Nhân tài Việt trên đất khách (Kỳ 3)

30/07/2010 08:38 GMT+7

Kỳ 3: Dennis Phan & mervin Tran với đam mê trượt băng nghệ thuật Trượt băng nghệ thuật là một bộ môn xa lạ với người Việt Nam. Nhưng nếu được tập luyện, những người mang dòng máu Việt Nam cũng có thể trượt băng nghệ thuật như bất kỳ người châu Âu nào. Dennis Phan và Mervin Trần là 2 gương mặt tiêu biểu.

Mervin Trần và đồng đội nữ Takahashi người Nhật

Kỳ 3: Dennis Phan & mervin Tran với đam mê trượt băng nghệ thuật

Trượt băng nghệ thuật là một bộ môn xa lạ với người Việt Nam. Nhưng nếu được tập luyện, những người mang dòng máu Việt Nam cũng có thể trượt băng nghệ thuật như bất kỳ người châu Âu nào. Dennis Phan và Mervin Trần là 2 gương mặt tiêu biểu.

Mervin Trần đến từ Canada. Cha anh là người Việt Nam và mẹ anh đến từ Campuchia. Mervin Trần có bề ngoài không khác bất kỳ chàng trai nào của Việt Nam, dáng người vừa phải (1,74 mét), tóc đen, da vàng. Như nhiều đứa trẻ khác tại Canada, Mervin Trần tiếp xúc với trượt băng rất sớm, ngay khi 4 tuổi, nhưng khi đó trượt băng với anh chỉ là trò chơi. Cha mẹ của Mervin Trần ban đầu muốn anh chơi khúc côn cầu. Tuy nhiên, các HLV trong đội khúc côn cầu cho rằng Mervin Trần cần phải rèn luyện tốt kỹ năng di chuyển trên băng trước khi chơi khúc côn cầu. Mervin Trần cho biết trên Golden Stake rằng: “Tôi đã theo học chương trình “CanStake” và sau khi hoàn thành chương trình, tôi muốn trượt băng nghệ thuật hơn là khúc côn cầu”. Khi 13 tuổi, Mervin Trần đã có thể thực hiện được những động tác khó như xoay 3 vòng trên không.

Ban đầu, chàng trai sinh năm 1990 này biểu diễn đơn và năm 17 tuổi, anh xếp hạng 9 trong giải trượt băng nghệ thuật tại Canada. Từ tháng 7.2007, Mervin Trần chuyển sang thi đấu nội dung đôi khi tìm được đối tác lý tưởng là vận động viên trượt băng nghệ thuật đến từ Nhật, Narumi Takahashi. Thực ra, năm 2007, Takahashi chủ động sang Canada tập luyện nâng cao trình độ và tìm đối tác mới thích hợp. Các HLV Richard Gauthier và Bruno Marcott khuyên cô nên chọn Mervin Trần là đối tác. Ngay từ lần tập thử đầu tiên, Takahashi đã bị thuyết phục bởi Mervin Trần và nhận xét: “Trong hôm đầu tập cùng, chúng tôi đã thử động tác nâng. Tôi nghĩ anh ta là thiên tài vì có thể nâng tôi dễ dàng. Anh ta học hỏi rất nhanh, rất đáng khen. Tôi không tin là có thể tìm một chàng trai thú vị như thế”. Bản thân Mervin Trần cũng thừa nhận: “Tôi rất ngạc nhiên về buổi tập hôm ấy vì trước đó, tôi chưa hề có kinh nghiệm”.


Dennis Phan vô địch giải trượt băng nghệ thuật trẻ Mỹ 2003 - Ảnh: Getty Images

Năm 2008, cả hai dự giải vô địch trẻ thế giới lần đầu tiên và xếp thứ 15. Năm ngoái, họ nhích thêm một bước khi xếp thứ 7 và tại giải vô địch trẻ thế giới tại Hà Lan hồi tháng 3 vừa qua, họ đoạt HCB. Ngoài ra, họ còn đoạt HCV tại Torun Cup thuộc hệ thống giải 2009-2010 ISU Junior Grand Prix. Trong tất cả các lần đó, cặp đôi này không đại diện cho Canada mà đại diện cho Nhật.

Trang Leaderpost hồi đầu tháng 4 vừa qua cho biết phía Nhật rất muốn Mervin Trần thi đấu cho họ tại Olympic mùa Đông 2014. Nhưng để cùng Takahashi dự giải đấu mà mọi vận động viên trượt băng thế giới đều mơ ước dưới màu áo Nhật, Mervin Trần cần phải chuyển quốc tịch Nhật. Do luật Nhật không cho phép quốc tịch kép nên để thành công dân Nhật, Mervin Trần phải bỏ quốc tịch Canada mà anh không hề muốn điều đó.

Còn Dennis Phan lớn hơn Mervin Trần 5 tuổi và anh từng đoạt ngôi vô địch tại giải trượt băng nghệ thuật trẻ Mỹ năm 2003. Theo Dennis Phan, mẹ anh là người sinh ra tại Biên Hòa còn anh chưa thấy cha bao giờ. Con đường đưa Dennis Phan đến sân băng nghệ thuật rất đơn giản. Mẹ của Dennis Phan hướng dẫn các con di chuyển trên băng từ nhỏ vì xung quanh nhà quá nhiều đoạn đường băng trơn trượt. Dennis Phan cho biết mẹ anh đã đi học trượt băng để dạy các con vì bà không muốn anh em Dennis Phan cảm thấy thiếu thốn sự chăm sóc của người cha. Từ những bài học đó và tình thương của mẹ, Dennis Phan đã trở thành một vận động viên trượt băng nổi tiếng tại Mỹ và là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Bắc Mỹ. Trong các giải vô địch của các bang giáp Thái Bình Dương 5 năm qua, Dennis Phan đã 3 lần đoạt HCV.

Anh Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.