Từ Hiểu Đông với hàng triệu người xem. Ngay sau cuộc đấu, Từ ngạo nghễ chế giễu võ thuật truyền thống Trung Quốc chỉ mang tính biểu diễn, phục vụ phim ảnh, nâng cao sức khỏe trong thời hiện đại và kém xa về tính chiến đấu trong đối kháng so với MMA (võ thuật hỗn hợp).
Võ sĩ 38 tuổi còn nhấn mạnh màn knock out võ sư Thái cực quyền đã chứng minh được tuyên bố của mình trên tài khoản mạng xã hội Sina Weibo trước đó: “Uy danh võ thuật truyền thống Trung Quốc chỉ còn lại 1% trong khi 99% còn lại là khoe khoang và giả tạo”. Đoạn video và tuyên bố của Từ ngay sau đó gây bão trên mạng xã hội và truyền thông Trung Quốc.
Tờ Global Times cho hay, trở thành nhân vật được “săn đuổi” bậc nhất trên mạng xã hội, Từ đã phải hứng chịu áp lực chỉ trích và phản ứng từ giới võ thuật và người dân Trung Quốc vì dám xúc phạm đến một trong những tinh hoa văn hóa truyền thống của quốc gia. Theo đó, nhiều võ sư và đệ tử của các môn phái võ thuật Trung Quốc đã điên tiết gửi lời thách đấu vừa để lấy lại danh dự, chứng minh đoạn video là chiêu trò quảng bá, vừa nhằm chỉ trích sự tàn bạo của MMA.
Thậm chí, triệu phú người Trung Quốc Chen Sheng còn treo thưởng hàng triệu USD cho võ sĩ nào đánh bại “Mad man” (tạm dịch: gã điên), biệt danh của Từ Hiểu Đông. Một bài báo trên Tân Hoa xã viết rằng đoạn video của Từ đã khiến mọi người hoài nghi về “đẳng cấp” của võ thuật Trung Quốc hay “Võ thuật Trung Quốc chính xác là cái gì?”.
Từ Hiểu Đông sinh ngày 15.11.1979 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Năm 1996, Từ theo học tán thủ ở Trường đại học Thể thao Bắc Kinh và sớm bộc lộ tài năng với 2 lần vô địch, 2 lần á quân địa phương, vào top 5 giải vô địch môn tán thủ thanh thiếu niên Trung Quốc. Sau đó, Từ bắt đầu thể hiện xu hướng trái với những thanh niên cùng thời theo đuổi võ thuật truyền thống Trung Quốc đang nổi đình nổi đám qua những bộ phim võ thuật. Năm 2001, Từ tìm hiểu MMA và tập luyện trước khi được chọn là đại diện của Hiệp hội Kickboxing thế giới tại giải đấu tổ chức ở Trung Quốc vào năm 2002. Một năm sau, võ sĩ này mở lớp dạy MMA ở Bắc Kinh và được ví như “võ sĩ MMA đầu tiên của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ước mơ trở thành võ sĩ MMA chuyên nghiệp của Từ phải chấm dứt vào năm 2004 do phẫu thuật chấn thương dây chằng.
Từ Hiểu Đông biến mất
Trước sự quan tâm ngoài sức tưởng tượng từ dư luận, Từ được cho là phải “chạy trốn” khi biến mất cả trên mạng xã hội và CLB dạy MMA ở Bắc Kinh, nơi võ sĩ này đang làm việc.
Theo tờ New York Times hôm qua, chỉ vài ngày sau cuộc đấu, Từ đã “bặt vô âm tín” trên tài khoản Sina Weibo, không trả lời bất cứ bình luận và câu hỏi nào, đồng thời từ chối trả lời phỏng vấn của một số kênh truyền thông. Không lâu sau đó, tài khoản của Từ cũng bị khóa bởi chính quyền địa phương trong một nỗ lực chặn đứng những tranh cãi giữa 2 trường phái võ thuật MMA và võ thuật Trung Quốc.
Hôm 10.5, CLB Battle - nơi Từ đang huấn luyện MMA nằm ở dưới tầng hầm một tòa nhà phía đông nam Bắc Kinh - cũng cửa đóng then cài. Một người dân tên Lian thường xuyên tập luyện môn wushu ở CLB nói trên tiết lộ Từ đã biến mất trước sự truy lùng gắt gao sau khi khiến giới võ thuật và đông đảo người dân nổi giận. Theo truyền thông địa phương, đoạn video và những tuyên bố của Từ còn ảnh hưởng đến kế sinh nhai của nhiều người có liên quan đến võ thuật truyền thống Trung Quốc.
Đến nay, “Mad man” vẫn chưa lộ diện trong lúc những dòng tâm tư của Từ trước đó vẫn được chia sẻ hàng loạt: “Tôi đã mất tất cả, sự nghiệp, công việc và nhiều thứ khác. Nhiều người đã hiểu sai về hành động và lời nói của tôi. Tôi chỉ muốn chống lại sự gian lận (trong võ thuật truyền thống Trung Quốc), nhưng bây giờ lại trở thành mục tiêu chỉ trích”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.