Nhờ đâu judo Nhật Bản “lột xác” ngoạn mục sau giai đoạn đen tối 2012 ?

Lan Chi
Lan Chi
24/08/2019 18:25 GMT+7

Sau kết quả “thảm họa” ở Olympic 2012 tại London, Anh, judo Nhật đã cải tổ triệt để nhằm hướng đến các kỳ Thế vận hội sau, đặc biệt là Tokyo 2020 trên sân nhà.

Xứ hoa anh đào chuẩn bị tổ chức Giải Vô địch Judo thế giới, từ ngày 25.8 - 1.9. Đây có thể xem là “giải bản lề” của môn Judo trước thềm Olympic 2020 tại Tokyo. Dựa trên thành tích các giải đấu lớn của thế giới từ hơn 5 năm qua, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá ngôi nhất toàn đoàn sẽ khó lọt khỏi tay đội chủ nhà.

Nhưng cách đây 7 năm, đội tuyển judo Nhật Bản đã trải qua một kỳ Olympic “đen tối” nhất trong lịch sử khi “chỉ” giành 1 HCV, 3 HCB và 3 HCĐ. Lần đầu tiên, không có võ sĩ nam nào của nước này bước lên bục cao nhất của Thế vận hội. Đâu là chìa khóa của sự thay đổi ấn tượng này?

Tinh thần trách nhiệm

Năm 2013, Liên đoàn Judo Nhật Bản (AJJF) có tân Chủ tịch, là doanh nhân Shoji Muneoka, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Nippon Steel & Sumitomo Metal Industries, tập đoàn thép lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Arcelor Mittal. Ông Muneoka từng tập luyện judo trong nhiều năm và là thành viên đội tuyển judo của Đại học Tokyo.

Ông lập kế hoạch xây dựng lại AJJF và đội tuyển quốc gia, với “kiến trúc sư” là huyền thoại judo của thế giới Yasuhiro Yamashita, người từng giành HCV hạng không kể cân tại Olympic 1984 và kỷ lục bất bại trong 9 năm liền (1977-1985) cùng 4 chức vô địch thế giới. Những tên tuổi lẫy lừng của judo Nhật được giao nhiệm vụ “làm mới” đội tuyển quốc gia: Giám đốc Kỹ thuật Jun Konno, Huấn luyện viên trưởng đội nam Kosei Inoue, Huấn luyện viên trưởng đội nữ Katsuyuki Masuchi.

Các võ sĩ Nhật được hun đúc lòng tự hào dân tộc nên luôn nỗ lực tối đa khi được đại diện cho quốc gia trên sàn đấu

Trung tâm của những cải cách toàn diện được Chủ tịch AJJF Shoji Muneoka và Phó Chủ tịch Yasuhiro Yamashita đề ra chính là vận động viên. Nếu như ở liên đoàn và ban huấn luyện đội tuyển, từng thành viên đều được tin tưởng giao nhiệm vụ theo thế mạnh và chuyên môn thì với các vận động viên, ý thức trách nhiệm cũng được đẩy lên hàng đầu.

Chuyên san L’Esprit du Judo dẫn lời Huấn luyện viên đội tuyển nam Nhật Bản Kosei Inoue cho biết: “Chúng tôi không ngừng nhấn mạnh với các võ sĩ về tinh thần dân tộc và về việc khi thi đấu quốc tế, họ được đại diện cho quốc gia nên phải có trách nhiệm với điều đó. Càng ngày, họ càng cảm thấy tự hào khi mang quốc kỳ trên ngực áo bước ra sàn đấu”.

Các tuyển thủ cũng được cung cấp thông tin về việc quản lý tài chính ở AJJF, về chi phí, công tác tổ chức các đợt tập huấn, thi đấu giải để hiểu được họ đã được tạo điều kiện như thế nào và cần nỗ lực tối đa để phát huy những điều kiện đó, theo Giám đốc Kỹ thuật AJJF Jun Konno.

Mở cửa tâm hồn

Việc đào tạo nền tảng của Nhật Bản cho thiếu nhi, thiếu niên cực kỳ tốt nên vận động viên của nước này luôn tỏ ra vượt trội về kỹ thuật ở các giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, trình độ judo của các nước trên thế giới cũng ngày càng phát triển, kèm theo đó là các phong cách đánh, chiến thuật, sở trường vô cùng đa dạng. Để “thích nghi” với sự đa dạng này, “vận động viên phải có tinh thần cởi mở”, ông Kosei Inoue nhận định.

Ngoài ra để “mở cửa tâm hồn”, ngoài judo, thỉnh thoảng các tuyển thủ Nhật còn được học những khóa học về văn hóa truyền thống như thư pháp, làm gốm, thiền hoặc khuyến khích tham gia các chương trình thiện nguyện do đội tuyển tổ chức. Việc tìm hiểu văn hóa truyền thống sẽ thúc đẩy thêm lòng yêu nước của các tuyển thủ, đồng thời giúp họ biết thêm nhiều lãnh vực mới, có tinh thần cởi mở để đón nhận những điều mới lạ.

Các đợt tập huấn quốc gia chú trọng tính thực nghiệm và khoa học

Khi áp dụng vào chuyên môn, các vận động viên Nhật sẽ dễ dàng ghi nhớ phong cách đánh của những cường quốc về judo hay của những vận động viên nổi bật ở từng hạng cân. Kế đến, họ được tập luyện với những tình huống chiến đấu theo các phong cách ấy và tìm cách khắc chế bằng kỹ thuật truyền thống của Nhật.

Giáo án trong các kỳ tập huấn của đội tuyển quốc gia Nhật Bản kể từ năm 2013 cũng nhấn mạnh hơn đến tính thực nghiệm và tính khoa học. Chẳng hạn, trong giải, thông thường giữa các trận đấu luôn có thời gian nghỉ để chờ đến vòng sau. Vì thế, ở các đợt tập huấn, các bài tập cường độ cao sẽ được xen kẽ với các bài tập hồi phục nhẹ nhàng, theo như nhịp độ của một giải đấu.

Chương trình cải tổ đã thành công rực rỡ, kể từ 2013, Nhật Bản luôn giành ngôi nhất toàn đoàn một cách thuyết phục tại những giải vô địch thế giới và tại Olympic Rio 2016. Khi đã thiết lập được một hệ thống vận hành “trơn tru”, với một tập thể vô cùng gắn kết, Chủ tịch Shoji Muneoka yên tâm rút lui và giao lại “con thuyền” AJJF cho “thuyền trưởng” Yasuhiro Yamashita vào tháng 6.2017.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.