Nghiệt ngã nữ cua rơ

13/03/2012 03:00 GMT+7

Chọn đua xe đạp, môn thể thao gian khổ để theo đuổi, những nữ cua rơ chấp nhận hy sinh đủ điều, từ nhan sắc đến những chấn thương triền miên...

Chọn đua xe đạp, môn thể thao gian khổ để theo đuổi, những nữ cua rơ chấp nhận hy sinh đủ điều, từ nhan sắc đến những chấn thương triền miên...

Ngồi tỉ tê về nghề, tay đua kỳ cựu Võ Thị Phương Phi (Cấp thoát nước-môi trường Bình Dương), người có gần 10 năm gắn bó với “ngựa sắt” nói thật như đùa: “Để phân biệt được một VĐV xe đạp lâu năm hay mới vào nghề, cứ nhìn mặt, tay, chân họ là biết ngay”. Phương Phi lý giải, với VĐV xe đạp, gặp tai nạn trong lúc luyện tập trên đường, đặc biệt là trong lúc thi đấu là chuyện “thường ngày ở huyện”. Do đó nữ cua rơ nào chơi xe đạp cũng dính chấn thương đầy mình. Một cú quệt tay lái, một tình huống bất cẩn va phải cục đá cũng đủ khiến cua rơ “đo” đường. Đó là chưa kể những tai nạn từ “trên trời rơi xuống” như đang đua bị chú chó hay đàn bò băng ào qua đường... Chỉ vô số những vết sẹo trên đôi chân, Phương Phi nói: “Thành quả của 10 năm chơi xe đạp của em đó”.

Nỗi ám ảnh tai nạn trên đường đua khiến không ít tay đua phải từ giã xe đạp. Mới đây nhất, tay đua Nguyễn Ngọc Dung (Bình Dương) nộp đơn lên ban huấn luyện xin nghỉ với lý do bạn trai không cho đua vì quá nguy hiểm. Ngọc Dung cho biết ở giải nữ quốc tế Bình Dương năm ngoái, cô đang đua thì mất tay lái và té cắm đầu xuống đất. Chứng kiến cảnh này, bạn trai tức tốc ngăn cản cô chơi xe đạp và cô đành nghe lời người yêu dù vẫn còn rất đam mê.

Do đặc thù tập luyện và thi đấu ngoài đường nên các nữ VĐV xe đạp phải trang bị kem chống nắng, sau khi đua về còn phải sử dụng nhiều loại mỹ phẩm để dưỡng da. Tuy nhiên, không phải cua rơ nào cũng có điều kiện tài chính để lo cho nhan sắc của mình bởi hầu hết họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Tay đua kỳ cựu Mai Công Hiếu, người lấy vợ cũng là cựu tuyển thủ xe đạp, chia sẻ: “Nam giới chơi xe đạp đã khổ, nữ giới chơi lại càng khổ hơn. Nhiều nữ cua rơ nghèo ở Cần Thơ, Hòa Bình, Đồng Tháp... mỗi tháng thu nhập chỉ vài triệu đồng. Một phần họ gửi về quê phụ gia đình, phần khác dùng để tiêu vặt, có VĐV còn chắt chiu để đóng học phí đi học văn hóa nên chẳng mấy VĐV nữ dư tiền để chăm lo nhan sắc”.

HLV Bành Chấn Quyền (Cấp thoát nước-môi trường Bình Dương) cho biết xe đạp là môn thể thao quá nghiệt ngã nên không mấy nữ VĐV mặn mà. Mỗi khi phát hiện được 1 nữ cua rơ có chút năng khiếu, ban huấn luyện làm mọi cách thuyết phục VĐV, sau đó đến “rào cản” gia đình nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. Ông nói: “Mỗi khi đưa được một VĐV nữ đến với xe đạp, tôi mừng như bắt được vàng”. Còn cựu tuyển thủ Mai Công Hiếu cho rằng chính vì gian khổ nên số lượng nữ cua rơ Việt Nam không nhiều. Đã vậy mỗi năm cũng chỉ có vài giải đấu dành cho họ nên không tạo được sức hấp dẫn để phái nữ đến với xe đạp.

Các nữ cua rơ lại gặp nạn

Ở chặng đua từ TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đi Tây Ninh dài 105 km tại giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương - Cúp Biwase hôm qua, các nữ cua rơ dính liên tiếp 2 tai nạn, đều do vướng tay lái vào nhau khiến cả tốp té ngã. Rất may khi chỉ một số cua rơ bị xây xát nhẹ. Tay đua Võ Thị Phương Phi giành chiến thắng chặng với thành tích 3 giờ 05’56”. Nguyễn Thị Thi (Đồng Tháp) vẫn giữ áo vàng sau 5 chặng trong khi áo xanh vẫn trong tay Nguyễn Thị Thanh (Đồng Tháp). Hôm nay diễn ra chặng Tây Ninh đi Bình Phước với lộ trình 115 km.

Quỳnh Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.