Những luật lệ cơ bản của futsal: Mỗi đội còn ít hơn 3 cầu thủ, trận đấu bị huỷ

18/02/2016 12:43 GMT+7

Bóng đá trong nhà (futsal) được thi đấu giữa hai đội, đội hình chính thức ra sân mỗi bên gồm 5 cầu thủ và một số cầu thủ dự bị. Canh giữ cầu môn mỗi bên vẫn là vị trí thủ môn như thông thường. Quả bóng thi đấu nặng và nhỏ hơn quả bóng đá thông thường...

Bóng đá trong nhà (futsal) được thi đấu giữa hai đội, đội hình chính thức ra sân mỗi bên gồm 5 cầu thủ và một số cầu thủ dự bị. Canh giữ cầu môn mỗi bên vẫn là vị trí thủ môn như thông thường. Quả bóng thi đấu nặng và nhỏ hơn quả bóng đá thông thường...

Luật chơi của môn futsal do FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) hoặc AMF (Hiệp hội bóng đá trong nhà thế giới) ban hành và duy trì, nó cũng có thể được lựa chọn trong khuôn khổ cho phép để thích hợp với mỗi giải đấu và mỗi địa phương.
* Số lượng cầu thủ

1. Cầu thủ:

Mỗi trận đấu phải có hai đội, mỗi đội có tối đa là 5 cầu thủ, trong đó có một thủ môn.
Mỗi trận đấu phải có hai đội, mỗi đội có tối đa là 5 cầu thủ, trong đó có một thủ môn - Ảnh: Ngô Nguyễn
2. Trình tự thay thế cầu thủ:

Trong bất kỳ trận đấu nào của một giải chính thức do FIFA, Liên đoàn bóng đá Châu lục hay Liên đoàn bóng đá quốc gia điều hành, cầu thủ dự bị đều được sử dụng để thay thế.

Số lượng cầu thủ dự bị tối đa là 7. Số lần thay đổi cầu thủ dự bị (kể cả thay thế thủ môn dự bị) trong một trận đấu không hạn chế.

Cầu thủ đã thay ra sân vẫn được quyền vào lại sân thi đấu thay thế cầu thủ khác. Việc thay cầu thủ dự bị có thể được tiến hành khi bóng trong cuộc hoặc ngoài cuộc, nhưng phải được thực hiện đúng các quy định sau đây:

+ Cầu thủ bị thay thế phải rời sân qua khu vực thay cầu thủ của đội mình

+ Cầu thủ được thay thế cũng phải vào từ khu vực thay cầu thủ của đội mình và phải đợi cầu thủ bị thay thế đã hoàn toàn ra khỏi sân thi đấu.

+ Một cầu thủ dự bị được tham gia thi đấu hay không là quyền thuộc về quyết định của trọng tài.

+ Việc thay người kết thúc khi cầu thủ bị thay đã rời sân và cầu thủ được thay thế đã vào sân. Lúc này cầu thủ dự bị trở thành chính thức và cầu thủ bị thay thế không còn là cầu thủ chính thức nữa.

Cầu thủ nào cũng có thể thay thế vị trí của thủ môn.

3. Lỗi và cách xử phạt:

a. Trong khi thay người, nếu một cầu thủ dự bị vào sân khi cầu thủ bị thay thế chưa rời khỏi sân hoàn toàn thì:

- Dừng trận đấu.

- Buộc cầu thủ bị thay thế nhanh chóng rời sân.

- Cảnh cáo và phạt thẻ vàng cầu thủ vào sân và buộc cầu thủ đó rời khỏi sân để hoàn tất thủ tục thay người.

- Trận đấu được bắt đầu lại bằng quả phạt gián tiếp cho đội đối phương tại nơi bóng dừng.

b. Trong khi thay người, nếu một cầu thủ dự bị vào sân hoặc cầu thủ bị thay thế rời khỏi sân không đúng khu vực thay cầu thủ của đội mình thì:

- Dừng trận đấu.

- Cảnh cáo, phạt thẻ vàng cầu thủ vi phạm và buộc cầu thủ đó rời khỏi sân để tiến hành đúng thủ tục thay người.

- Trận đấu được tiếp tục bằng quả phạt gián tiếp cho đội đối phương tại chỗ bóng dừng.

Những quyết định của Hội đồng Luật quốc tế:

Để bắt đầu trận đấu, mỗi đội phải có 5 cầu thủ.

Trong trường hợp nhiều cầu thủ bị truất quyền thi đấu, nếu một trong hai đội không còn đủ 3 cầu thủ trên sân (kể cả thủ môn), trận đấu sẽ bị huỷ bỏ.

Một quan chức đội bóng có thể được chỉ dẫn chiến thuật cho các cầu thủ trong suốt trận đấu. Tuy nhiên, các quan chức không được cản trở cầu thủ, trọng tài trong khi họ thi đấu và làm nhiệm vụ trên sân, và phải luôn có hành vi, cư xử đúng mực.

* Thời gian thi đấu

1. Thời gian trận đấu:

Một trận đấu gồm 2 hiệp, mỗi hiệp 20 phút.

Việc theo dõi từng trận đấu do trọng tài bấm giờ chịu trách nhiệm - Ảnh: Ngô Nguyễn
Ngay trước khi kết thúc mỗi hiệp đấu, nếu một đội bóng được hưởng quả phạt đền hoặc quả đá phạt trực tiếp, hiệp đấu đó phải được kéo dài đủ để thực hiện xong quả phạt đó.

2. Thời gian hội ý:

Trong mỗi hiệp đấu, các đội được quyền hội ý một lần với thời gian 1 phút nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a. Quan chức của đội mới được quyền yêu cầu thời gian 1 phút hội ý thông qua trọng tài bấm giờ.

b.Trọng tài bấm giờ chỉ cho phép đội bóng hội ý khi đội bóng đó đang khống chế bóng.

c. Trọng tài bấm giờ ra hiệu cho phép đội bóng được hội ý khi bóng ngoài cuộc bằng ký hiệu hoặc tiếng còi khác với trọng tài chính.

d. Khi hội ý, các cầu thủ dự bị phải ở bên ngoài sân. Các cầu thủ chỉ được thay vào sân khi thời gian hội ý kết thúc. Quan chức chỉ đạo đội bóng không được phép vào sân.

e. Nếu trong hiệp 1, đội nào không yêu cầu hội ý thì sang hiệp 2 cũng chỉ được hội ý 1 lần.

3. Thời gian nghỉ giữa 2 hiệp:

Thời gian nghỉ giữa hai hiệp không quá 15 phút.

Những Quyết định của Hội đồng Luật quốc tế:

1. Nếu trọng tài bấm giờ không có mặt tại đó, HLV đội bóng có thể trực tiếp yêu cầu trọng tài chính thời gian hội ý cho đội.

2. Không có thời gian hội ý trong thời gian thi đấu 2 hiệp phụ (Nếu điều lệ giải có quy định đấu thêm 2 hiệp phụ sau khi kết thúc 2 hiệp chính).

* Bắt đầu và bắt đầu lại trận đấu

1. Bắt đầu trận đấu:
Trước khi trận đấu bắt đầu, việc chọn sân hoặc đá quả giao bóng phải được xác định bằng cách tung đồng tiền. Đội được quyền ưu tiên sẽ được chọn cầu môn mà đội mình sẽ tấn công trong hiệp một của trận đấu. Đội kia sẽ được quyền đá quả giao bóng bắt đầu trận đấu. Đội được quyền chọn sân sẽ được đá quả giao bóng để bắt đầu hiệp 2.
Bắt đầu hiệp 2 của trận đấu, hai đội đổi sân và như vậy hướng tấn công của từng đội sẽ ngược lại với hiệp một.

2. Quả giao bóng:

Thực hiện quả giao bóng là một hình thức bắt đầu hoặc bắt đầu lại trận đấu:

- Vào thời điểm bắt đầu trận đấu.

- Sau mỗi bàn thắng hợp lệ.

- Vào thời điểm bắt đầu hiệp hai của trận đấu.

- Vào thời điểm bắt đầu mỗi hiệp phụ của trận đấu phụ.

Quả giao bóng đi trực tiếp vào cầu môn được công nhận là bàn thắng hợp lệ.

3. Quá trình tiến hành quả giao bóng:

- Tất cả cầu thủ của hai đội phải đứng trên phần sân của đội mình.

- Cầu thủ của đội không được quyền giao bóng phải đứng cách xa bóng ít nhất là 3m cho đến khi bóng được đưa vào cuộc.

- Bóng phải được đặt tại điểm giao bóng trong vòng tròn trung tâm.

- Trọng tài sẽ thổi còi để bắt đầu trận đấu.

- Bóng vào cuộc sau khi được đá và di chuyển.

- Cầu thủ đá quả giao bóng không được tiếp tục chạm bóng lần thứ hai nếu bóng chưa được chạm hoặc đá bởi một cầu thủ khác.

Sau mỗi bàn thắng, đội thua được đá quả giao bóng để bắt đầu lại trận đấu.

4. Lỗi và cách xử phạt:
Cầu thủ va chạm với thủ môn cũng là phạm lỗi - Ảnh: Ngô Nguyễn
Trong trường hợp cầu thủ giao bóng chạm bóng liên tiến lần thứ 2 trước khi bóng được đá hoặc chạm bởi một cầu thủ khác thì đội đối phương được hưởng quả phạt gián tiếp tại điểm phạm lỗi.

Đối với bất kỳ lỗi vi phạm nào xảy ra trong quá trình giao bóng thì quả giao bóng đều được thực hiện lại.

5. Quả thả bóng chạm đất:

Sau mỗi lần tạm dừng trận đấu vì bất kỳ lý do gì không ghi trong Luật thi đấu và lúc đó bóng chưa vượt khỏi các đường biên ngang và biên dọc thì trận đấu được tiếp tục bằng quả thả bóng chạm đất.

6. Quá trình tiến hành quả thả bóng chạm đất: Một trong hai trọng tài thực hiện thả bóng chạm đất tại nơi bóng dừng.

7. Lỗi và cách xử phạt:

Quả thả bóng chạm đất được thực hiện lại khi:

- Có một cầu thủ chạm bóng trước khi bóng chạm đất.

- Sau khi thả chạm đất, bóng vượt qua ngoài đường giới hạn sân, trước khi cầu thủ chạm bóng.

8. Trường hợp đặc biệt:

- Đội phòng ngự được hưởng quả phạt trong khu phạt đền của đội mình có thể đặt bóng tại bất kỳ điểm nào trong khu phạt đền.

- Đội tấn công được hưởng quả phạt gián tiếp trong khu phạt đền của đội phòng ngự, bóng được đặt trên đường giới hạn khu phạt đền tại điểm gần nơi phạm lỗi nhất.

- Nếu quả thả bóng chạm đất được thực hiện trong khu phạt đền thì bóng sẽ được thả trên đường giới hạn khu phạt đền và gần vị trí bóng dừng nhất.

* Bóng trong cuộc và bóng ngoài cuộc

1. Bóng ngoài cuộc:

Bóng được coi là ngoài cuộc khi:

- Khi bóng vượt hẳn khỏi biên dọc hoặc biên ngang dù ở mặt đất hay trên không.

- Sau tiếng còi dừng trận đấu của trọng tài.

- Bóng chạm trần nhà thi đấu.

2. Bóng trong cuộc:

Ngoài 3 trường hợp trên, bóng được coi là trong cuộc suốt thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc trận đấu, kể cả các trường hợp:

- Bóng bật từ cột dọc, xà ngang của khung cầu môn vào trong sân.

- Bóng bật vào sân từ trọng tài chính hoặc trọng tài thứ 2 đứng trong sân.

Những Quyết định của Hội đồng Luật quốc tế:

1. Khi trận đấu diễn ra trong sân có mái che, nếu bóng chạm trần, trận đấu tạm dừng và sẽ được bắt đầu lại bằng quả đá biên cho đội không có cầu thủ đá bóng chạm trần. Quả đá biên được thực hiện tại điểm trên đường biên dọc gần nơi có bóng chạm trần nhất.

2. Độ cao tối thiểu của trần nhà thi đấu phải là 4m và được nêu trong Điều lệ của giải đấu.

* Bàn thắng hợp lệ
Khi quả bóng đã hoàn toàn vượt khỏi biên ngang giữa hai cột và dưới xà ngang của cầu môn được tính là bàn thắng... - Ảnh: Ngô Nguyễn
1. Bàn thắng hợp lệ:

Bàn thắng được công nhận khi quả bóng đã hoàn toàn vượt khỏi biên ngang giữa hai cột và dưới xà ngang của cầu môn, trừ khi:

- Quả bóng được ném vào cầu môn.

- Quả bóng do cầu thủ đội tấn công dùng tay hoặc cánh tay để ném, ôm hoặc đấm vào cầu môn, kể cả thủ môn.

2. Đội thắng cuộc:

Đội ghi nhiều bàn thắng hơn trong trận đấu là đội thắng. Nếu hai đội đều không ghi được bàn thắng hoặc có số bàn thắng bằng nhau thì trận đấu được coi là hòa.

3. Điều lệ giải:

Nếu như điều lệ giải quy định rằng một trận đấu phải kết thúc có đội thắng cuộc hoặc nếu một trận play-off kết thúc với tỷ số hòa, để xác định đội thắng, phải dựa vào các tiêu chí sau:

- Số bàn thắng ghi được tại sân khách,

- Đá hiệp phụ,

- Đá luân lưu.

Những quyết định của Hội đồng Luật quốc tế:

Chỉ những cách thức do FIFA đưa ra trong Luật thi đấu này mới được đưa vào Điều lệ giải để quyết định đội thắng trong 1 trận đấu hoặc trận play-off...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.