Muay Thái đi lên từ trường học

22/03/2012 03:10 GMT+7

Người Thái Lan không chỉ xem muay như môn võ để biểu diễn, thi đấu mà còn đưa vào giáo dục như một môn học ở các trường phổ thông.

Người Thái Lan không chỉ xem muay như môn võ để biểu diễn, thi đấu mà còn đưa vào giáo dục như một môn học ở các trường phổ thông.

Trò chuyện với chúng tôi trong lễ hội World Wai Kru Muay tại Ayutthaya, thầy giáo Angkool Tanprasret cho biết hầu hết học sinh phổ thông ở Thái Lan đều lựa chọn muay như môn học chính trong chương trình giáo dục thể chất cùng với cầu lông, điền kinh… “Đa phần học sinh đều đăng ký học muay do môn võ này đã chảy trong máu các em kể từ khi mới lọt lòng”, thầy Tanprasret nói. Ở các trường, học sinh chủ yếu được các thầy cô truyền thụ wai kru (ram muay) nhằm giáo dục cho học sinh tính “tôn sư trọng đạo”.

Bởi wai kru vốn là một nghi thức không thể tách rời với muay Thái với ý nghĩa tôn thờ và biết ơn người thầy và là một bài học bắt buộc đối với võ sinh muốn trở thành một võ sĩ muay thực thụ. Hơn nữa, để việc học muay ở các trường học có đất dụng võ, trong những dịp lễ hội World Wai Kru Muay, hàng ngàn học sinh và sinh viên còn được thi thố tài năng với nghi thức wai kru. Trường thắng sẽ được người Thái Lan tôn vinh, còn người thắng trong cuộc thi wai kru sẽ có được một vị thế tôn trọng khác hẳn trong bạn bè và nhà trường.

Muay Thái từ lâu đã trở thành một “phao cứu sinh” và cơ may đổi đời cho một bộ phận học sinh nghèo có cuộc sống khó khăn. Sau khi được đào tạo ở trường, chỉ cần có chút năng khiếu và chăm chỉ tập luyện ở các lò võ tại Thái Lan, từ cậu bé cho đến một số thanh niên cũng có thể thượng đài để tìm cho mình cơ hội thoát nghèo và có một đẳng cấp trong xã hội. Đầu những năm 2000, những chiến thắng trên các võ đài muay thường đem lại cho võ sĩ xấp xỉ từ 10.000 - 12.000 baht (khoảng 7 - 9 triệu đồng) tùy theo cách hạ gục đối thủ.

Trước đó, trong những năm 1990, ở Thái Lan, không ai không biết đến câu chuyện đổi đời của nhà vô địch Nong Tum, võ sĩ muay đã giải nghệ vào năm 1999 khi sở hữu thành tích đáng nể với 60 trận thượng đài, trong đó có 30 trận thắng knock-out. Năm 12 tuổi học được vài chiêu muay trong trường học nhưng do quá nghèo không thể đi học tiếp, Nong Tum tìm đến võ đài muay và bắt đầu vang danh ở Thái Lan với hàng loạt trận thắng. Số tiền thắng trận giúp Nong Tum có một cuộc sống sung túc, nhưng đổi lại là nỗi ám ảnh về những sàn đấu máu me trong ký ức, chấn thương dai dẳng…

Trong dịp Muay Thai Festival 2012, chúng tôi được gặp huyền thoại muay Thái và quyền anh thế giới Khaosai Galaxay. Dáng người nhỏ thấp, nhưng Khaosai Galaxay được người Thái Lan nể trọng khi từng giữ 19 danh hiệu vô địch WBA hạng nhẹ thế giới. Khaosai Galaxay cho biết anh khởi nghiệp từ muay Thái và yêu thích môn này từ ghế nhà trường. Sở dĩ muay phát triển mạnh không chỉ ở Thái mà còn lan tỏa ra nhiều nước do học sinh rất yêu thích luyện tập để trước hết tự vệ bản thân mình, kế đến là rèn luyện ý chí, tinh thần mạnh mẽ và khát vọng vươn lên. Nhờ vậy anh mới rèn luyện được đẳng cấp và trở thành võ sĩ lừng danh. Liệu bao giờ võ VN mới được đưa vào giờ học chính thống trong nhà trường để học sinh yêu thích và từ đó phát triển?

Nguyên Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.