Nga bị loại khỏi Paralympic 2016

26/08/2016 08:40 GMT+7

Thể thao Nga tiếp tục đón nhận cú sốc khi chính thức bị gạch tên khỏi Paralympic 2016 do kháng cáo lên Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS) bất thành.

Hôm qua, Hãng tin TASS dẫn tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Paralympic Nga (RPC) Vladimir Lukin cho biết tất cả 266 VĐV khuyết tật của nước này có thể gửi đơn kiện với tư cách cá nhân lên Tòa án nhân quyền châu Âu (ECHR) để chống lại án phạt của Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC). Trước đó, sau khi căn cứ báo cáo điều tra của luật sư người Canada Richard McLaren về bê bối bảo trợ doping của Nga, IPC quyết định loại quốc gia này khỏi Paralympic năm nay.
Cuộc điều tra cho thấy có ít nhất 35 VĐV khuyết tật của Nga dính doping được “bảo trợ” bởi quốc gia này từ năm 2012 - 2015. Cách thức “bảo trợ” được thực hiện bởi Ủy ban Phòng chống doping Nga khi hoán đổi các mẫu xét nghiệm của VĐV sử dụng doping với những mẫu xét nghiệm sạch từ người thân của họ tại Paralympic mùa đông 2014. Nhờ vậy, tại sự kiện này chủ nhà Nga đã thống trị bảng tổng sắp khi đoạt gần một nửa số HCV ở các môn tranh tài (đoạt 30 HCV trong tổng số 72 bộ HCV). 
Chủ tịch IPC Philip Craven mô tả những chiêu gian lận doping của Nga là “kinh khủng” và nhấn mạnh: “Đây là một tổ chức bảo trợ doping có hệ thống và là một mối đe dọa lớn cho thể thao thế giới. Vì vậy nó không thể hiện diện ở nơi đem đến nguồn cảm hứng vô tận cho sự bình đẳng, tinh thần thi đấu thể thao như Paralympic. Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo sự công bằng”.
Sau khi án phạt của IPC được ban hành, CAS cũng bác bỏ kháng cáo của Nga khi cho rằng IPC không vi phạm trong quy trình đưa ra quyết định và RPC không cung cấp được bằng chứng để chống lại án phạt. Phán quyết của CAS nhận sự phản ứng kịch liệt từ phía Nga. RPC tuyên bố họ thất vọng và hoài nghi về phán quyết của CAS vì nó dường như bắt nguồn từ nhiều động cơ ngoài thể thao, trong đó có chính trị. “Chúng tôi coi mình hoàn toàn vô tội.
Các VĐV đã tham khảo ý kiến của luật sư để khởi kiện với tư cách cá nhân lên ECHR”, Phó chủ tịch RPC Pavel Rozhkovcho biết. Cùng quan điểm với Nga, dư luận Trung Quốc cũng cho rằng án phạt của IPC là “vô lương tâm” và là một quyết định quá vội vàng với những bình xét trên mạng xã hội như “Olympic và Paralympic là của NATO” hay “Đừng biến thể thao thành công cụ chính trị”...
Tuy vậy theo báo giới quốc tế, các động thái phản ứng của Nga và Trung Quốc khó có thể lật ngược được án phạt của IPC do Paralympic 2016 đã cận kề và không nhận được sự đồng thuận của đa số dư luận thể thao quốc tế.
Ngoài tình cảnh khủng hoảng ngân sách tổ chức, Paralympic năm nay còn đối mặt với viễn cảnh các khán đài trống khán giả khi mới chỉ có 20% số lượng vé được bán ra. Trước tình thế đó, theo Reuters, nhiều VĐV khuyết tật nổi tiếng đã đóng góp một khoản tiền đồng thời kêu gọi quyên góp tiền mua vé cho người dân địa phương vào xem để lấp đầy khán đài ở Paralympic 2016, sự kiện có khoảng 4.500 VĐV từ 176 quốc gia tranh tài ở 23 môn thể thao từ ngày 7 - 18.9 tại Rio de Janeiro, Brazil.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.