Người Hà Nội xưa chơi quần vợt, xe đạp, bơi lội như thế nào

30/08/2016 08:12 GMT+7

Phố Khâm Thiên, quận Đống Đa bây giờ có một con ngõ tên Sân Quần. Phải chăng đây từng là nơi thi đấu quần vợt (tennis) xưa ở Hà Nội?

Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả những cuốn sách, khảo cứu viết về Hà Nội, quần vợt phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội từ những năm 1930. Những người đầu tiên chơi quần vợt ở Hà Nội là người Pháp, tầng lớp thượng lưu, tư sản, lính Pháp, công chức Pháp.
Những sân quần vợt đầu tiên tại Hà Nội có sân Hoàng Thành (khu vực Hoàng Thành Thăng Long, giờ không còn), sân 33 Phạm Ngũ Lão (bây giờ là nhà khách 33 Phạm Ngũ Lão), sân Khúc Hạo, bây giờ là Trung tâm thể thao người khuyết tật Khúc Hạo.
Ngõ Sân Quần bây giờ Thúy Hằng
Ngõ Sân Quần phố Khâm Thiên bây giờ không còn dấu tích gì của những sân quần vợt xưa kia mà người Pháp, tầng lớp thượng lưu hay ghé lại đánh. Những năm đầu thập niên 1950 khi người dân Hà Nội đi tản cư kháng chiến về, đất chật người đông, các sân quần vợt trong con ngõ này bị phá bỏ để người dân có đất xây dựng nhà cửa. Có người dân còn cho rằng, nền của một sân quần vợt bây giờ là trụ sở UBND phường Khâm Thiên (!?). Tên Sân Quần là tên sau này người dân tự đặt ra, giống như người ta từng đặt tên một con ngõ ở Khâm Thiên là ngõ Ăn Mày (do nhiều người lang bạt, ăn mày tá túc). Ngõ Ăn Mày này bây giờ chính là ngõ Đoàn Kết.
Sau năm 1954, phong trào chơi quần vợt ở Hà Nội mất đi do lúc này rầm rộ phong trào “đả phong, bài thực” (đả phá phong kiến, bài trừ thực dân, tư sản). Thập niên 1990, quần vợt mới trở lại ở Hà Nội và ngày càng phát triển mạnh mẽ cho đến bây giờ. Trái ngược với quan niệm chỉ dành cho người thuộc tầng lớp thượng lưu, bây giờ môn quần vợt ngày càng được chơi đông đảo, rộng rãi trong xã hội.
Đua xe đạp phát triển mạnh mẽ
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến trong cuốn Đi ngang Hà Nội có viết, những bức ảnh chụp Hà Nội cuối thế kỷ 19 cho thấy thành phố đã có xe đạp và sử dụng nó là người Pháp.
Khi đường đua xi măng được xây dựng trên nền kho lương tiền cũ của Thành Hà Nội (nay là khu vực Bộ Kế hoạch đầu tư) bắt đầu xây dựng năm 1905 và hoàn thành năm 1908 thì số xe đạp tăng lên. Đường đua vòng tròn này có chiều dài 333,33 m thu hút các tay đua xe đạp các ngày cuối tuần. Một số người Việt làm tại sở Tây cũng mê đua xe đạp.
Tháng 2.1924, cuộc đua xe đường dài đầu tiên theo lộ trình: Hà Nội - Sơn Tây - Hà Nội về qua Hà Đông dài 100 km được đại lý của hãng Peugeot là Berset phố Tràng Thi tổ chức.
Một chiếc xe đạp Thống Nhất được khóa cẩn thận trước rạp chiếu phim ở Hà Nội Ảnh tư liệu
Càng về sau, đua xe đạp thu hút càng đông thanh niên Hà Nội tham gia, những cái tên nổi tiếng như Bổng, Cổng, Căn, Chức.
Đầu tiên xe đạp được nhập về Hà Nội từ Pháp, sau đó Hà Nội có cơ sở sản xuất xe đạp của chủ Pháp, chủ người Hoa hoặc cả người Việt Nam. Năm 1960, thương hiệu xe đạp Thống Nhất của Việt Nam ra đời. Những năm thập niên 70, nhà nước còn cho nhập xe Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu của Trung Quốc nên số xe đạp tăng lên. Tuy nhiên, vậy có chuyện thời bao cấp phải chờ đến vài năm, xét ưu tiên các loại để chờ được mua một chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp này được nâng niu và trân quý như một tài sản rất quý trong nhà.
Những bể bơi đầu tiên của Hà Nội ở Hồ Tây
Thập niên 30 thế kỷ 20, bộ môn bơi lội đã phát triển rầm rộ ở Hà Nội. Để lấy nơi tập bơi, thi đấu bơi lội, những năm 1936-1937. người ta quây cả một góc Hồ Tây để làm bể bơi (khu vực chùa Trấn Quốc bây giờ), còn gọi khu vực đó là “Tiểu Đồ Sơn”. Sau đó, sau khi có một vài vụ chết đuối xảy ra ở đây, người ta chọn khu vực Quảng Bá làm bể bơi, đó là vào những năm 1940.
Đó là quần vợt, bơi lội, môn bóng bàn còn phát triển rầm rộ sớm hơn ở Hà Nội và sức sống mãnh liệt, cho đến ngày hôm nay.
Các tư liệu cho thấy ở Hà Nội xưa, phong trào chơi bóng bàn nở rộ từ những năm 1908. Chơi bóng bàn đơn giản, chi phí thấp, nên bóng bàn được ưa chuộng, người chơi thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.
Phố Hàng Khay nhìn từ Ngã tư Tràng Tiền những năm đầu thế kỷ 20 có thể thấy đường phố lúc này rất vắng vẻ, những chiếc xe kéo vẫn là phương tiện phổ biến Ảnh tư liệu
Môn đi bộ cũng có mặt rất sớm ở Hà Nội từ thập niên 1930, ngày đó, môn tiểu thư đi bộ đã bùng nổ. Tầng lớp du học sinh từ Pháp trở về với tư duy đổi mới, cách tân đã thổi một làn sóng mới mẻ vào các hoạt động văn hóa, thể thao Hà Nội thời gian đó.
Người ta thường nghĩ rằng, bóng rổ là môn thể thao có tuổi đời ít ỏi tại Hà Nội, tuy nhiên, từ thập niên 30 thế kỷ trước, bóng rổ đã là môn học bắt buộc trong nhiều trường trung học tại Hà Nội. Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, trường Bưởi (THPT Chu Văn An bây giờ), trường Albe Xaro (Văn phòng T.Ư Đảng), muốn đỗ tú tài phải học và thi môn bóng rổ.
Môn đua ngựa cũng có lịch sử khá sớm tại Hà Nội, do trước đây ngựa còn là một phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa. Có tài liệu có ghi, một ông chủ người Pháp, chủ mấy căn biệt thự phố Phan Đình Phùng có cả một trại nuôi ngựa ở Phú Thọ chuyên để cung cấp ngựa đua trong các cuộc thi đấu, có cá cược. Cung thể thao Quần Ngựa bây giờ chính là một nơi từng diễn ra các cuộc đua ngựa xưa kia ở Hà Nội, còn ga Hàng Cỏ (bây giờ là ga Hà Nội) là nơi phân phối cỏ cho ngựa kéo xe, ngựa đua ở Hà Nội xa xưa.

tin liên quan

Hơn 12.000 người xem Cúp vàng World Cup
Hôm qua 1.1, hơn 12.000 người đã đến Cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội để xếp hàng, chờ đến lượt vào chiêm ngưỡng và chụp hình cùng chiếc Cúp vàng FIFA World Cup danh giá. 15 giờ tuyển thủ Mạc Hồng Quân cũng có mặt, cống hiến những màn tâng bóng nghệ thuật và chụp hình cùng người hâm mộ bên Cúp vàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.